Nên giao kỳ thi tốt nghiệp THPT về sở

Khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố 6 môn thi tốt nghiệp THPT thì các trường lập tức bước vào cuộc đua học ngày học đêm, cắt xén môn học, dồn toàn tâm cho một kỳ thi nhưng không phản ánh năng lực toàn diện của học sinh.

Trước thông tin nhiều chiều về việc nên tiếp tục duy trì hay bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT (Báo Người Lao Động ngày 2 và 3/8 đã phản ánh), hầu hết hiệu trưởng các trường THPT tại TPHCM đều ủng hộ việc phải có một kỳ thi kiểm tra chất lượng nhưng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) phải xác định cụ thể là để kiểm tra quá trình dạy và học qua 12 năm phổ thông hay làm cơ sở để tuyển sinh ĐH, CĐ. Thực tế nhiều năm qua, Bộ GD-ĐT chỉ tổ chức được một kỳ thi tốt nghiệp THPT nghiêm túc (năm 2007). Nguyên nhân vì sao, do cách tổ chức thiếu khoa học, chạy theo thành tích, hay việc xác định tính chất kỳ thi chưa chính xác?

Áp lực kinh khủng

Ông Nguyễn Văn Ngai, nguyên Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM, cho rằng mục đích của kỳ thi tốt nghiệp THPT là đánh giá quá trình dạy và học nhưng thực tế cho thấy việc tổ chức thi như những năm qua chưa đạt yêu cầu. Bằng chứng là có những tỉ lệ đỗ “rất đẹp”. Có những địa phương thì đấy là tỉ lệ thực chất và ngược lại. Một khi Bộ GD-ĐT lơ là, không thể quản hết thì tiêu cực sẽ xảy ra. Vì vậy, nên giao việc tổ chức kỳ thi này về cho các sở GD-ĐT để các sở tự chịu trách nhiệm.

Mặt khác, kỳ thi tốt nghiệp THPT và thi ĐH, CĐ quá gần nhau, tạo áp lực kinh khủng cho cả người dạy lẫn người học. Một số trường THPT tư thục còn dùng kết quả thi tốt nghiệp THPT hằng năm làm bảng thành tích để tuyển sinh nên áp lực cuối cùng dồn lên vai học sinh (HS) và giáo viên (GV).

“Khi công bố 6 môn thi tốt nghiệp THPT thì các trường lập tức bước vào cuộc đua. Có trường cho HS học ngày học đêm, cắt xén những môn học khác và dồn toàn tâm, toàn lực cho một kỳ thi nhưng không phản ánh năng lực toàn diện của HS, thiệt thòi cho các em” - ông Ngai nhấn mạnh.

Không dàn hàng ngang

Ông Nguyễn Văn Cải, Hiệu trưởng Trường THPT Quang Trung (TP HCM), nêu quan điểm: “Muốn tổ chức một kỳ thi nghiêm túc thì phải chấn chỉnh nề nếp thi cử; giảm bớt môn học và nội dung sách giáo khoa từng môn; đổi mới cách kiểm tra, đánh giá là tự khắc sẽ đổi mới phương pháp dạy và học, như cách ra đề thi môn văn trong các kỳ thi gần đây. Như vậy sẽ hiệu quả và nhẹ nhàng hơn”.

Bà Dương Thị Trúc Bạch, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (TP HCM), phân tích thêm: “13 môn học ở bậc phổ thông như hiện nay là quá nặng. HS có những sở thích và năng lực phát triển khác nhau. Phải có những môn bắt buộc và những môn tự chọn để HS lựa chọn. Nếu cứ dàn hàng ngang thì việc học chỉ để đối phó với thi cử và không thể đánh giá toàn diện chất lượng HS”.

Nhiều cách cải tiến

GS Nguyễn Minh Thuyết - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội - cho rằng có nhiều cách cải tiến kỳ thi tốt nghiệp THPT. Nếu cách ra đề thi buộc HS phải chủ động sáng tạo trong làm bài thì sẽ thay đổi được cách dạy và học trong nhà trường. Phương án có thể tính đến là thí sinh phải thi 3 môn cơ bản là toán, văn, ngoại ngữ bên cạnh các môn tự chọn phù hợp với xu hướng lựa chọn ngành nghề tương lai của mình. Những môn không thi có thể lấy trọng số để xét tốt nghiệp. Bộ GD-ĐT cũng nên giao thêm quyền tự chủ cho các địa phương, chỉ tổ chức các đoàn thanh tra giám sát các kỳ thi, nơi nào làm sai thì phải chịu trách nhiệm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nhóm PV Giáo dục (Người Lao Động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN