Mũ bảo hiểm và sách tham khảo

Hai chuyện tưởng chừng không liên quan này có điểm chung là người dân đang bó tay trước sản phẩm kém chuẩn, trong khi các nhà quản lý "gác cổng” chặn hàng rởm chưa hết loay hoay.

Khi chế tài xử phạt yếu, nguồn hàng kém chất lượng không bị chặn từ gốc, nếu các bộ, ngành chỉ kêu gọi - người tiêu dùng cần "nâng cao nhận thức”, nhà quản lý cần "tăng cường trách nhiệm” – e mãi đó cũng chỉ là khẩu hiệu.

Tại buổi Bộ GD-ĐT gặp mặt các cơ quan báo chí chiều 14/3 trao đổi về sách tham khảo (STK) được dư luận rất quan tâm, vì có "sạn” và kém chất lượng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học Phạm Ngọc Định nhắc lại Công văn số 6631 do Bộ trưởng Bộ GD-ĐT ký từ 2008, yêu cầu các cơ quan quản lý giáo dục, các trường phổ thông không bắt buộc học sinh mua sách tham khảo. Bộ sẽ tiếp tục thực hiện công văn này với các biện pháp mạnh hơn, kiên quyết hơn. Trách nhiệm cũng cần được tăng lên từ giáo viên bộ môn, giáo viên chủ nhiệm tới hiệu trưởng, lãnh đạo các Sở...

Chắc chỉ ai cực lạc quan mới có thể hy vọng và yên tâm nghe điều này. Lâu nay Bộ vẫn khuyến cáo phụ huynh và học sinh cần lựa chọn kỹ càng, không nên ôm đồm STK kẻo tốn kém không cần thiết, nhưng loại sách này của NXB Giáo dục VN (Bộ GD-ĐT) in đều đều đâu phải ít?

Mũ bảo hiểm và sách tham khảo - 1

Sách cho trẻ vào lớp 1 in cờ Trung Quốc

"Trước đây Bộ GD-ĐT từng đưa ra một danh mục những STK được sử dụng trong thư viện nhà trường nhưng rồi ngừng lại vì bị dư luận xã hội phản ứng, bị cho là tạo điều kiện để nảy sinh tiêu cực trong xuất bản sách giáo dục. Trong bối cảnh này có nên đưa trở lại danh mục này? Nếu có danh mục này thì cách làm thế nào để phù hợp với Luật Xuất bản?”- ông Nguyễn Công Hinh, Vụ trưởng Vụ GD Thường xuyên đặt câu hỏi. Thực tế dù Bộ GD-ĐT tạm ngừng đưa danh mục STK dùng trong thư viện nhà trường nhưng Danh mục này vẫn được NXB Giáo dục thuộc Bộ công bố. Theo Danh mục mà NXB này công bố đầu tháng 3 năm nay, từ năm học 2012 – 2013, số đầu STK lên tới 737, kể cả STK dùng chung cả 3 cấp và tranh ảnh, bản đồ, băng đĩa. Trong đó STK chỉ của tiểu học đã là 203, của cả 3 cấp học là 591. Nhìn vào mê hồn trận này, khuyến cáo phụ huynh hãy lựa chọn kỹ e là ngang… thách đố?

Vậy tiêu chí lựa chọn kỹ càng mà Bộ khuyến cáo cụ thể là gì? Vừa qua các thầy cô soạn sách nhiều kinh nghiệm, người làm sách của trường ĐH mà còn cẩu thả để sót những lỗi "chết người” như vụ việc phát hiện mới đây, thì sự kêu gọi chung chung của ngành cho thấy các nhà quản lý còn khá loay hoay với nạn "sạn sách”. Sách sạn phát hiện tới 5 cuốn trong 2 tuần qua đều do giới truyền thông và phụ huynh chung tay, đâu thấy thầy cô, nhà quản lý nào rà soát?

Cũng như tình trạng loạn cẩm nang tuyển sinh trước mùa thi, với rất nhiều kênh thông tin tuyển sinh như sách cẩm nang, báo đài, internet… , lượng thông tin về tuyển sinh vô cùng nhiều và đa dạng. Mặt trái của vấn đề này là chất lượng của cẩm nang tuyển sinh không được kiểm soát và đảm bảo gây hỏa mù cho thí sinh và phụ huynh.

Trở lại với quy định liên bộ về xử phạt người đội mũ bảo hiểm không chuẩn vừa bị hủy bỏ, do bắt lỗi người tiêu dùng chưa đủ thuyết phục. Tới đây nếu Bộ GD-ĐT phối hợp với Bộ Thông tin Truyền thông xây dựng thông tư liên tịch để tổ chức rà soát và tăng trách nhiệm xuất bản STK giáo dục của các NXB..., hy vọng sẽ không bị tuýt còi như vụ mũ bảo hiểm và không nhạt nhòa chung chung. Kẻo công văn, thông tư cứ ban hành mà sách rởm cứ bán đều đều nhiều năm, tái bản mới biết sai, mới tha hồ xin lỗi, xin thu hồi!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Ka Linh (Đại đoàn kết)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN