Miễn giảm học phí cho sinh viên sư phạm tạo nên bất công lớn?

Sự kiện: Giáo dục

Có nhiều quan điểm trái chiều trong vấn đề có nên bỏ chế độ miễn giảm học phí đối với sinh viên sư phạm trong điều kiện hiện nay hay không.

Miễn giảm học phí cho sinh viên sư phạm tạo nên bất công lớn? - 1

Vẫn còn nhiều tranh cãi quanh việc có nên bỏ miễn giảm học phí cho sinh viên sư phạm

Bỏ là cần thiết?

Tại hội thảo bàn về Tác động của chính sách miễn học phí đối với chất lượng tuyển sinh và đào tạo giáo viên mới diễn ra tại TP.HCM, PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM cho rằng, phải bỏ ngay lập tức chính sách miễn giảm học phí cho sinh viên sư phạm, chỉ xét cấp học bổng cho những em nào cực kỳ khó khăn để bù lại phần học phí đã đóng thôi.

Bởi theo ông Dũng, việc miễn học phí này là một sự bất công rất lớn. Tại ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM có 1 một ngành sư phạm truyền thống (sư phạm tiếng Anh) và 12 ngành sư phạm về kỹ thuật. Trong suốt 10 năm qua, trường miễn học phí hoàn toàn đối với sinh viên sư phạm nhưng có rất nhiều điều bất hợp lý.

Đó là mỗi năm trường nhận khoảng từ 5-8 tỷ đồng cấp bù sư phạm nhưng cũng trong 10 năm qua, trường đã phải bù lỗ cho số sinh viên này khoảng 30 tỷ đồng. Cùng với đó, việc lấy tiền của sinh viên đóng học phí để “nuôi” sinh viên sư phạm là điều quá bất hợp lý.

Đối với ngành sư phạm kỹ thuật, sinh viên được cấp 2 bằng: Bằng kỹ sư và bằng sư phạm nhưng 90% sinh viên sư phạm giỏi tốt nghiệp đều làm công ty, xí nghiệp hết mà không có chế tài ràng buộc nào.

Như vậy Nhà nước cấp một khoản bù học phí, nhà trường cũng cấp thêm một khoản tương tự nữa nhưng các em ra trường không làm giáo viên, không giảng dạy, đó là một sự lãng phí tiền của rất lớn.  

Ông Dũng đề xuất: “Hiện tại, trường tôi đang đề nghị Bộ GDĐT và Quốc hội thu học phí tất cả sinh viên, kể cả học ngành sư phạm. Nếu em nào ra trường làm việc trong ngành sư phạm thì sẽ chuyển tiền thu học phí về trường hoặc Sở GDĐT nào mà em đó làm việc.

Từ số tiền này, Sở sẽ chi trả thêm 3-4 triệu đồng/ tháng cho các em. Cùng với lương họ nhận, số tiền "trả lại" này sẽ giúp các em ổn định cuộc sống trong những năm đầu đi làm và cống hiến với nghề tốt hơn”.

PGS.TS Nguyễn Thám, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế chỉ rõ, từ 2011 đến 2017, ngân sách cấp bù sư phạm tăng đều. Trong khi với khoảng 50-60% sinh viên tốt nghiệp không có việc làm, chất lượng giáo viên không có chuyển biến đột phá thì con số lãng phí cho ngân sách cũng khá lớn.

Chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm trong quá trình thực hiện suốt nhiều năm qua đã bộc lộ nhiều hạn chế như việc miễn học phí cho sinh viên sư phạm không đảm bảo tuyển được sinh viên giỏi vào sư phạm. Ngành sư phạm chỉ trở thành lựa chọn hàng đầu của những sinh viên học lực trung bình, hoặc chỉ là nguyện vọng 2 của sinh viên khá, giỏi.

Quy định để được hưởng chính sách miễn học phí là sinh viên phải có cam kết sau khi tốt nghiệp sẽ phục vụ trong ngành giáo dục đào tạo, nhưng tới nay không có bất kỳ cơ quan nào kiểm tra xem sinh viên có thực hiện đúng hay không.

Bỏ miễn giảm, sinh viên sẽ bỏ học?

Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục cho rằng nếu “bỏ ngay lập tức” chính sách miễn học phí là rất khó, bởi nếu làm ngay thì sẽ có rất nhiều sinh viên sư phạm thôi học.

Theo PGS.TS Nguyễn Thám, việc bỏ chính sách miễn học phí phải có lộ trình, bởi nếu bỏ ngay thì các trường đào tạo sư phạm khó tuyển sinh. Thực tế cho thấy, trước tình hình tuyển sinh khó khăn của các trường sư phạm những năm gần đây, nếu sang năm sau bỏ việc miễn học phí thì chắc các trường chỉ tuyển được 40-50% chỉ tiêu là cao.

Trong khi đó, TS Trần Lương và nhóm nghiên cứu về những yếu tố tác động đến việc chọn ngành sư phạm của sinh viên, chỉ rõ, kết quả nghiên cứu cho thấy có hơn 50% sinh viên chọn ngành sư phạm do được miễn học phí, nếu học ngành sư phạm mà phải đóng học phí thì hơn 55% sinh viên nói họ sẽ bỏ học.

Đồng thời, hơn 20% sinh viên cũng lưỡng lự có nên học nữa hay không và chỉ có khoảng 22% khẳng định họ vẫn tiếp tục học ngành sư phạm. Như vậy, nếu chính sách miễn học phí thay đổi sẽ làm giảm số lượng sinh viên theo học các ngành sư phạm.

PGS.TS Vũ Thị Lan Anh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Luật Hà Nội, nhóm nghiên cứu Dự thảo Luật Giáo dục Đại học, cho rằng, khi mức học phí tăng lên thì chính sách miễn học phí ngành sư phạm sẽ tác động rất lớn đến người học. Bởi chính sách này sẽ thúc đẩy và thu hút sinh viên đến với trường sư phạm nhiều hơn.

Còn theo PGS. TS Nguyễn Kim Hồng, nguyên hiệu trưởng ĐH Sư phạm TP.HCM, 4 năm gần đây số lượng sinh viên ở khu vực nông thôn vào trường sư phạm giảm sút mạnh, đây là một thay đổi đột xuất và chưa lý giải được. Do đó, ông Hồng cho rằng, có lý do để nói rằng, học phí không phải là vấn đề quyết định chuyện sinh viên có vào ngành sư phạm hay không mà còn do những chính sách khác.

Điều quan trọng nhất là phải làm sao thu hút người giỏi theo nghề giáo chứ không phải làm sao đủ số lượng. Điều đó đòi hỏi các chính sách phải đồng bộ trong việc tuyển dụng, đãi ngộ, phân công công tác… cho ngành sư phạm.

Miễn học phí cho sinh viên sư phạm: Hàng trăm tỷ đầu tư sẽ lãng phí

Đề xuất xóa bỏ chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm của một hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm lớn tại TP.HCM...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Bạch Dương (Infonet)
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN