Mẹ chạy xe ôm nuôi con đại học

Không chỉ gia đình mà trong từng dòng họ, khu dân cư, lớp người trước luôn khát khao, tạo mọi điều kiện cho lớp người sau học hành thành đạt.

1. Giữa trung tâm quận 1 (TP.HCM) có một căn hộ chiều ngang chỉ 2,2 m nằm trên gác xép của một căn nhà, nơi mà chiếc cầu thang lên gác chỉ đủ cho một người đi nghiêng. Tại đây có cả thảy năm con người đang trú ngụ: Người mẹ chạy xe ôm nuôi bốn người con ăn học nên người.

Dưới mái nhà ấy cách đây 15 năm, người cha làm nghề hớt tóc đã ra đi vĩnh viễn, để lại người mẹ trẻ với bốn đứa con thơ dại, đứa lớn nhất mới 10 tuổi, đứa nhỏ nhất mới lên hai tuổi. Người mẹ, chị Nguyễn Thị Tuyết Hồng, chới với bươn chải với nghề chạy xe ôm để nuôi con. Cuốc xe chở mối gạo đầu ngày của chị bắt đầu từ lúc 3 giờ sáng, vòng xe cuối ngày không bao giờ kết thúc trước 23 giờ. Giờ hạnh phúc nhất của gia đình là những đêm khuya lúc các con chị chờ mẹ đội mưa trở về trong bình yên, khi ấy những câu chuyện về trường lớp, bạn bè được các con đem ra chuyện trò thủ thỉ.

Cuộc mưu sinh bằng nghề xe ôm với một phụ nữ không bao giờ êm ả. Có lúc chị bị dọa đánh vì dám giành địa bàn, có lúc vừa quay lưng bắt khách đã bị đồng nghiệp tháo bugi làm xe không chạy được, có lúc gặp nguy hiểm trong đêm… Vậy nhưng 15 năm nay chưa bao giờ người mẹ ấy cho phép mình được nghỉ một ngày mà nụ cười vẫn luôn nở trên môi. “Đời tôi chỉ học tới lớp 10, tôi mong con cái có kiến thức để trụ chân với xã hội. Có chạy xe ôm suốt đời để nuôi con học lên thạc sĩ, tiến sĩ tôi cũng chịu” - người mẹ trải lòng. Khi học phí của các con phải đóng trùng một lúc, chị chạy vạy mượn tiền “giang hồ” để lo. Mới tuần rồi, chị phải cầm chiếc xe máy để có 1 triệu rưỡi đóng tiền học cho con. Thấy mẹ vất vả, các con chị tự bảo ban nhau, đứa lớn chỉ dạy đứa nhỏ. Tuổi trẻ bồng bột, có lần một đứa tính bỏ nhà đi bụi vì chán cảnh sống túng quẫn, thiếu vòng tay ôm ấp yêu thương của mẹ. Nhưng rồi chị em bảo ban nhau, nghĩ lại thấy mình có lỗi vô cùng khi trách cứ mẹ. Mấy tháng gần đây, các con chị đã nghĩ cách mở một xe bán cá viên chiên ngay tại nhà vào buổi tối để phụ mẹ trang trải chi tiêu. Chính quyền địa phương cũng cho chị vay tiền trả dần mà không lấy lãi. Đến nay các con chị đứa vào ĐH, đứa vào CĐ, riêng con trai út đang học lớp 11. Trong mái nhà nhỏ ấy, tài sản quý giá nhất của gia đình chị là chiếc va li đựng đầy giấy khen, bằng khen của các con.

Mẹ chạy xe ôm nuôi con đại học - 1

Giây phút hiếm hoi chị Hồng được gần gũi bên con gái
đang học ĐH Tôn Đức Thắng- Ảnh: TM

2. Trước cảnh trường lớp xa nhà, điều kiện kinh tế ngày càng khó khăn, những người lớn tuổi trong dòng họ Nguyễn Văn Lý (Cần Giờ) đã ngồi lại với nhau để tìm cách động viên con cháu học tập, tránh rơi vào cạm bẫy tệ nạn xã hội. Một quỹ học bổng hiếu học được lập ra từ những ngày công lao động trên vườn ổi, vườn mía, làm cỏ, tưới nước của các thành viên đang tuổi lao động trong dòng họ. Những cháu được học sinh giỏi cấp huyện, cấp thành phố được nhận học bổng, những cháu đi học xa được trợ cấp một phần tiền xăng xe đi lại, học phí… Từ 10 triệu đồng ban đầu, đến nay quỹ học bổng của dòng họ đã có 50 triệu đồng cho mỗi năm. Đó là một sự khích lệ không nhỏ đối với những trẻ em ở ngoại thành.

3. Phong trào xây dựng gia đình hiếu học của cả nước bắt đầu từ cái nôi ở quận 1 cách đây 14 năm. Năm nay phong trào có nét mới là từ gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học đã có thêm tiêu chí cho khu dân cư khuyến học: Chi hội khuyến học ở khu dân cư có biện pháp quản lý học sinh ngoài giờ học ở trường, không có học sinh mắc tệ nạn xã hội và vi phạm pháp luật…

Có lẽ phong trào hợp lòng dân nên được nhiều người hưởng ứng. Họ là những người dân ấp 3, xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh sắm xe sách lưu động để phục vụ người dân trong ấp, trong đó đa số là dân nhập cư. Là ông Nguyễn Ngọc Tương ở quận 9, kinh tế gia đình phụ thuộc vào đồng lương hưu quân đội và tiệm tạp hóa nhỏ nhưng ông đã “lệnh” cho các con nuôi heo đất hằng năm để mua xe đạp tặng cho học sinh nghèo vượt khó học giỏi trong khu phố. Đã có 67 chiếc xe đạp được cho đi như thế. Là dòng họ Kiều nuôi heo đất khuyến học cho 53 người đạt trình độ ĐH, 32 người CĐ, bốn người tiến sĩ. Mỗi năm, cả dòng họ họp mặt hai lần để nhắc nhở con cháu về nguồn cội, hỏi han động viên các em học sinh còn khó khăn…

Lặn lội tiếp xúc nhiều với những người hiếu học, khuyến học này, bà Lê Minh Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học TP.HCM, mừng thầm vì một xã hội học tập có thể được xây dựng thành công từ những cái nôi như thế. Dân ta có sẵn truyền thống hiếu học, mỗi người một cảnh nhưng ai cũng đều khát khao con cháu học hơn mình, đáp ứng với đòi hỏi ngày càng cao của xã hội. Vấn đề là người lãnh đạo ngành giáo dục cần biết cách khơi những “đốm lửa” ấy để nó bùng lên càng nhiều càng tốt.

Sáng nay, 6/6, Hội Khuyến học TP.HCM tổ chức đại hội tuyên dương gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học, khu dân cư khuyến học xuất sắc lần 5 tại Hội trường TP. Tại đại hội, lãnh đạo TP sẽ tặng bằng khen và khen thưởng cho trên 240 gia đình hiếu học xuất sắc, chín dòng họ hiếu học và 11 khu dân cư khuyến học xuất sắc của các phường, xã trong TP. Riêng huyện Bình Chánh có đến 18/26 dòng họ hiếu học.

Trong năm năm qua, chương trình “Tiết kiệm nuôi heo đất khuyến học” đã gầy dựng được gần 166 tỉ đồng và 300 USD. Hằng năm, các cấp hội đã trao trên 100.000 suất học bổng hiếu học với số tiền trên 20 tỉ đồng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Thanh Mận (Pháp luật TP.HCM)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN