Lớp học trên đỉnh Trường Sơn

Nậm Cắn là một xã rẻo cao nằm sát đường biên giới Việt - Lào, cách thành phố Vinh gần 300 km, dân cư chủ yếu người Mông. Tuy vậy trẻ em nơi “cùng trời cuối đất” này khi tiếp xúc với khách lạ rất hoạt bát tự tin và cởi mở.

Khi học sinh hết ngại giao tiếp

Từng chứng kiến lớp học kiểu mới này, anh Lầu Bá Thái, Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Cắn nhận xét: “Trước đây các cháu rụt rè lắm. Đi trên đường là cứ cắm mặt xuống mà đi, gặp người lớn cũng chẳng biết chào hỏi. Mình có hỏi trước thì chúng nó cũng trả lời nhát gừng, hỏi tiếng phổ thông vẫn cứ trả lời bằng tiếng địa phương. Giờ ra ngoài thấy người lớn là biết chào, hỏi thì biết thưa gửi khi trả lời, mà toàn bằng tiếng phổ thông rất lưu loát. Thỉnh thoảng chúng tôi ghé vào thăm trường, thấy các cháu hoạt bát tự tin lắm. Trước đây thỉnh thoảng mới thấy có cháu viết chữ đẹp, giờ cháu nào cũng viết đẹp”.

Lớp học trên đỉnh Trường Sơn - 1

Cô Nguyễn Thị Kiều kiểm tra nhóm xem các học sinh nắm bắt đến đâu để giảng giải lại

“Trong số 73 trường tiểu học làm thí điểm mô hình trường học mới của Nghệ An thì Trường Tiểu học Nậm Cắn 1 là xa xôi và khó khăn nhất. Trước đây, mỗi lần lên đó về chúng tôi đều rất buồn, vì không biết làm sao để rút ngắn khoảng cách giữa trường vùng cao với trường đồng bằng. Nhưng giờ mỗi lần lên đây trở về, chúng tôi mang theo cảm giác thán phục. Các cháu trưởng thành rất nhanh, rất tự tin.

Ông Trần Thế Sơn, Trưởng phòng GD Tiểu học, Sở GD&ĐT Nghệ An

Còn anh Và Bá Trỉa, người dân bản Tiền Tiêu khoe con mình bỗng nhiên trở nên thích đi học. “Nó khoe là đi học vui lắm. Được làm nhóm trưởng này. Rồi được viết thư cho bạn, cho cô giáo. Hôm trước cháu ốm, bố mẹ sợ ra gió lâu khỏi nên bảo nghỉ ở nhà. Nhưng rồi lại chẳng thấy nó đâu. Lên trên lớp (nhà anh Trỉa ngay sát điểm trường bản Tiền Tiêu -PV) thì thấy con ở đó rồi”, anh Trỉa kể. Cũng theo anh Trỉa, trẻ con bản Tiền Tiêu giờ đây đứa nào cũng như đứa nào, khách đến nhà đã biết hỏi bác đi đâu, tìm bố cháu có việc gì... chứ không cắm đầu chạy biến như trước đây.

Nói về lớp học thực hiện mô hình trường học mới, anh Trỉa hồ hởi: “Ban đầu khi chúng tôi cũng thấy lạ. Nhưng về sau thấy hiệu quả rõ rệt. Trước đây cô giảng trò nghe nên đa số các cháu học đến lớp 5 vẫn chưa nói sõi tiếng Kinh, chỉ viết được thôi. Giờ đi học là cô không nói nữa mà toàn các cháu nói nên đứa nào cũng biết ăn nói, biết ngoại giao”.

Các giáo viên Trường Tiểu học Nậm Cắn 1 cũng ngỡ ngàng trước sự “trưởng thành” của học sinh mình. Cô Nguyễn Thị Phương, hiệu trưởng nhà trường kể: “Năm ngoái, trước khi nghỉ hè, các em học sinh khối 5 đã tự đứng ra tổ chức một lễ chia tay nhà trường. Các em tự trang trí lớp học, tự mua bánh kẹo – hoa quả, tự chia nhau đi mời các thầy cô. Đây là điều chưa từng xảy ra với học sinh dân tộc ở huyện Kỳ Sơn này”.

Theo ông Nguyễn Hồng Hoa, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Kỳ Sơn, với đặc trưng hầu hết học sinh của huyện Kỳ Sơn đều là người dân tộc thiểu số, lại sống ở vùng rẻo cao, khả năng giao tiếp của các em rất hạn chế. Nhờ mô hình trường học mới mà khả năng tiếng Việt của các em cải thiện rõ rệt, kéo theo chất lượng học tập các môn khác được nâng lên. “Điều này không chỉ thể hiện qua các kỳ khảo sát chất lượng mà khi tiếp xúc trực tiếp với các em chúng tôi thấy rất rõ”, ông Hoa nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Quý Hiên (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN