Lệch pha cung - cầu

Ồ ạt mở trường, đào tạo tràn lan nhưng thiếu dự báo chính xác về nhu cầu nguồn nhân lực… của các đơn vị đào tạo đã đẩy hàng trăm ngàn cử nhân vào cảnh bơ vơ.

Nguyễn Thị Bích Hạt, cựu sinh viên (SV) Trường ĐH Đồng Tháp, cho biết lớp Hạt có 53 SV đến từ các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Long An, Bến Tre... Tốt nghiệp ra trường, chỉ có 7 người quê Long An được làm việc đúng chuyên ngành đào tạo, số còn lại đành ở nhà sống dựa vào gia đình hoặc lên TPHCM, Bình Dương... làm đủ nghề tạm bợ.

Đào tạo tràn lan

Theo Sở GD-ĐT tỉnh Đồng Tháp, đến hết năm 2012, toàn tỉnh có gần 1.740 SV ngành sư phạm đã tốt nghiệp nhưng chưa tìm được việc làm. Số cử nhân thất nghiệp thực tế còn cao hơn nhiều do chưa thống kê được từ các trường ĐH ngoài tỉnh. Đặc biệt, nhiều khoa, ngành học không có nhu cầu tuyển dụng như lịch sử, kỹ thuật nông nghiệp, kỹ thuật công nghiệp... vẫn được đào tạo tràn lan.

Tính đến ngày 20/2, toàn tỉnh Thanh Hóa có 24.956 cử nhân thất nghiệp. Ngoài ngành sư phạm thất nghiệp nhiều nhất (3.762 SV) còn có các ngành thời thượng khác như: công nghệ thông tin, kinh tế, quản trị kinh doanh… Số phận của gần 25.000 cử nhân đang chưa biết đi đâu về đâu thì đến tháng 6-2012, Thanh Hóa có hơn 44.000 SV đang theo học tại các trường ĐH, CĐ và TCCN trong cả nước.

Nhìn nhận về tình trạng cử nhân thất nghiệp nhiều, ông Lê Quang Tích, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH Thanh Hóa, cho rằng thời buổi kinh tế khó khăn, xin việc ngày càng khó nhưng các trường vẫn đào tạo ồ ạt. Các em tốt nghiệp ĐH, CĐ là lực lượng tri thức, lao động bằng chất xám, không thể đi làm gò hàn hay may mặc nên thất nghiệp là điều dễ hiểu.

Lệch pha cung - cầu - 1

Một công ty của Nhật Bản tại KCN Hòa Cầm, TP Đà Nẵng có hàng trăm công nhân là cử nhân ĐH Ảnh: Bích Vân

Theo thống kê của Phòng Việc làm thuộc Sở LĐ-TB-XH TP Đà Nẵng, TP này đang thiếu nhân lực lao động phổ thông trong khi lao động có trình độ ĐH lại quá thừa. Tại mỗi phiên giao dịch việc làm, nhu cầu tuyển dụng dành cho lao động phổ thông chiếm gần 70%, còn cử nhân chỉ dao động ở mức 5%-10%. TP Đà Nẵng có 8 trường ĐH với số lượng cử nhân tốt nghiệp mỗi năm lên đến hàng chục ngàn gây nên tình trạng thất nghiệp tràn lan bởi cung vượt cầu.

Vì vậy, trong cuộc cạnh tranh việc làm ngày càng khốc liệt, cử nhân nếu không muốn thất nghiệp đành phải làm những công việc thời vụ. Ông Lê Duy Lương, giám đốc nhân sự một công ty điện tử của Nhật Bản có trụ sở tại KCN Hòa Cầm, TP Đà Nẵng, cho biết hàng trăm công nhân ở đây đã tốt nghiệp ĐH. Ông Lương lý giải hiện tượng này một phần do nhiều SV muốn đi làm để tích lũy kinh nghiệm nhưng phần lớn do tốt nghiệp mà không tìm được việc làm.

“Giẫm chân” nhau

Nhiều chuyên gia giáo dục nhận định tình trạng SV ra trường không kiếm được việc hoặc làm trái nghề xuất phát từ khâu dự báo nhu cầu sử dụng lao động của các sở, ngành từ Trung ương đến địa phương còn yếu. Mặt khác, “quá nhiều trường mọc lên, họ chỉ lo số lượng đầu vào mà xem nhẹ chất lượng đào tạo cũng như định hướng ra trường cho SV. Việc mở mã ngành, chỉ tiêu tuyển sinh những năm trước đều do trường đề xuất chứ bộ không quy định nên các trường cứ tuyển vô tội vạ, càng nhiều càng tốt, kể cả những ngành không còn phù hợp với nhu cầu xã hội” - ông Nguyễn Văn Long, Phó trưởng Phòng Giáo dục chuyên nghiệp - Sở GD-ĐT Thanh Hóa, nói.

GS-TS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường ĐH Tân Tạo, khẳng định ngay cả SV tốt nghiệp các ngành kinh tế của trường công lập vẫn bị doanh nghiệp từ chối thẳng thừng bởi từ trước đến nay, các ngành này thường đào tạo theo kiểu ngồi nghe rồi ghi chép; nhiều SV ra trường chưa thể sử dụng máy vi tính, không biết cách viết thư, tiếp khách hoặc lưu trữ hồ sơ...

Trong khi đó, Nhà nước vẫn chưa quy định chặt chẽ về quy trình tuyển dụng nên dễ phát sinh tiêu cực trong đơn vị hành chính sự nghiệp. Cũng theo GS-TS Võ Tòng Xuân, ông thật sự không hiểu nổi vì sao Bộ GD-ĐT lại cho phép 1 tỉnh có đến 2 trường ĐH công lập với đủ các ngành nghề đào tạo na ná nhau. Cho dù các trường đều xây dựng chuẩn đầu ra nhưng với tỉ lệ tốt nghiệp ĐH 100% thì cơ hội việc làm cho các cử nhân là điều đáng suy ngẫm.

Bộ GD-ĐT thừa nhận đào tạo lệch hướng

Tại phiên chất vấn trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 22/3, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã trả lời những vấn đề nóng xoay quanh vấn đề chất lượng giáo dục đào tạo ĐH như hiện tượng SV tốt nghiệp không có việc làm, có sự phân biệt trường công và tư… “Bộ GD-ĐT có một phần trách nhiệm khi chất lượng đào tạo chưa tốt, nhiều SV chưa đáp ứng được đòi hỏi của cơ quan tuyển dụng, đặc biệt là về tiếng Anh, tin học” - Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận thừa nhận.

Theo Bộ trưởng Phạm Vũ Luận,  nguyên nhân cử nhân thất nghiệp chính vì quy mô, cơ cấu đào tạo ở các trường ĐH, CĐ không khớp với nhu cầu của thị trường lao động. Các trường ĐH, CĐ chỉ đào tạo những ngành trường có khả năng, chưa đào tạo những ngành xã hội cần. Đặc biệt là trong thời gian vừa qua, việc giao chỉ tiêu tuyển sinh chủ yếu căn cứ vào năng lực đào tạo của cơ sở giáo dục ĐH mà chưa tính đến nhu cầu sử dụng nhân lực của xã hội.

Cần tổ chức điều tra về việc làm

Giữa tháng 3/2013, Bộ GD-ĐT đã yêu cầu các trường ĐH, CĐ, TCCN và đề nghị các địa phương báo cáo số lượng học sinh, SV tốt nghiệp, tình hình và nhu cầu tuyển dụng nhân lực. Cùng việc tạm dừng mở mới các ngành đào tạo đang thừa “đầu ra” như tài chính ngân hàng, quản trị kinh doanh, kế toán, Bộ GD-ĐT đã kiến nghị Chính phủ tăng cường chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương tổ chức điều tra về việc làm, dự báo nhu cầu nhân lực để định hướng các cơ sở đào tạo xác định chỉ tiêu tuyển sinh và ngành đào tạo phù hợp với nhu cầu; đồng thời giúp người học có cơ sở lựa chọn ngành nghề dễ kiếm việc khi ra trường.

Lan Anh

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Thốt Nốt - Minh Tuấn - Bích Vân (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN