Lạ lùng truyện tranh đọc ngược

"Điều làm tôi ngạc nhiên là cuốn truyện Đô rê môn mới tái bản này, do NXB Kim Đồng, một NXB có tiếng về sách thiếu nhi của nước ta xuất bản đều được in ngược, tức là khi đọc, người đọc phải mở sách từ phía sau ra phía trước, bìa sách cũng in ngược ở mặt sau!?"

Cách đây chưa lâu, tình cờ, trong một lần ngồi uống nước với mấy người bạn, thấy con gái bạn tôi đem ra mấy quyển truyện để đọc, nói là mới mua. Tiện tay cầm lên một cuốn, thấy đó là cuốn Đô rê mon, tập truyện tranh khá nổi tiếng của Nhật Bản. Tưởng đã lâu bộ sách này không xuất bản mới nữa, nhưng người bạn cho biết đây là mấy tập Đô rê mon mới tái bản. Điều làm tôi ngạc nhiên là cuốn truyện Đô rê môn mới tái bản này, do NXB Kim Đồng, một NXB có tiếng về sách thiếu nhi của nước ta xuất bản đều được in ngược, tức là khi đọc, người đọc phải mở sách từ phía sau ra phía trước, bìa sách cũng in ngược ở mặt sau!?

Lúc đầu tưởng là NXB in nhầm nhưng xem mấy quyển còn lại cũng đều có tình trạng in ngược y như vậy. Chẳng hiểu cách thiết kế đó có “dụng ý” gì, phải chăng do đây là truyện của Nhật nên ta cũng phải đọc theo “phong cách” của người Nhật? Chỉ biết rằng, cách dàn trang như thế khiến người đọc có cảm giác rất khó chịu, thậm chí đọc xong một tập là nhức cả đầu, hoa cả mắt, người lớn đã vậy huống gì là trẻ con.

Lạ lùng truyện tranh đọc ngược - 1

Việc xuất bản các sách đọc ngược đang được các NXB thực hiện rất phổ biến - Ảnh: Thanh Tùng

Quả là truyện tranh của Trung Quốc hay Nhật Bản xuất bản ở nước họ có cách đọc ngược như vậy nhưng nay đã được dịch, in ra và phát hành cho trẻ em Việt Nam, cho người Việt Nam đọc. Chẳng lẽ vì tôn trọng bản gốc mà khi dịch và xuất bản chúng ta phải in ngược như họ hay sao?

Được biết, ngoài Đô rê mon, bộ truyện truyện Conan, rồi là tập truyện Dragon Ball của Akira Toriy Ama - Những bộ truyện tranh được trẻ em và cả người lớn rất thích - cũng được NXB Kim Đồng in theo lối đọc ngược như thế đã lâu chứ không phải mới đây.

Thiết nghĩ, dù đây là những truyện của nước ngoài nhưng chúng ta đã dịch sang tiếng Việt và hơn hết, nó đang được phát hành ở Việt Nam, chúng ta cần phải theo đúng cách của người Việt là đọc xuôi, chứ không phải đọc ngược. Mong NXB đừng “học tập” một cách máy móc như vậy.

Dân Hùng (Văn phòng UBND TP Đà Nẵng)

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Giáo dục & Thời đại
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN