Kỳ tích của cô gái bại não trở thành sinh viên trường Luật

Sự kiện: Giáo dục

Nguyễn Mai Anh, cô gái bại não thể co cứng bật khóc nức nở khi kể về hành trình gian nan, để trở thành một người tự tin, một tân sinh viên trường Luật.

“Nữ chiến binh” với nghị lực phi thường

Sau nhiều lần lỡ hẹn với Nguyễn Mai Anh, chúng tôi gặp được em tại căn nhà của gia đình ở trên phố Hòa Bình (phường Âu Cơ, thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ). Mai Anh nở một nụ cười thật tươi. Nụ cười khiến cho ai nấy khi nhận được cũng sẽ cảm thấy thật dễ chịu và ấm áp.

Mai Anh sinh năm 2001, trong một gia đình có bố và mẹ đều là giáo viên, một mái ấm gia đình đầy tình thương yêu. Ngoài nụ cười tươi, ấn tượng hơn cả chính là thân hình bé nhỏ, làn da trắng, mái tóc đen dài, đôi mắt luôn ánh lên niềm khao khát chinh phục. Dù nói chuyện có chút khó khăn, nhưng khi chia sẻ về hành trình đầy nỗ lực của mình, Mai Anh luôn cố gắng nói từng câu chữ thật rõ ràng và dễ hiểu, đúng chất một sinh viên trường Luật.

Mai Anh cho biết, em còn có một cô em gái song sinh tên Nguyễn Trúc Anh, đang theo học tại trường đại học Dược Hà Nội. “Em gái của em hoàn toàn khỏe mạnh và bình thường. Hai chị em lúc nào cũng như hình với bóng, luôn là bạn thân của nhau. Trúc Anh là em gái, nhưng luôn yêu thương, nhường nhịn và chăm sóc em từ những điều nhỏ nhặt nhất. Nhiều lần nhìn thấy Trúc Anh khóc vì thương em, em cảm thấy mình thật may mắn vì có một cô em gái tuyệt vời như vậy”, Mai Anh nghẹn ngào kể.

Dừng lại một lúc, Mai Anh tiếp tục chia sẻ: “Ngay từ khi em còn nhỏ, vào thời điểm lên trung học cơ sở, em bắt đầu cảm nhận được ánh mắt thương hại, nghi ngờ của mọi người khi nhìn thấy em. Mọi người cứ bảo em là què,  nhưng thực tế em không hề bị như vậy, em chỉ khó khăn trong đi lại mà thôi.

Mọi người không hề biết những lời nói đó lúc ấy đã làm tổn thương đến một đứa trẻ như thế nào đâu. Đã có những thời khắc, em muốn bỏ cuộc. Nhưng em lại nghĩ đến bố mẹ, nghĩ đến Trúc Anh nên lại vực dậy tinh thần. Em muốn chứng minh cho mọi người thấy, tất cả những lời nói, những suy nghĩ đó là hoàn toàn sai, càng không muốn khuất phục trước số phận”.

“Pháp luật - với em, ít nhất nó là hiện hữu của sự công bằng. Mơ ước trở thành luật sư được ấp ủ từ bé, biến ước mơ thành sự thật trước sự ngỡ ngàng của mọi người, em thấy hạnh phúc. Đạp đổ bức tường dư luận tiêu cực bằng chính sức lực của mình, đó là động lực để cho em tiếp tục cố gắng hơn nữa”, Nguyễn Mai Anh chia sẻ.

Xuyên suốt cuộc trò chuyện, chúng tôi cảm nhận sự gắng gỏi vượt lên của một cô gái bé nhỏ trước những khó khăn trong cuộc sống cá nhân thường nhật và cả sự thương hại, e dè của xã hội.

Mai Anh kể về những buổi tập vật lý trị liệu, phục hồi chức năng tại bệnh viện Nhi Trung ương, đôi chân lúc nào cũng chực chờ ngã, những giọt nước mắt cứ lăn dài trên má vì đau đớn... Đó cũng chính là quãng thời gian khó khăn nhất của hai mẹ con, nhưng cả hai chưa bao giờ có ý định dừng lại.

Hai mẹ con Mai Anh tại góc học tập quen thuộc (Ảnh Phạm Tùng).

Hai mẹ con Mai Anh tại góc học tập quen thuộc (Ảnh Phạm Tùng).

Trái tim người mẹ

Phía sau Mai Anh luôn có hậu phương vô cùng vững chắc. Mai Anh nhắc nhiều về cô em gái Trúc Anh và người mẹ của mình. Mỗi lần nói đến, cô gái bé nhỏ lại bật khóc vì thương mẹ và nhớ em. Ở thời điểm hiện tại, tuy bước đi của Mai Anh vẫn còn rất chậm và yếu ớt, nhưng đó là cả một hành trình nỗ lực, kiên trì và bền bỉ và thành quả đó là niềm hạnh phúc vô bờ bến của gia đình.

Khi chia sẻ với phóng viên, cô Đinh Thị Thu Hảo (SN 1976, mẹ Mai Anh) nhiều lần phải dừng lại vì những cảm xúc cứ chực trào, vỡ oà.

Cô Hảo cho biết, cặp sinh đôi Mai Anh và Trúc Anh sinh ra khi chỉ mới 7 tháng tuổi. Trong khoảng thời gian mang thai, mọi kiểm tra đều không có dấu hiệu bất thường.

“Khi sinh ra, cả Mai Anh và Trúc Anh mỗi đứa vỏn vẹn chỉ được 1,6 kg. Sau khi được nuôi trong lồng kính sau khoảng 1 tuần, tôi được bác sĩ cho phép vắt sữa mẹ để mang vào cho con. Lúc

đấy các con cũng phát triển bình thường, 24 ngày sau các con được ra viện. Một thời gian sau các con phải ăn sữa ngoài vì mẹ cạn sữa. Đến lúc 13 tháng, Trúc Anh biết đi còn Mai Anh thì không, con chỉ bò thôi, mọi dấu hiệu khác đều không có biểu hiện gì. Khi đưa con đi khám, bác sĩ chẩn đoán bị bại não thể co cứng.

Nghe tin, tôi sốc và đau đớn vô cùng. Thời điểm đó, kiến thức về bại não của chúng tôi rất ít ỏi, thông tin hạn chế. Sau đó, là khoảng thời gian tôi cùng con bắt đầu hành trình chữa trị, phục hồi chức năng. Căn bệnh của con, bác sĩ nói rằng, nếu tiến hành phẫu thuật chỉ trị được phần ngọn, và sẽ chẳng giải quyết được hoàn toàn”, cô Hảo nghẹn ngào chia sẻ.

Những đồng lương ít ỏi của hai vợ chồng làm nghề giáo không đủ tiền mua sữa cho con, lại cộng thêm khoản điều trị phục hồi chức năng cho Mai Anh khiến kinh tế gia đình càng thêm khó khăn.

“Thời điểm đó, lương giáo viên rất thấp. Tôi vẫn nhớ như in khoảnh khắc trong túi không còn bất kỳ một đồng nào để mua sữa cho con. Đang lúc bế tắc nhất, tuyệt vọng nhất, một cô y tế của trường mang đến đưa tôi 252 nghìn đồng tiền bảo hiểm sinh con. Tôi mừng như vớ được vàng, việc làm ngay lúc đó là đi mua cho các con 5 hộp sữa bột”, chị Hảo nhớ lại.

Kể về hành trình chữa trị cho con, cô Hảo cho biết đây là quãng thời gian dài, mà chỉ có trái tim của người mẹ mới có thể làm được. “Phục hồi chức năng không phải ngày một ngày hai, đi mãi đi mãi chẳng thấy tiến triển gì, con đường phía trước thì mịt mờ. Có những lúc, tôi cảm thấy tuyệt vọng, lo lắng về tương lai của con nhưng chưa bao giờ cô nghĩ mình sẽ dừng lại”.

Gạt đi những dòng nước mắt cứ lăn dài trên má, cô Hảo khóc nghẹn, phải mất một lúc mới cố gắng để tiếp tục chia sẻ: “Ròng rã suốt bao năm, vợ chồng tôi ghi dấu bước đi đầu tiên của Mai Anh khi con 4 tuổi. Dù bước đi còn run rẩy, khó khăn nhưng tôi thấy lòng nhẹ nhõm, những lo lắng tan dần đi. Bây giờ, Mai Anh chỉ đi được trên sàn phẳng, những đường gồ ghề thì rất khó khăn, khi viết, hay làm gì tay con cũng bị run. Còn di chứng đẻ non nên mắt con cũng kém, bị lác.

Tôi thương con vô cùng, tôi cũng chỉ mong cuộc đời công bằng, dù con có chậm về vận động nhưng con có thể nhanh nhẹn, thông minh về mặt nhận thức và khoẻ mạnh về ý chí, nghị lực. Tôi biết rằng, con áp lực nhiều, con gồng mình cố gắng nên tôi thấy thương con nhiều hơn”.

Tạm biệt Mai Anh và cô Hảo để về Hà Nội, chúng tôi chợt nghĩ, nếu như xã hội chấp nhận sự khác biệt như một lẽ tất nhiên, thì những đứa trẻ như Mai Anh sẽ mạnh mẽ, và tự tin hơn nhiều. Sống với nhau bằng tấm lòng nhân ái và sự thấu cảm, thì tất cả được sống cuộc sống nhẹ nhàng và đúng nghĩa của nó.

Mai Anh là cô gái mạnh mẽ, em đã đối diện, vượt qua những thử thách khó khăn thật kiên trì. Và thực sự, cô gái bé nhỏ Nguyễn Mai Anh đã trở thành người truyền cảm hứng cho những bậc làm cha, làm mẹ, những người bị bại não lấy đó làm động lực sống. Em là một minh chứng

cho việc dù khiếm khuyết nhưng bằng niềm tin và lòng kiên trì, những đứa trẻ bị bại não cũng có thể thực hiện, viết tiếp những ước mơ của mình...

Nguồn: [Link nguồn]

Cô gái nông thôn từ chối Đại học Bắc Kinh để vay 1 triệu tệ đến Harvard học

Dũng cảm theo đuổi giấc mơ của mình dù phải gánh trên vai số nợ rất lớn, cô gái bé nhỏ ở một vùng quê Trung Quốc...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thu Huyền - Phạm Tùng ([Tên nguồn])
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN