Kỳ thi THPT quốc gia 2015: Thí sinh lo phải “mò mẫm ôn thi”

Không có cấu trúc đề thi hay hướng dẫn ôn tập như mọi năm là điểm khác biệt lớn trong mùa tuyển sinh năm nay. Điều này khiến không ít giáo viên và học sinh gặp khó khăn trong việc định hướng ôn tập .

Chưa rõ tỷ lệ phân hóa đề thi

Quy chế thi đã được ban hành gần một tuần nhưng phần lớn lãnh đạo và giáo viên các trường THPT vẫn chưa biết lên kế hoạch ôn tập cho học sinh như thế nào vì không nắm được cấu trúc đề thi.

Kỳ thi THPT quốc gia 2015: Thí sinh lo phải  “mò mẫm ôn thi” - 1

Học sinh THPT vừa ôn tập vừa lo lắng vì không biết cấu trúc đề thi của kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 (ảnh minh họa).   Quốc Hải

Bà Nguyễn Thị Thu Cúc - Hiệu trưởng Trường THPT Gia Định (TP.Hồ Chí Minh) lo lắng: “Nếu các năm trước thực hiện 2 kỳ riêng biệt, trong đó học sinh dự kỳ thi tốt nghiệp chỉ yêu cầu nắm vững kiến thức chương trình lớp 12, còn ở kỳ thi ĐH, tại một số môn yêu cầu học sinh phải nắm vững cả chương trình lớp 10 và lớp 11. Vậy với kỳ thi THPT quốc gia năm nay, đề thi sẽ được phân hóa như thế nào? Với một đề thi "2 trong 1" đòi hỏi có sự phân hóa từ cơ bản đến nâng cao, như vậy cấu trúc đề thi năm nay có bao nhiêu phần trăm nằm ở phần cơ bản, bao nhiêu phần trăm nằm ở phần nâng cao?".

Cũng theo bà Cúc các năm trước, giáo viên có thể chủ động được, còn năm nay với mức độ phân hóa cao của đề thi, học sinh trung bình, yếu khó thẩm định được câu nào dành cho mình và những câu nào ở mức độ nâng cao, từ đó sẽ dẫn đến chất lượng bài thi kém.

Trong khi đó, ông Nguyễn Hoàng Việt - Hiệu trưởng Trường THPT Minh Đức (TP. Hồ Chí Minh) thì cho rằng: Cần có hướng dẫn cụ thể về phân hóa trong đề thi (bao nhiêu câu ở mức nhận biết, vận dụng, vận dụng cao…) để giáo viên và học sinh có sự chuẩn bị tốt nhất trước một kỳ thi quyết định như thế này.

Tương tự, cô Nguyễn Lan Anh – giáo viên Trường THPT Trần Phú (Hà Nội) cũng băn khoăn, quy chế thi nói đề thi có 4 mức độ phân hóa nhưng giáo viên vẫn chưa hình dung ra kiến thức như thế nào thì ở mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao… Bộ cần đưa ra các đề mẫu hoặc khung đề thi tương ứng sẽ được dùng trong kỳ thi THPT quốc gia để học sinh và giáo viên có hướng ôn tập.

“Gỡ rối” cho thầy và trò

Để “gỡ rối” cho giáo viên và học sinh, ngày 3.3, lãnh đạo Sở GDĐT Hà Nội đã có công văn hướng dẫn các công tác chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia, trong đó nêu những yêu cầu cụ thể về việc ôn tập. Lãnh đạo Sở này cho biết, Sở yêu cầu các trường phải thực hiện việc ôn tập bám sát yêu cầu chuẩn kiến thức và kỹ năng. Tổ chức bồi dưỡng, phụ dạo cho học sinh có học lực yếu kém.

Phó Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội - ông Nguyễn Hiệp Thống cho biết: “Sở cũng yêu cầu các trường hướng dẫn học sinh nắm vững các kiến thức, tránh học tủ, học vẹt mà cần học theo hướng hiểu để phân tích, bình luận và dành nhiều thời gian cho việc tự học để đáp ứng yêu cầu đề thi có câu hỏi mở, có tính phân hóa”.

Tương tự, Giám đốc Sở GDĐT TP.Hồ Chí Minh - ông Lê Hồng Sơn cũng cho biết, Sở vừa có văn bản hướng dẫn các trường THPT tổ chức ôn tập cho học sinh khối lớp 12. Cụ thể, Sở yêu cầu các trường sau khi có kết quả học kỳ II phải rà soát để tiếp tục dạy phụ đạo cho học sinh đến hết tháng 6 hoặc tham gia các lớp ôn tập phù hợp.


 Theo giải thích của ông Trần Văn Nghĩa – Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng (Bộ GDĐT), việc không đưa ra cấu trúc đề thi là để khắc phục tình  trạng học tủ, học lệch và luyện thi tràn lan như các năm về trước. “Về lâu về dài, đề thi sẽ theo hướng kiểm tra năng lực của   thí sinh phù hợp với mục tiêu đổi mới phương pháp dạy theo hướng phát huy năng lực, nên quy định cấu trúc đề thi cứng nhắc là không cần thiết” - ông Nghĩa nói.  

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tùng Anh - Quốc Hải ([Tên nguồn])
Kỳ thi tốt nghiệp THPT Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN