Kỳ thi quốc gia 2015: Băn khoăn thang điểm 10 hay 20?

Chưa khẳng định sẽ giữ thang điểm 10 hay 20 trong dự thảo quy chế thi THPT, song Bộ trưởng GD&ĐT Phạm Vũ Luận cho rằng về bản chất là giống nhau.

Chiều 22/1, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận đã chủ trì buổi tọa đàm “Góp ý dự thảo quy chế thi THPT quốc gia năm 2015”.

Nhiều đại biểu đến từ các sở GD&ĐT, trường ĐH, CĐ, THPT đã đề nghị Bộ GD&ĐT nên giữ lại thang điểm 10 thay vì 20 như dự thảo quy chế thi THPT quốc gia mà bộ vừa ban hành tháng 12/2014.

Kỳ thi quốc gia 2015: Băn khoăn thang điểm 10 hay 20? - 1

 Thí sinh sắp bước vào kỳ thi THPT quốc gia.

Ông Nguyễn Thanh Giang, Giám đốc Sở GD&ĐT Bà Rịa - Vũng Tàu cho rằng, nên chọn thang điểm 10 là hợp lý và tạo sự đồng thuận cao từ học sinh, giáo viên. Ông Trần Thanh Liêm, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Đồng Tháp cho rằng, nên chọn thang điểm 10 như truyền thống cho ổn định, tránh tạo cảm giác lo lắng cho học sinh, cả giáo viên chấm thi.

TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐHQG TPHCM nói: “Bản chất thang điểm là giống nhau, tuy nhiên vấn đề lớn nhất mà xã hội cảm nhận được là điểm số tăng lên, cao hơn so với trước khiến học sinh cảm giác lo sợ. Phó hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TPHCM) Trần Đức Huyên cũng đề nghị quy chế chính thức nên giữ lại thang điểm 10. 

“Nếu muốn chi tiết thì chia nhỏ thang điểm từng câu nhỏ hơn, chi tiết hơn”- ông Huyên đề xuất. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận nói: “Thang điểm, về bản chất vấn đề không thay đổi, trên thực tế chúng ta cũng đã sử dụng thang điểm đến 100 cho một số kỳ thi. Quả thực, với thang điểm 20, công việc chấm thi của thầy cô giáo vất vả hơn, ban đầu bỡ ngỡ hơn. Có lẽ, Bộ GD&ĐT sẽ giữ nguyên thang điểm 10”.

Băn khoăn về cụm thi

Dù đã có bàn bạc từ trước, song đại diện các sở GD&ĐT, trường ĐH, CĐ vẫn còn băn khoăn về cụm thi. Bởi, việc công bố cụm thi, việc thí sinh tỉnh nào dự thi ở cụm nào là điều mà đến nay không chỉ nhà trường, học sinh mà cả xã hội quan tâm. 

PGS-TS Đỗ Văn Xê, Phó hiệu trưởng trường ĐH Cần Thơ cho biết: “Nhà trường chủ trì cụm thi với số lượng hơn 70 ngàn thí sinh nhưng đến giờ vẫn chưa xác định được khu vực ĐBSCL có bao nhiêu cụm thi, thí sinh sẽ dự thi ở cụm nào”. Bà Trương Thị Kim Huệ, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Đồng Nai đề xuất Bộ GD&ĐT nên duy trì cụm thi trong tỉnh và cụm thi liên tỉnh song song với nhau. Và theo bà cả hai loại cụm thi này đều do trường đại học chủ trì.  Tuy nhiên, GS Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng trường ĐH Luật TPHCM cho rằng, nếu không xác định rõ thì thí sinh dự thi ở tỉnh hết chứ không vào các cụm thi liên tỉnh với nhiều lý do khác nhau.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, Phạm Vũ Luận khẳng định: “Về cụm thi tỉnh và liên tỉnh đã chọn phương án tổ chức thi như đã nêu trong quyết định 3538. Mỗi cụm thi liên tỉnh phải bao gồm ít nhất 2 tỉnh. Để có độ tin cậy thì cần phải duy trì những cái tốt của kì thi đại học trước đó nên buộc phải làm những việc cụ thể là chia ra 2 loại cụm thi”.

Thí sinh tự do đăng kí thi ở tỉnh nào cũng được

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận cho rằng, để thuận lợi cho thí sinh tự do, việc đăng kí thi ở tỉnh nào cũng được. Về xét tuyển ĐH, CĐ đợt 1 thì tất cả các trường cùng xét. Còn những trường nào xét không đủ thì xét tiếp đợt 2 và các đợt tiếp theo. Thời gian công bố chính thức quy chế kì thi THPT quốc gia là khoảng 10 ngày đầu tháng 2/2015.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Văn Minh (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN