“Khoán chui” ở Bộ Giáo dục thời 4.0

Sự kiện: Giáo dục

Trong bối cảnh ngân sách của giáo dục dành cho thư viện rất hạn chế thì việc không chủ động thu hút nguồn lực xã hội để phát triển thư viện chính là sự yếu kém của Bộ GD&ĐT.

Bộ Giáo dục bỏ quên văn hóa đọc?

 Ngày 15/03/2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký Quyết định số 329/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Quyết định nêu rõ mục tiêu đến năm 2020 phấn đấu 80% học sinh, sinh viên và người học khác tại các cơ sở giáo dục được tiếp cận, sử dụng thông tin, tri thức tại các thư viện công cộng, thư viện của các cơ sở giáo dục, văn hóa, khoa học.

Thủ tướng giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ VHTT&DL và các cơ quan liên quan trong việc nghiên cứu, triển khai phù hợp với chương trình của từng bậc học, cấp học; Chỉ đạo rà soát, kiện toàn hệ thống thư viện trường học; xây dựng và phát triển nguồn học liệu mở; nâng cao chất lượng hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng.

Trước đó, Ban Chấp hành Trung ương ra Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế. Nghị quyết đề ra nhiệm vụ đa dạng hóa nội dung, tài liệu học tập, đáp ứng yêu cầu của các bậc học, các chương trình giáo dục, đào tạo và nhu cầu học tập suốt đời của mọi người….Chuyển từ học chủ yếu trên lớp sang tổ chức hình thức học tập đa dạng,…

Ngày 31/12/2015, không lâu trước khi rời ghế Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận ủy quyền cho Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển ký Công văn số 6841/BGDĐT-GDTX gửi các Sở Giáo dục và Đào tạo trên cả nước, yêu cầu đổi mới thư viện và phát triển văn hóa đọc trong nhà trường từ bậc học mầm non đến các trường phổ thông.

Tại Công văn 6841, Bộ GD&ĐT đề nghị các Sở thực hiện: “Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh, và toàn xã hội về tác dụng, ý nghĩa của việc đọc; nêu gương những điển hình tiên tiến của các tập thể, cá nhân thành đạt nhờ đọc nhiều.”

“Khoán chui” ở Bộ Giáo dục thời 4.0 - 1

Học sinh tiểu học Trường Tiểu học Phạm Hồng Thái, Chư Sê, Gia Lai vui mừng đọc sách từ Chương trình Sách hóa Nông thôn Việt Nam. Ảnh: Hà Vũ.

Những Nghị quyết, Quyết định và Công văn nói trên lẽ ra đã là cơ sở đầy đủ để Bộ GD&ĐT triển khai văn hóa đọc trên toàn hệ thống các trường phổ thông. Thế nhưng, cho đến nay vẫn chưa hề có bất kỳ động thái nào cho thấy Bộ này có ý định thực hiện.

Lỗ hổng "chết người" trong ngành giáo dục đó là khoa học giáo dục đang thiếu sự nghiên cứu về giáo dục trường làng, hay nói đúng hơn là nghiên cứu "ẩu" nên không tìm ra được nạn "đói sách" (ngoài SGK). 

Về bản chất của giáo dục phổ thông, việc dạy đọc là quan trọng nhất, nhưng nếu thiếu sách đọc thêm ngoài sách giáo khoa mà không bị phát hiện thì việc nghiên cứu về giáo dục đã bị khiếm khuyết. Nói một cách nghiêm túc, những nghiên cứu đó vô giá trị vì không lòi ra được văn hóa đọc.

Cho đến nay, việc văn hóa đọc mới chỉ được thực hiện theo hướng xã hội hóa một cách không chính thức tại số ít tỉnh, thành phố như: Nam Định, Nghệ An, Thái Bình, Hưng Yên, Phú Yên, Gia Lai, Hải Phòng,...

Nói là “không chính thức” bởi các hoạt động này mang tính tự phát, do các nhóm, cá nhân tự nguyện đứng ra vận động đưa sách về trường làng, dưới sự hỗ trợ từ cấp cơ sở.

Lãng phí nguồn lực xã hội

Chương trình “Sách hóa Nông thôn Việt Nam” cho đến nay vẫn được xem là nhóm hoạt động bền bỉ nhất và cũng bài bản nhất. Thế nhưng, việc thực hiện cũng chỉ có thể tại số ít địa phương có lãnh đạo ngành giáo dục tâm huyết với văn hóa đọc. Do chưa bị áp lực cũng như cơ chế giám sát từ Bộ GD&ĐT nên không ít các Sở, Phòng GD&ĐT đã không mặn mà với việc đưa sách đến từng lớp học, cho dù ngân sách bỏ ra là 0 đồng.

Ông Nguyễn Quang Thạch, người khởi xướng Chương trình Sách hóa Nông thôn nói: “Công văn 6841 là nỗ lực của cựu Bộ trưởng Phạm Vũ Luận trong việc chữa lỗi yếu kém của hệ thống thư viện trường học. Thế nhưng, tôi đến nhiều địa phương, hỏi chuyện giáo viên, Hiệu trưởng và cả Trưởng Phòng giáo dục, nhưng không một ai biết đến Công văn này. Theo tôi, nếu sau khi kế nhiệm, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ quan tâm đến vấn đề đọc sách của học sinh thì ông đã cho đội ngũ chuyên môn đến các Sở phổ biến Công văn và các phương pháp tạo hệ thống thư viện đến tất cả các lớp học, như chúng tôi đã ứng dụng thành công mà không mất một đồng ngân sách nào”.

Là người trực tiếp đứng ra vận động và đưa hàng nghìn tủ sách đến nhiều địa phương trên cả nước, bà Vũ Thị Thu Hà (một thành viên tích cực của Sách hóa Nông thôn) cho hay, bà đã nhiều lần phát khóc với lãnh đạo ngành giáo dục địa phương. Bản thân bà Hà là một trong những người trực tiếp gặp Bộ trưởng Phạm Vũ Luận năm 2015 để vận động hành lang cho việc ban hành Công văn 6841. Thế nhưng đến nay bà Hà vẫn phải đi "đường vòng" để các trường học có thể dễ dàng tiếp nhận sách.

“Tôi biết là đã có chủ trương từ cấp trung ương về phát triển văn hóa đọc ở các cơ sở giáo dục, nhưng các sở này không hề quan tâm.”, bà Vũ Thị Thu Hà nói. “Hai năm nay tôi phải "nhờ" qua Vụ Thư viện - Bộ VHTT&DL để liên hệ về các Sở VHTT&DL các tỉnh kết nối với các Sở GD&ĐT để tặng Tủ sách lớp học. Nhưng nếu Bộ GD&ĐT có những chỉ đạo cụ thể, ráo riết thì sẽ không còn tình trạng sách tặng có rất ít nơi làm tốt, có nhiều nơi sách bị “cầm tù” khi nhà trường chỉ trưng bày sách trong thư viện”.

Theo bà Hà, không phải trường nào nhận tủ sách lớp học cũng làm tốt vì họ không chịu bất kỳ áp lực nào từ Bộ, Sở hay Phòng GD&ĐT. Vì thế, nơi triển khai hiệu quả văn hóa đọc cũng là nhờ ở nhận thức của Hiệu trưởng.

“Khoán chui” ở Bộ Giáo dục thời 4.0 - 2

Học sinh Trường Tiểu học Chiến Phố, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang đọc sách được trao tặng từ nhóm Tủ sách Cầu vồng. 

Trong khi đó, Kỹ sư xây dựng Đỗ Tiến Thành (KĐT Việt Hưng, Hà Nội) - một cá nhân đã nỗ lực vận động đưa hàng trăm tủ sách về các lớp học tại tỉnh Hưng Yên trong 3 năm qua – cho biết, thực tế bản thân các giáo viên nếu biết đến Công văn 6841 cũng tỏ ra hoang mang vì sự chỉ đạo hành chính không kèm theo hướng dẫn và các hoạt động cụ thể.

Khi chưa có hướng dẫn cụ thể nào từ Bộ GD&ĐT, việc đọc sách vẫn còn hết sức xa lạ đối với những người làm công tác trong ngành giáo dục, phần lớn các thầy cô giáo và phụ huynh học sinh.

“Tư duy coi sách giáo khoa là chân lý và chỉ học trong sách giáo khoa là rất phổ biến làm nghèo đi tư duy sáng tạo tự học của các thầy cô giáo và các em học sinh. Nhiều Trưởng phòng Giáo dục còn né tránh nhận sách, nhận chương trình làm tủ sách từ sự ủng hộ của cộng đồng chỉ vì lý do bận, chưa có chỉ đạo từ Bộ Giáo dục…”, ông Đỗ Tiến Thành nêu thực trạng.

Theo ông Thành, việc Bộ GD&ĐT không chịu đồng hành cùng với xã hội chính là một cản trở rất lớn đối với việc tạo hành lang thu hút sự tham gia của xã hội, các phụ huynh học sinh trong việc tham gia làm tủ sách tại lớp học. Trong bối cảnh ngân sách của giáo dục dành cho thư viện rất hạn chế thì việc không chủ động thu hút nguồn lực xã hội để phát triển thư viện chính là sự yếu kém của Bộ GD&ĐT.

Bất ngờ trước top 10 trường đại học tốt nhất thế giới năm 2019

Mới đây trang web Topuniversities đã công bố bảng xếp hạng 10 trường đại học tốt nhất thế giới năm 2019 với khá nhiều...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Tuân ([Tên nguồn])
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN