“Kéo” học sinh tới trường sau tết
Những năm học trước, sau kỳ nghỉ tết kéo dài, học sinh nhiều địa bàn miền núi thường không mặn mà với chuyện trở lại lớp.
Để hạn chế tình trạng này, từ trước và sau Tết Nguyên đán Giáp Ngọ, các trường học vùng cao đã chuẩn bị nhiều giải pháp để “kéo” học sinh đến lớp sớm.
Gõ cửa từng nhà, đón học sinh
Tại Trường Tiểu học Dền Sáng, huyện Bát Xát (Lào Cai), từ ngày 7/2 các em học sinh đã bắt đầu đi học lại. Thầy Vũ Ngọc Anh - Hiệu trưởng cho biết: “Ngày đầu tiên đi học sau Tết Nguyên đán, tỷ lệ chuyên cần mới đạt 40%. Chúng tôi lập danh sách những em chưa đến trường, cử giáo viên đi tới tận nhà vận động, thuyết phục. Hiện ở 4 điểm trường, các em đến lớp rất đầy đủ, còn ở trường chính có một số em lớp 4, 5 nghỉ học vì trường cách xa nhà, lại thêm tết của đồng bào người Dao vẫn chưa kết thúc. Sau tuần đầu tiên, tỷ lệ chuyên cần đạt 95%”.
Sau Tết Nguyên đán, nhiều trường vùng cao có số học sinh đến lớp gần đủ
Tại Lai Châu, theo bà Lý Mỹ Ly- Trưởng phòng GDĐT huyện Mường Tè, các trường học trên địa bàn bắt đầu dạy và học lại từ ngày 10/2. Sau tuần đầu tiên, tỷ lệ chuyên cần của các em học sinh mầm non, tiểu học đạt 96%. Còn ở các trường trung học cơ sở, tỷ lệ chuyên cần mới đạt 81%. Học sinh vắng học chủ yếu là tại các trường ở những xã khó khăn như Tà Tổng, Tá Bạ, Nậm Khao, Pa Vệ Sủ. Sau tết, người La Hủ tới mùa hái chít, thường các em theo bố mẹ vào rừng. Còn một số nơi đồng bào có phong tục, kiêng kị riêng đầu năm nên các em cũng không tới trường.
“Để chủ động ổn định tình hình học sinh đến trường sau Tết Nguyên đán, ngành đã chỉ đạo các trường học trên địa bàn triển khai tích cực nhiều giải pháp, phát huy tối đa sự phối hợp với chính quyền địa phương, đặc biệt là phối hợp với trưởng bản, người có uy tín để vận động con em đến trường đầy đủ. Năm nay, các thầy cô giáo ở các trường về quê ăn tết đều lên sớm để tới tận các thôn, bản vận động học sinh ra lớp. So với những năm trước, tỷ lệ học sinh đi học sau tết đã có nhiều tiến bộ hơn”- bà Ly cho hay.
Sáng kiến kéo học sinh tới lớp
Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Hồ Bốn, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) có 422 học sinh, học tập tại 1 điểm trường chính và 4 điểm trường lẻ. Ngay từ ngày học đầu tiên sau tết, tỷ lệ chuyên cần tại các điểm trường đã đạt trên 95%, trong đó có lớp đã đủ học sinh. |
Trường Tiểu học Chung Chải, huyện Mường Nhé (Điện Biên) có số học sinh đông nhất huyện với trên 800 em và có 15 điểm trường ở bản xa trung tâm, nhưng sau tuần học đầu tiên sĩ số đảm bảo được 98%. Kết quả này có được nhờ những sáng kiến và biện pháp quyết liệt của các thầy cô giáo. Thầy Phạm Văn Khiêm - Hiệu trưởng cho biết: “Trước khi nghỉ tết, trường đã tổ chức họp phụ huynh và yêu cầu mỗi phụ huynh làm bản cam kết đưa con xuống học đúng thời gian quy định.
Đồng thời, nhà trường chỉ đạo các lớp chuẩn bị tập luyện các trò chơi mà các em thường tham dự vào dịp tết, để sau tết sẽ tổ chức cho học sinh vui chơi nhằm thu hút các em trở lại trường; dành những phần quà từ thiện ủng hộ học sinh để phát sau tết, nhằm tạo hứng thú cho các em, và chuẩn bị cho các em có được bữa ăn sau ngày nghỉ tết tươm tất hơn ngày thường. Vì vậy mà 2 năm gần đây, giáo viên không phải vất vả, lặn lội đi vận động các em học sinh, mà ngay sau tết, phụ huynh đều tự giác đưa con em đến trường đúng thời gian quy định, còn học sinh thì có ý thức học tập chăm chỉ”.
Còn ở Yên Bái, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Ngọ, học sinh đã bắt đầu ngày học đầu tiên vào 10/2. Theo báo cáo, tỷ lệ chuyên cần tại các trường khu vực thành phố, thị xã, thị trấn hầu hết đạt 100%; còn tại các xã vùng cao của các huyện Văn Chấn, Văn Yên, Trạm Tấu, Mù Cang Chải… tỷ lệ chuyên cần cũng đạt trên 90%. Số học sinh nghỉ học chủ yếu do ốm đau, có việc đột xuất… Bà Lê Thị Huệ - Phó phòng GDĐT huyện Trạm Tấu cho biết: Đúng hôm đi học thì trời rét mướt nên một số cháu bị ốm không đi học được, một số cháu nhà xa bây giờ cha mẹ đang đưa về trường. Các thầy, cô giáo đi làm từ mùng 7 nên đã được huy động tu sửa cơ sở vật chất và đi vận động học sinh ra lớp. Chính quyền địa phương cũng đã vào cuộc nên tỷ lệ học sinh tới lớp đạt cao.