Học phí tăng theo điện, xăng
Năm nay, tại TPHCM có khoảng 76.500 học sinh (HS) tốt nghiệp THCS nhưng suất học lớp 10 ở các trường công lập chỉ có 59.547 HS. Như vậy, sẽ có hơn 16.000 HS không có cơ hội vào học lớp 10 công lập mà phải học tại các trường ngoài công lập hoặc trung tâm giáo dục thường xuyên, các trường trung cấp chuyên nghiệp. Tuy nhiên, không phải HS nào cũng có cơ hội học tại trường ngoài công lập bởi vấn đề học phí. Năm học 2012-2013, hầu hết các trường ngoài công lập đều tăng học phí cho năm học mới.
Tăng học phí bù trượt giá
Nếu như năm học 2011-2012, Trường THPT Phan Bội Châu thu học phí ở mức 950.000 đồng/tháng thì tuyển sinh năm học mới 2012-2013 học phí của trường lên đến 2.350.000 đồng/tháng; Trường THPT Á Châu tăng từ 6.411.000 lên 7.373.000 đồng/tháng; Trường THPT Đăng Khoa tăng học phí từ 1.200.000 lên 1.660.000 đồng/tháng, Trường Thanh Bình tăng từ 1.320.000 lên 1.600.000 đồng. Trường THCS-THPT tư thục Nguyễn Khuyến thông báo học phí áp dụng trong năm học 2012-2013 là 1.500.000 đồng (năm ngoái 860.000 đồng/tháng), Trường THPT Âu Lạc tăng từ 2.100.000 lên 3.800.000 đồng/tháng. Trường THPT Thái Bình Dương tăng từ 4.800.000 lên 5.400.000 đồng/tháng. THCS-THPT Đức Trí tăng từ 2.400.000 lên 2.640.000 đồng/tháng…
Lý giải việc tăng học phí học này, TS Lê Trọng Tín, Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Nguyễn Khuyến cho biết, việc tăng học phí cũng do tình hình vật giá leo thang, trường có tổ chức chỗ ở nội trú nên những chi phí phục vụ bán trú như điện, gas, giá thức ăn tăng nên phải tăng học phí để đảm bảo hoạt động. Bên cạnh đó trường cũng phải tăng lương cho giáo viên để giáo viên yên tâm làm việc, đồng thời để tái đầu tư cơ sở vật chất. Tuy nhiên, nhà trường cũng có những chế độ, chính sách miễn giảm cho HS khó khăn, con thương binh, liệt sĩ… có quỹ khuyến học dành cho học sinh hoàn cảnh khó khăn học giỏi để các em có điều kiện theo học.
Một số trường ngoài công lập có yếu tố nước ngoài mức học phí năm nay tuy không tăng nhưng ở các trường này mức học phí nhiều năm nay luôn ở mức cao: Thông báo mới nhất về mức học phí năm học 2012-2013 của Trường THPT Quốc tế APU là 18.433.000 đồng/tháng.
Trường Song ngữ Quốc tế Horizon thu 550 USD/tháng, Trường THCS và THPT Sao Việt có mức học phí 10.000.000 đồng/tháng. Trường THCS và THPT Nam Mỹ có mức học phí 9.900.000 đồng/tháng… Ở một số trường đây chỉ là mức học phí dành riêng cho HS học bán trú, chưa kể HS còn phải đóng sinh hoạt phí (tiền ăn, đưa đón), sinh hoạt ngoại khóa, giáo trình, đồng phục…
Bà Tô Thu Thủy, Chủ tịch Hội đồng Quản Trị kiêm Hiệu trưởng Trường Nam Mỹ, cho biết: Do trường giảng dạy theo chương trình và bằng cấp của Mỹ nên chi phí trả lương cho giáo viên nước ngoài và các hoạt động của HS tương đối cao nên trường phải thu học phí cao. Năm nay trường cố gắng không tăng học phí vì hoạt động của trường đã đi vào ổn định và một phần để chia sẻ với phụ huynh trong tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay.
Học sinh Trường THPT Thái Bình, quận Tân Bình trong giờ học môn Toán
Tăng học phí có tăng chất lượng?
Tăng học phí đối với các trường đồng nghĩa với tăng chất lượng đào tạo, đảm bảo hoạt động, điều này chỉ đúng với một số trường có cơ sở vật chất đảm bảo điều kiện dạy và học, quan tâm đầu tư trang thiết bị giảng dạy, sân chơi để nâng cao chất lượng giảng dạy như Trường THCS-THPT Nguyễn Khuyến, các trường: Trương Vĩnh Ký, Ngô Thời Nhiệm, Đinh Thiện Lý… Tuy nhiên, vẫn còn nhiều trường chưa thực sự quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trường học có diện tích nhỏ (dưới 6m2/HS) như các trường THPT Đăng Khoa, Thăng Long, Đông Du, Thành Nhân, Việt Âu, THCS-THPT Đức Trí…
Một số trường chưa có sân chơi và thư viện như cơ sở 2 và cơ sở 3 của Trường An Đông, Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm cơ sở 1 cũng không có sân chơi, thư viện. Trường Lý Thái Tổ cơ sở 1 không có phòng thực hành thí nghiệm và thư viện.
Bên cạnh đó, vẫn còn có 39/85 trường không đảm bảo được tỷ lệ giáo viên cơ hữu so với tổng số giáo viên theo quy định, có trường chỉ có 10%-15% giáo viên cơ hữu trong khi đó quy định phải có ít nhất 40% giáo viên cơ hữu.
Theo Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Hoài Chương, hiện nay toàn thành phố có 85 trường ngoài công lập và 35 trường có yếu tố nước ngoài. Hệ thống các trường này thời gian qua đã có những đóng góp không nhỏ trong việc đào tạo nguồn nhân lực cho thành phố. Không ít trường đã khẳng định được thương hiệu bằng chất lượng đào tạo, được phụ huynh các tỉnh thành tin tưởng gửi con vào học. Sở chủ yếu quản lý về mặt chuyên môn và các hoạt động khác chứ không quy định về mức học phí và khoản thu khác đối với các trường. Do đó, các trường thu học phí theo thỏa thuận với phụ huynh, chính vì vậy phụ huynh nên cân nhắc và tìm hiểu kỹ về chất lượng đào tạo, môi trường học tập, cơ sở vật chất để chọn trường cho con. Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi của người học ngành giáo dục TPHCM đang tiến hành đợt tổng kiểm tra các trường ngoài công lập, trường nào không làm đúng cam kết như ban đầu, hoạt động không hiệu quả sẽ cho ngưng tuyển sinh.
Phụ huynh cũng nên lưu ý đối với những trường có yếu tố nước ngoài bởi hiện nay nhiều trường không thuộc phạm vi quản lý của sở vì các trường được thành lập do nhiều cấp quản lý và cấp phép khác nhau. Do đó, phụ huynh phải biết tìm hiểu thông tin về chương trình đào tạo, bằng cấp như thế nào, học phí có xứng với chất lượng hay không? Tránh tình trạng ngộ nhận vì không ít trường quảng cáo quá sự thật, không phải là trường quốc tế nhưng vẫn quảng cáo là trường quốc tế.
Tra TỈ LỆ CHỌI của Đại Học – Cao Đẳng 2012. Nhanh Nhất – Chính Xác Nhất! Soạn tin: CHOI MãTrường Năm gửi đến 8502 |