Hệ trung cấp, cao đẳng: Nhiều trường "chết lâm sàng"

Tuyển không ra người học, thu không đủ chi… là thực trạng chung của nhiều trường trung cấp, cao đẳng (TC, CĐ) hiện nay. Nhiều trường cố xoay xở để sống qua ngày bên cạnh một số trường tính đến việc giải thể, bán hoặc sáp nhập….

Thiếu đến 95% chỉ tiêu

Trường TC Công Nghệ Thông Tin Sài Gòn năm nay thông báo tuyển sinh 4 ngành với 500 chỉ tiêu nhưng cố hết sức cũng vét được 5% thí sinh đến nhập học.

Ông Đỗ Hữu Khoa, hiệu trưởng trường này nói năm trước đã khó năm nay còn khó khăn hơn. “Dù nhà trường cam kết 100% sẽ có việc sau khi các em học ở đây ra trường cộng với nhiều chính sách hỗ trợ về học phí, điều kiện học tập nhưng bói không ra thí sinh đăng ký”, ông Khoa nói.

Hệ trung cấp, cao đẳng: Nhiều trường "chết lâm sàng" - 1

Vào đại học "quá dễ" khiến nhiều trường trung cấp, cao đẳng cạn nguồn tuyển. Ảnh: Nguyễn Dũng.

Trường TC Đông Nam Á đến thời điểm hiện tại cũng chỉ mới tuyển được 200 thí sinh trong tổng số hơn 600 chỉ tiêu. Ông Phạm Dũng Danh, hiệu trưởng trường này cho biết, sau 8 năm thành lập, đây là năm tuyển sinh kém nhất dù theo ông Danh “nhà trường đã dùng nhiều cách như đưa người về tận trường THPT ở các tỉnh để tư vấn, phát tờ rơi, xây dựng nhiều chính sách ưu đãi về học phí…”.

Tương tự, tại trường TC Âu Việt đến nay cũng chỉ mới tuyển được 30% trong tổng số 1.000 chỉ tiêu (giảm gần 30 - 40% so với năm trước); các trường khác như TC Mai Linh, TC Việt Khoa… cũng rơi vào tình cảnh tương tự khi còn thiếu đến 60 - 70% chỉ tiêu.

Ở hệ CĐ cũng khó khăn không kém khi nhiều trường đến thời điểm hiện tại vẫn thiếu hàng trăm chỉ tiêu. Cụ thể, trường CĐ Đại Việt Sài Gòn còn thiếu đến hơn 50% chỉ tiêu (ở cả hệ CĐ lẫn TC), trường CĐ Bách Việt thiếu khoảng 50%, trường CĐ Vinatex thiếu khoảng 30%...

Phía trước là... giải thể

Nói về việc tuyển sinh khó khăn, ông Phạm Dũng Danh, Hiệu trưởng trường TC Đông Nam Á cho rằng: “Không phải chỉ năm nay mới khó tuyển sinh mà đã khó nhiều năm rồi, chỉ có điều là năm nay khó đến mức không tưởng nên các trường trở tay không kịp”.

“Việc vào ĐH quá dễ bởi các trường hiện nay có quá nhiều phương án tuyển sinh, không vào được phương án này thì vào bằng phương án khác khiến các trường CĐ, TC hết nguồn tuyển” - ông Lý Chung Vinh, Trưởng phòng tuyển sinh, trường CĐ Đại Việt Sài Gòn

Trong khi đó, để có tiền tái đầu tư, tránh lãng phí một số phòng ốc không có người học, ông Đỗ Hữu Khoa, hiệu trưởng trường TC Công nghệ thông tin Sài Gòn phải cho thuê hoặc chuyển sang đầu tư các lớp học ngắn hạn.

“Đây là biện pháp “lấy ngắn nuôi dài” bởi tuyển sinh không có thì không lấy đâu ra tiền để duy trì đội ngũ cán bộ, giảng viên, tiền đầu tư cơ sở vật chất…”, ông Khoa nói.

Giãi bày về sự khốn khó của trường mình, ông Khoa nói do chỉ tiêu phân bổ vào hệ ĐH, CĐ quá nhiều nên trường TC hết nguồn tuyển. “Vấn đề ở chỗ, Bộ GD&ĐT phải phân bố chỉ tiêu hệ ĐH là bao nhiêu, hệ CĐ bao nhiêu, hệ TC bao nhiêu rồi các trường mới đưa ra chỉ tiêu tuyển, chứ không thể để các trường tự đưa ra quyết định chỉ tiêu của mình được. Như thế sẽ rất thiệt thòi cho hệ TC, CĐ”, ông Khoa đề xuất.

Hệ trung cấp, cao đẳng: Nhiều trường "chết lâm sàng" - 2

Còn theo ông Phạm Dũng Danh, nguyên do của việc khó tuyển là năm nay, các trường ĐH, CĐ cũng tuyển sinh thêm học bạ nên trường TC không cạnh tranh nổi. Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT gần như chỉ quan tâm đến hệ ĐH, CĐ mà bỏ quên hệ TC chuyên nghiệp dẫn đến cả xã hội đều tập trung vào các hệ ĐH, CĐ. “Để vượt qua giai đoạn khó khăn này, chúng tôi phải thường xuyên họp giáo viên, cán bộ để thông báo tình hình khó khăn, động viên tinh thần anh em chứ không họ nản lắm, bỏ đi lúc nào không hay”, ông Danh nói.

Theo ông Lý Chung Vinh, Trưởng phòng tuyển sinh, trường CĐ Đại Việt Sài Gòn, hiện xã hội quá coi trọng bằng cấp, yêu chuộng ĐH mà không mấy quan tâm đến CĐ, TC. “Việc vào ĐH quá dễ bởi các trường hiện nay có quá nhiều phương án tuyển sinh, không vào được phương án này thì vào bằng phương án khác khiến các trường CĐ, TC hết nguồn tuyển”, ông Vinh cho biết và nói thêm nếu không có chính sách thiết thực nhiều trường sẽ giải thể.

Trong khi đó, ông Vũ Gia Hiền, hiệu trưởng trường TC Âu Việt cho rằng, nguyên do của việc các trường TC, CĐ khó tuyển năm ở chỗ thí sinh ngày càng ít đi trong khi số trường tăng lên, đặc biệt là các trường ở hệ ĐH, CĐ.

“Tình trạng này kéo dài sẽ dẫn đến nhiều trường phải giải thể do không đủ kinh phí để duy trì hoặc sáp nhập để tồn tại… Tuy nhiên, dù hình thức nào thì vẫn để lại một hậu quả lớn cho xã hội bởi chất lượng nguồn sinh viên ra trường, bằng cấp sau này sẽ như thế nào, ai sẽ chứng thực cho sinh viên đó khi trường đã không còn tồn tại…”, ông Vũ Gia Hiền nói.

Cuối năm 2014, ông Trần Nguyễn Hoàng Phương, Hiệu trường Trường trung cấp nghề tư thục Hoàn Cầu đã nộp đơn lên Sở LĐ-TBXH TPHCM để xin thôi không làm hiệu trưởng, đồng thời xin giải thể trường vì hai năm nay, trường không tuyển được học sinh mới nào kể từ khi 10 học sinh khóa cuối của trường đã tốt nghiệp vào cuối năm 2014.

Lẽ ra việc giải thể trường phải do hội đồng quản trị trường quyết định, nhưng từ lâu Ban Giám hiệu không thể liên lạc được với hội đồng quản trị. Tương tự, một số trường TC khác hiện cũng đang rao bán hoặc kêu gọi đầu tư trước tình hình tuyển sinh khó khăn…

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Dũng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN