Hàng loạt “lệnh cấm” ở bậc tiểu học: Cấm cứ cấm…
Không chấm điểm, không giao bài tập về nhà, không thi học sinh giỏi... đó là hàng loạt “lệnh cấm” vừa được Bộ GD-ĐT đưa ra nhằm giảm tải cho học sinh tiểu học. Với cách làm này, nhiều người hy vọng sẽ dẹp được nạn dạy thêm, nhưng thực tế không phải vậy.
Khi học thêm không phải vì điểm số
Lực học của con khá tốt nhưng mỗi tuần chị Nguyễn Thị Phương có con học tại Trường Tiểu học Kim Liên (Hà Nội) vẫn cho con đi học 3 buổi từ 17-19 giờ tại lớp dạy thêm của cô giáo chủ nhiệm. Chị cho biết: “Tuần tôi có 3 buổi phải làm tăng ca, không có người đón và trông con nên phải cho con học thêm, một phần để nhờ cô... trông hộ. Mỗi buổi học về, con có nói cô chỉ cho phiếu bài tập các con tự ngồi làm, cuối buổi cô chữa bài. Vẫn biết việc học thêm cũng không có ích nhiều cho con nhưng bù lại con được quản lý tốt, mình có thời gian làm việc”.
Chị Phương cũng cho biết, phần nhiều các bậc phụ huynh ở đây coi việc cho con đi học thêm là khoảng thời gian cô... trông trẻ ngoài giờ học.
Lệnh cấm dạy thêm liệu có tác dụng với học sinh tiểu học? (Ảnh minh hoạ: Đàm Duy)
Khác với chị Phương, anh Trần Văn K, có con học lớp 2 Trường Tiểu học Bình Minh (TP.Hải Dương) ban đầu cũng không có ý định cho con đi học thêm, mấy lần “bị” trưởng ban đại điện Hội Cha mẹ học sinh lớp con gọi điện vận động cho con đi học anh đều từ chối. Nhưng thấy cô giáo nhắc khéo con không theo kịp các bạn, vậy là anh K phải cho con đi học thêm lớp của cô dạy vào mỗi cuối tuần. Anh K cho biết: “Tôi chỉ mong con được dạy những kỹ năng tự học, tự tư duy, đi học phải vui vẻ chứ không phải đi học vì cô ép”.
Ở nhiều vùng quê khác, việc học sinh đi học thêm đã được coi là hết sức bình thường. Tới mức nhiều gia đình không hề quan tâm tới “lệnh cấm” của Bộ, mà cho rằng “con mình không học thì... không bằng con người ta”.
Giáo viên còn nghèo, còn dạy thêm
GS Nguyễn Minh Thuyết "Có cấm thì sẽ có... lén lút. Bộ GD-ĐT cần yêu cầu giáo viên muốn dạy thêm phải đăng ký, dạy tại các trung tâm để có thể công khai quản lý, giám sát, dạy ở nhà phải có hợp đồng rõ ràng”. " |
Nhiều chuyên gia giáo dục đồng tình với các “lệnh cấm” có tính chất giải phóng hoàn toàn sức ép học hành cho học sinh tiểu học. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng không phải vì thế mà việc dạy thêm, học thêm sẽ chấm dứt khi nhu cầu không hẳn chỉ xuất phát từ... bệnh thành tích.
Theo GS Nguyễn Minh Thuyết – nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, phần lớn các bậc cha mẹ đều không muốn cho con đi học thêm, tuy nhiên cũng có những trường hợp “cá biệt” không học thêm không được. Bên cạnh đó, mức lương của giáo viên còn thấp cũng là một yếu tố để dạy thêm, học thêm còn có lý do để tồn tại. “Giáo viên cũng là một nghề như các nghề khác, bác sĩ có quyền mở phòng mạch tư, công nhân có quyền tăng ca thì giáo viên cũng được quyền dạy thêm để kiếm thêm thu nhập. Chính vì lương giáo viên thấp mà nhiều nơi học thêm không xuất phát từ nhu cầu học sinh mà là từ nhu cầu giáo viên” - GS Nguyễn Minh Thuyết nói.
Thạc sĩ Lê Thị Lan Anh – Phó Viện trưởng Viện Phát triển giáo dục trí tuệ Việt cũng cho rằng, muốn triệt để dạy thêm học thêm, ngành giáo dục cần lưu tâm nhiều đến mức lương của giáo viên. Khi lương không trang trải đủ cho cuộc sống họ sẽ nghĩ đến việc làm thêm, và công việc hợp lý nhất của giáo viên là... dạy thêm.
Thạc sĩ Lan Anh cũng cho rằng, các “lệnh cấm” là hoàn toàn đúng đắn nếu được thực hiện quyết liệt và hiệu quả. “Nên dừng lại việc học kiến thức trong thời gian ở trường để trẻ có thời gian tham gia các hoạt động ngoại khoá, các kỹ năng sống, tư duy, kỹ năng tự lập, các môn học cần thiết phát triển não... để bù vào những phần còn khuyết thiếu trong giáo dục trường học” - thạc sĩ Lan Anh quả quyết.