Hai lần hiến đất đón chữ về bản

Câu chuyện về cái chữ đang được phổ cập ở vùng cao Tả Phời không thể thiếu cái tên ông Chảo Láo Sử - Bí thư Chi bộ thôn Phìn Hồ. Ông Sử từng là người học cao nhất ở 8 thôn vùng cao Tả Phời, khi tốt nghiệp chương trình lớp 9 năm 41 tuổi. Chưa hết, ông đã hai lần hiến đất của gia đình, tự san ủi để mời các thầy cô giáo về dựng điểm trường, đem cái chữ đến cho bọn trẻ trong bản.

Đi học “cái lý xã hội”

Thầy Phạm Huy Đức – Hiệu trưởng Trường Tiểu học – THCS số 1 Tả Phời, người đã gắn bó 17 năm với các điểm trường vùng cao nơi đây - vẫn ấn tượng về ông già có vóc dáng nhỏ bé ở bản Phìn Hồ ngày ngày cuốc bộ lên xuống núi trong nhiều năm ròng để học chữ. Thầy Đức kể: “Khi đó, đường lên vùng cao của Tả Phời chỉ có nước đi bộ. Ông Chảo Láo Sử đều đặn sáng đi xuống xã học chữ, có khi tối mịt mới rọi đèn pin về nhà. Cứ thế trong nhiều năm liên tục để hoàn thành chương trình lớp 9”.

Khi học xong chương trình lớp 9, ông Sử đã 41 tuổi và trở thành người có học cao nhất ở 8 thôn vùng cao của xã Tả Phời. Ông Sử tự nhận rằng, hồi bé mình không ham học dù có thầy giáo về tận bản dạy học. Chuyện chỉ thay đổi khi ông thấy rằng “cái lý của người Dao” chỉ quanh quẩn ở vùng núi Tả Phời này mà thôi, muốn làm được nhiều thứ, muốn tiến lên phải học được “cái lý của xã hội”.

Năm 1991 ông cắp sách đi học lại, bắt đầu từ lớp 2. Thời ấy, việc ông Chảo Láo Sử bỏ cả làm nương để đi tít mù từ sáng đến tối học chữ ở dưới xã gây xôn xao cả bản. Đầu tiên người ta bảo đi học thì cũng thế, đi học về rồi cũng phải ăn cơm thôi, có khác gì đâu. Có người quở mồm còn rủa ông Sử là “ngu”. Kệ người ta nói, ông Sử quyết tâm lắm để học được nhiều chữ, biết nhiều điều mới về xã hội.

Tốt nghiệp chương trình lớp 9, ông được xã cử đi học Trung cấp chính trị và được đề cử để bầu vào HĐND xã. Có người trong bản lại xì xào: Ôi dào, đi học làm cái gì, nói người ta có nghe đâu! Nhưng không phải, có học rồi ông Sử nhìn ra cần làm những cái gì có lợi cho đồng bào, biết nói thuyết phục đồng bào ra sao để cuộc sống tốt hơn.

Khi rảo bước mỗi ngày vài tiếng đồng hồ xuống xã để học, ông Sử chỉ nghĩ làm sao để có đường ôtô lên bản. Ở vị trí đại biểu HĐND xã, năm nào ông cũng đề nghị với cấp trên cần nâng cấp đường đi cho nhân dân các thôn vùng cao. Ban đầu chỉ cần làm đường mòn rộng chừng 1m, sau đó ông đề xuất tiếp cần mở đường rộng để ôtô cũng lên đến bản. Người dân ở Phìn Hồ còn nhớ rõ, ông già mới học hết lớp 9 dẫn đoàn khảo sát về chỉ rõ ràng cần vạc núi chỗ nào, mở đường ra sao. Rồi cũng chính ông đến vận động từng hộ dân hiến đất để làm đường.

Hai lần hiến đất đón chữ về bản - 1

Chảo Ông Chẳn tình nguyện phụ giúp dạy chữ ở lớp học xoá mù buổi tối. Ảnh: Vinh Hải

Đầu năm 2013, niềm vui từ con đường lại đến với người dân Tả Phời, khi tỉnh Lào Cai quyết định nâng cấp con đường gập ghềnh đá thành đường bêtông. Vậy là ước mơ về một con đường hoàn chỉnh cho người dân thôn bản vùng cao của ông Chảo Láo Sử sắp thành hiện thực.

Đường dưới chân đã mở, ông Sử tính tiếp “con đường học” của nhân dân trong bản. Ông biết giờ không có kiến thức, không hiểu biết thì chẳng làm được cái gì cả. Ông về nói với người trong thôn: “Giờ xã hội dưới núi người ta tiến xa lắm rồi, mình ngồi trên này vẫn còn sợ vỏ trái đất mỏng sắp sập thì không được đâu. Người ta cười cho”.

Nói suông thì khó ai tin, ông là cán bộ, là bí thư thôn thì phải đi đầu. Ông xắn ngay một mảnh đất sát dưới nhà để mời cán bộ Phòng GDĐT TP.Lào Cai về xây điểm trường ở Phìn Hồ, bởi “có lớp gần nhà, các cháu đến học chữ dễ hơn”. Điểm trường Phìn Hồ được thành lập với 3 phòng học kiên cố, một sân chơi láng ximăng cho lũ trẻ. Trẻ con ở độ tuổi lớp 1, lớp 2 ở Phìn Hồ và các thôn lân cận đều được đến lớp hết. Những lớp học này không chỉ được dùng để dạy con trẻ, mà còn là nơi ông bà, bố mẹ chúng tối đến học xoá mù chữ.

Đến năm 2012, lại một lần nữa ông hiến tặng cả nghìn mét vuông đất bìa đỏ đàng hoàng để xây điểm trường mẫu giáo. 3 phòng học kiên cố nữa lại được xây dựng, chuẩn bị đón các cháu mẫu giáo đến sinh hoạt học tập. Giữa tháng 3 vừa qua, thầy Phạm Văn Đức – Hiệu trưởng Trường Tiểu học – THCS Tả Phời 1 - đến gõ cửa nói với ông rằng các cháu chưa có nhà vệ sinh. Ông tặc lưỡi bảo: “Thầy xem muốn xây ở chỗ nào thì lấy”.

Cuối tháng 3 khi chúng tôi lên Tả Phời, công trình vệ sinh cũng đã được xây dựng xong. Thầy Đức bảo: “Chú Sử nhiệt tình với giáo dục trong xã lắm, đề xuất gì giúp được cho trường, cho các cháu là chú làm ngay”. Chúng tôi hỏi ông Sử đã hiến bao nhiêu mét vuông đất, ông cắt ngang: “Hiến đất thì cứ hiến thôi, tính làm gì, không nói nữa”. Còn thầy Đức tiết lộ, tổng diện tích đất ông Sử đã hiến để xây dựng điểm trường phải hơn 5.000m2, trong đó mảnh đất vừa xây lớp học mầm non đã được ông san nền sẵn, định cho thằng con trai chuẩn bị tốt nghiệp CĐSP. Nhưng nhà trường tìm mãi không được địa điểm xây dựng, ông lại gọi thầy Đức đến nhận đất mà xây trường, dựng lớp.

Tôi hỏi ông, hiến đất như thế lấy đâu đất cho con nữa, ông trả lời đơn giản: “Đất núi mà, tính sau”. Rồi ông cắt nghĩa cho tôi cái lợi của việc xây dựng trường lớp đem cái chữ về bản. Đó là trẻ con đều được bố mẹ cho đến lớp vì không ngại đường xa, đó là những người chưa biết chữ cũng rất tiện đến lớp học xoá mù buổi tối. Đồng bào có cái chữ, hiểu biết xã hội tăng lên thì mình vận động sản xuất, vận động đóng góp công sức, thực hiện các chính sách cũng dễ hơn. Rồi đồng bào biết nhiều hơn, có khi cán bộ ở tỉnh xuống chưa nắm rõ địa bàn còn nói để cán bộ hiểu hơn, có chính sách phù hợp với thôn bản.

Ước mơ người con Tả Phời đứng lớp

Giờ thì ông Sử không còn là người Dao đỏ học cao nhất ở 8 thôn vùng cao Tả Phời nữa. Ngay ở thôn Phìn Hồ, ông cũng chẳng phải là người có học vị cao nhất. Người học cao nhất ở Phìn Hồ hiện nay là Chảo Ông Chẳn – con trai ông. Chảo Ông Chẳn tốt nghiệp CĐSP loại giỏi vào tháng 10.2012. Chẳn cũng được coi là một thành quả đầu tư cho “tầm nhìn giáo dục” của ông Sử. Ông Sử bảo, người Dao mình cứ giữ rịt con ở gần nhà, không dám cho đi đâu xa. Có thanh niên trong bản được Nhà nước quan tâm cho đi học nội trú hay được cử đi học y sĩ nhưng gia đình không cho đi, lỡ mất cơ hội của các cháu. Khi ông quyết cho con đi học xa, có người độc mồm bảo: “Ôi, sao cho con đi học xa thế, chết lúc nào không biết đâu”.

Hai lần hiến đất đón chữ về bản - 2

Ông Chảo Láo Sử tại điểm trường Phìn Hồ xây dựng trên mảnh đất đầu tiên ông hiến tặng cho nhà trường

Chẳn tốt nghiệp với tấm bằng đỏ về bản, ông Sử mừng lắm. Lớp học kiên cố có rồi, đường bêtông ôtô đi được sẽ hoàn thành trong nay mai, giờ ông Sử lại quay quắt với một ước mơ khác, đó là Chảo Ông Chẳn được dạy chữ ngay tại Tả Phời. Bởi đấy chính là minh chứng sinh động nhất để đồng bào ở các thôn vùng cao Tả Phời tiếp tục cho con đến trường, rồi đi học cao hơn nữa. Nếu Chẳn phải đi tít mù tắp tận đâu dạy học, ông Sử tin sẽ lại có lời ra tán vào rằng cứ cố mà học rồi lại đi đâu mất, người ta lại bảo học cho lắm vào rồi có giải quyết được gì, lại luẩn quẩn như thế.

Từ ngày về bản, chưa đến đợt thi tuyển giáo viên nên Chẳn đến xin các thầy hiệu trưởng được làm trợ giảng cho các thầy cô giáo để có thêm kinh nghiệm. Thế là tối đến, Chẳn giúp thầy giáo Hường ở lớp xoá mù chữ. Tinh sương buổi sớm lại đến điểm trường chính phụ giúp các thầy cô giáo khác, mà không nhận một đồng tiền công nào.

Chảo Ông Chẳn đứng trên bục giảng phụ giúp các thầy cô giáo, người Dao trong bản thấy lạ lắm. Bởi lần đầu tiên ở Phìn Hồ có người tốt nghiệp cao đẳng, lại là nghề thầy giáo dạy cái chữ. Ở lớp học buổi tối, Chẳn đứng trên bục giảng, ngồi dưới không thiếu các cô, các dì, các chị họ hàng nhà Chẳn. Theo “cái lý của người Dao” thì thằng bé không được dạy thằng lớn. Nhưng thấy Chẳn đi học về biết nhiều, hiểu rộng, mọi người lại thấy hứng thú với việc học hơn, sôi nổi đến lớp hơn. Người trong bản đâm ra lại thích cái viễn cảnh trong tương lai gần “có một thằng thầy giáo người Dao đứng lớp ở Tả Phời”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Vinh Hải (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN