Hai chiến thuật để có điểm cao trong bài thi Vật lý
Kỳ thi THPT quốc gia đang tới gần, học sinh đang tích cực ôn luyện để có được thành tích cao nhất. Pháp Luật TP.HCM giới thiệu hai chiến thuật ôn tập đối với môn Vật lý của thầy Đỗ Ngọc Hà, Giảng viên trung tâm hocmai.vn.
Chiến thuật 1: Phân bổ thời gian làm bài
Theo thầy Đỗ Ngọc Hà, thói quen của rất nhiều học sinh chính là cặm cụi làm lần lượt từ đầu đến cuối đề thi. Việc này sẽ khiến bạn đánh mất quá nhiều thời gian để làm những câu không nên làm và bỏ lại "mỏ vàng", "mỏ kim cương" ở phía sau".
Ảnh minh họa
Sau đây là sáu bước đi khôn ngoan để bạn giành điểm số cao nhất được tái hiện trong 90 phút làm bài môn vật lí.
1. Trong thời gian đợi phát đề, viết công thức khó nhớ ra nháp, nhớ là viết bút chì - viết bút mực dễ bị phát hiện và sẽ bị thu lại nháp nếu gặp giám thị khó tính.
2. Trong thời gian phát đề (14h15' phát đề - 14h30' bắt đầu làm bài): có 15 phút để kiểm tra mã đề, đề đủ số câu, có mất trang hay không và phải úp đề xuống đúng 14h30' mới được làm bài. Hãy tận dụng khoảng thời gian dòm và làm một số câu, tuy nhiên phải thật khéo léo, không để giám thị nhắc nhở.
3. 20 phút đầu tiên (từ14h30' - 14h50'), tiến hành DÒ KIM CƯƠNG, tức là làm các câu hỏi lí thuyết + bài tập cơ bản. Trong khoảng 20 phút này phải làm được ít nhất 25 - 28 câu dễ trong đề thi, không được phép nhầm lẫn ở những câu hỏi mức độ này.
4. 40 phút tiếp theo (từ 14h50' - 15h30'): DÒ VÀNG (các dạng bài thân quen và phức tạp hơn một chút). Trong khoảng thời gian này, cố gắng làm được ít nhất 10-12 câu nữa. Giai đoạn này sẽ gặp những câu kiểu rất quen, có hướng làm nhưng tính mãi không ra đáp án. Không nên "chày cối" làm một câu quá 4 phút. Hoàn thành từ 7 - 8 câu này, thì đã nắm chắc 7 - 8 điểm rồi.
5. 25 phút tiếp theo (từ 15h30 - 15h55): DÒ KHOAI (các câu còn lại). 25 phút tiếp theo này, kiểm tra lại những câu được chuyển sang từ giai đoạn bốn không dừng lại quá 3 phút nếu tiếp tục biến đổi không ra đồng thời thử vận may với những câu lạ hoắc, không làm ra thì sử dụng kinh nghiệm chọn đáp án random.
6. Năm phút cuối (từ 15h55'-16h00'): Tuyệt đối không làm bài nữa chỉ check lại các đáp án đã tô.
Chiến thuật 2: Nhận diện và xử lí "bẫy" trong đề thi
Nhận diện và xử lí "bẫy" trong đề thi giúp học sinh rút ngắn thời gian làm bài và không mắc sai lầm khi làm bài thi. Để nhận diện nhanh và xử lí "bẫy", học sinh cần lưu ý:
1. Nhận diện nhanh câu dễ – câu khó. Trong đề thi sẽ có câu dễ, câu khó, do đó, trước khi đặt bút làm các thí sinh nên dành vài phút để xác định xem câu nào dễ hơn, câu nào khó hơn. Ưu tiên những câu dễ làm trước, câu khó sẽ giải quyết sau. Nếu là đề thi trắc nghiệm thì việc này sẽ không mất quá nhiều thời gian cũng như công sức. Ngoài một kiến thức vững vàng ra thì các thí sinh cần phải nhanh nhạy nắm bắt các câu để có thể phân bổ thời gian làm bài một cách hợp lý.
2. Đọc kĩ câu hỏi. Mặc dù cần phải đọc nhanh câu hỏi để làm nhưng không có nghĩa các thí sinh được phép đọc lướt một cách cẩu thả. Nhiều bẫy rất nhỏ trong đề thi, chỉ khi đọc kĩ các thí sinh mới tìm ra được.
Ví dụ câu hỏi “Hãy tìm câu trả lời không đúng trong những câu dưới đây”. Như vậy, nếu chỉ đọc lướt qua mà không chú ý sẽ có thể bỏ sót chữ “không”, “không đúng” = “sai”, nhưng nếu chỉ chú ý tới chữ “đúng” cộng với kiến thức không chắc thì rất có thể bạn sẽ mất điểm câu đó dễ dàng.
3. Tránh tỉ mẩn, cần cù trong cách giải. Nếu như quá cẩn thận viết hẳn ra giấy cách giải tỉ mỉ thì sẽ rất tốn thời gian. Với 50 câu hỏi, chỉ trong 90 phút, nếu có thể bạn hãy nhẩm trong đầu hoặc tốc kí viết ra nháp không cần theo từng bước giải như thế nào hay chữ phải đẹp mà chỉ cần ngắn gọn, dễ hiểu, tránh làm mất thời gian.
4. Phỏng đoán, loại trừ. Khi không chắc chắn về một câu trả lời nào đó thì hãy sử dụng phương pháp này. Phỏng đoán, loại trừ ở đây không có nghĩa là đoán bừa mà phải dựa vào những dữ kiện trong bài.
Ví dụ: Đề yêu cầu tìm câu trả lời đúng thì có thể dựa vào các câu trả lời A, B, C, D để chọn. Bạn thấy A không đúng, B cũng không đúng, D thì không chắc, C thì có khả năng là đúng nên có lẽ câu trả lời là C. Yếu tố này đôi khi cần sự may mắn nhưng lại không thể thiếu khi làm bài thi trắc nghiệm.
5. Phương châm làm bài “Thà tô nhầm còn hơn bỏ sót”. Khi không thể trả lời được câu nào, cộng với thời gian còn rất ít thì đừng nên do dự. Bạn cần chọn nhanh đáp án hợp lý nhất cho những câu chưa trả lời. Để có cơ hội giành điểm cao nhất, Bạn phải tô các phương án trả lời theo phương châm thà tô nhầm còn hơn bỏ sót.
6. Và quan trọng nhất là thường xuyên làm đề thi trắc nghiệm. Điều này giúp bạn nắm rõ được kiểu ra đề như thế nào, trọng tâm nên học ở đâu hay đơn giản là biết được cách gài bẫy trong mỗi đề ra sao. Tuy nhiên, các bạn nên tránh tình trạng học lan man.