GS Ngô Bảo Châu: Người ta không tin tôi

Chia sẻ với hàng nghìn bạn trẻ có mặt tại hội trường ĐH Bách Khoa Hà Nội chiều nay, 13/3, Giáo sư Ngô Bảo Châu cho biết, ông từng... thi trượt vào một viện nghiên cứu ở Pháp, vì "người ta không tin tôi".

Chiều 13/3, Giáo sư (GS) Ngô Bảo Châu nói chuyện với các bạn trẻ ở ĐH Bách Khoa Bách Khoa Hà Nội với chủ đề “Phương pháp học tập” trong dịp về Việt Nam tham dự chuỗi sự kiện “Cầu nối - Cuộc đối thoại hướng đến văn hóa hòa bình” lần thứ tư tại Đông Nam Á.

Rất nhiều sinh viên đặt câu hỏi cho GS Ngô Bảo Châu và mong GS chia sẻ những câu chuyện đời thường, và cả băn khoăn về nghiên cứu khoa học.

"Người ta không tin tôi"

Đạt được kết quả nghiên cứu như hôm nay, Giáo sư phải vượt qua những khó khăn như thế nào? Làm sao để duy trì niềm say mê trong cuộc sống?

Giáo sư Ngô Bảo Châu: Khi bạn muốn làm điều gì khó thì phải... khó khăn. Cái khó khăn cá nhân tôi gặp phải thì các bạn trẻ cũng gặp phải. Khi bắt đầu, rất nhiều người không tin mình thành công nên tôi nói về quả cảm là vì thế.

Sau khi làm xong luận án tiến sĩ ở Pháp, tôi được tuyển vào một viện nghiên cứu. Lần đầu tiên thi tuyển, tôi bị trượt. Cuộc phỏng vấn đầu tiên, người ta hỏi anh muốn nghiên cứu vấn đề gì, tôi nói tôi muốn nghiên cứu “Bổ đề cơ bản”. Họ phá lên cười và đánh trượt tôi. Rõ ràng, họ không tin mình. Khó khăn rất lớn là người khác không tin mình, vì đó là vấn đề quá khó.

Đến năm 2002 - 2003, tôi quay lại “Bổ đề cơ bản”, lúc đó có một số ý tưởng mới, có lẽ là cách nhìn khác hẳn. Năm 2003, tôi có một bài báo và sau đó cùng một thầy giáo khác, tôi có một bài báo được công nhận. Năm 2006, tôi cố gắng theo đuổi, mở rộng chương trình với giáo sư của tôi, nhưng tôi nghĩ mình đi vào con đường cụt. Khi đó, tôi không tin vào bản thân mình nữa.

GS Ngô Bảo Châu: Người ta không tin tôi - 1

Giáo sư Ngô Bảo Châu

Đó là hai khó khăn lớn mà tôi phải vượt qua khi nghiên cứu khoa học: khi người ta không tin vào mình và khi mình không tin vào mình nữa. Mỗi người phải tự tìm ra phương án của mình.

Giáo sư có thể chia sẻ thêm về sự kiện có dấu ấn bước ngoặt trong quá trình nghiên cứu khoa học?

Khi có cảm tưởng rơi vào vô vọng và tất cả những cố gắng của mình không đi đến đâu, thì tình cờ tôi nói chuyện với một người viết một công trình đã 20-30 năm, nhưng chưa đăng tải và cho rằng nó không có giá trị. Ngay lập tức, tôi hiểu rằng, cái mẩu cuối cùng trong miếng thiếu ấy đã xuất hiện.

Tất cả những cái tưởng như vô vọng trước đây mà tôi có được ghép lại, và miếng ghép cuối cùng từ người bạn, ngay lập tức toàn bộ bức tranh hiện ra. Nhưng nên nhớ nếu không có cố gắng nghiên cứu trước đó thì không thể nhận ra mảnh cuối cùng còn thiếu.

Đừng đưa đố kị vào khoa học

Theo Giáo sư, có cách nào có thể thu hút các nhà Toán học trẻ ở nước ngoài về nước phục vụ nước nhà?

Đó là điều mà tôi và các thành viên của Viện nghiên cứu cao cấp về Toán đang cố gắng làm. Trong khuôn khổ chương trình Toán học trọng điểm quốc gia, nhà nước đã đặt ra cơ chế rất thuận lợi để làm việc đó. Viện không có biên chế chính thức cho các nhà khoa học Việt Nam, cũng như người Việt ở nước ngoài. Các giáo sư nước ngoài gửi hồ sơ làm việc từ 2 - 6 tháng.

Viện đã có những thành công nhất định khi mời được 65 nhà khoa học Việt Nam, khoảng 20 giáo sư nước ngoài. Còn quá sớm để đánh giá kết quả chất lượng khoa học nhưng tôi rất mừng, hiện nay, các hoạt động của Viện đã đúng hướng.

Hiện nay, trong các trường đại học, nhiều đề tài sau khi bảo vệ thành công, không được áp dụng. Vậy, làm thế nào để nghiên cứu khoa học phát triển?

Theo tôi, phải giải quyết sự mâu thuẫn về mặt quyền lợi trong các trường đại học bằng cách bức vách do chính lãnh đạo nhà trường đặt ra, để những người làm khoa học được ưu tiên, ưu đãi hơn những người khác mà không bị sự ganh ghét, đố kỵ xen vào.

Viện nghiên cứu cao cấp về toán là một trong những mô hình như vậy. Những người đến làm việc ở Viện trong vòng 2 - 3 tháng, họ không được hưởng một mức lương kếch xù, nhưng được hưởng mức lương có thể đảm bảo cuộc sống; không phải lo toan việc khác, để tập trung hoàn toàn cho nghiên cứu khoa học.

Đã bao giờ Giáo sư không còn đam mê với con đường đã chọn và quá trình vượt qua điều đó để tìm thấy niềm đam mê như thế nào?

Niềm say mê không bao giờ ổn định. Bạn có thể học điều gì đó vài ngày nhưng nói chung là thường trừ một số trường hợp rất đặc biệt, sau vài ngày ai cũng chán cả. Chính vì thế, học phải có kỷ luật, tập thể. Kể cả khi không còn niềm đam mê cũng phải học để hoàn thành công việc, bổn phận của mình.

Cái thứ hai là niềm đam mê đó có thể chia tay bạn, nhưng nó có thể quay lại. Không có gì vĩnh viễn ra đi cả. Cái chính là không bỏ cuộc.

Gia đình ấm áp làm tôi bình tâm làm khoa học

Một ngày bình thường của Giáo sư như thế nào?

Một ngày thường của tôi khi làm ở Viện nghiên cứu cao cấp về Toán là họp từ sáng đến tối. Còn khi tôi ở ĐH Chicago (Mỹ), thì đơn giản và đơn điệu thôi. Ngoài công việc gia đình, sáng tôi đến cơ qua đúng giờ. Tôi tôn trọng kỉ luật nên đi làm đúng giờ, dù không ai kiểm soát việc đó.

Cũng... đúng giờ, tôi gặp sinh viên và nghiên cứu sinh, những người làm việc với tôi. Bạn có ý tưởng mới hay không có ý tưởng mới nhưng cũng cứ đúng giờ gặp tôi. Như thế có khi rất khó chịu, nhưng chính sự khó chịu đó làm cho họ phấn đấu để lần sau cố tìm ra cái gì đó cho khỏi ngượng.

Sáng tôi thường gặp gỡ sinh viên, cố gắng giải quyết tất cả các vấn đề, trả lời email; buổi chiều làm việc. Buổi tối ở nhà, tôi hay ngồi tâm sự với con gái bé, tâm sự với bạn ấy rất là thích. Sau khi bạn ấy đi ngủ, tôi đọc sách.

Lập gia đình sớm có ảnh hưởng đến việc nghiên cứu khoa học của Giáo sư?

Tôi nghĩ lập gia đình sớm tốt với sự nghiệp nghiên cứu của mình. Người vất vả thực sự không phải là tôi mà là vợ tôi. Cuộc sống gia đình ấm áp là nơi có thể làm cho con người bình tâm nghiên cứu khoa học.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đỗ Hợp (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN