Giáo viên phổ thông phải dạy…. mầm non
Nghịch lý thiếu thừa giáo viên khiến nhiều địa phương đang điều chuyển giáo viên dôi dư ở cấp học THCS, THPT xuống dạy mầm non, tiểu học.
Báo cáo của Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, tình trạng thiếu giáo viên (GV) đang xảy ra ở nhiều địa phương và có ở tất cả các cấp học.
Hậu quả của đào tạo, tuyển dụng ồ ạt
Cụ thể, tổng số GV công lập dôi dư là 26.750 (trong đó, tiểu học: 3.194, THCS: 21.005, THPT: 2.551), tổng số GV công lập còn thiếu là 45.058 (trong đó, mầm non lên tới 32.641, tiểu học: 7.824, THCS: 2.799, THPT: 1.794).
Một số tỉnh có số lượng GV cấp THCS dôi dư rất nhiều, như: Thái Bình 1.224, Phú Thọ 1.191, Thanh Hóa 2.188, Nghệ An 1.742, Quảng Nam 1.096; các tỉnh còn thiếu GV mầm non như: Sơn La 1.040, Bắc Giang 1.921, Thái Bình 1.500, Thanh Hóa 1.405, Nghệ An 3.328, TP HCM 1.195, đối với tiểu học một số tỉnh thiếu nhiều như: TP Hà Nội 2.696, Sơn La 1.133, Gia Lai 1.196...
Nguyên nhân của việc dôi dư nhiều giáo viên ở cấp THCS được bộ đánh giá là do: thiếu dự báo, quy hoạch tổng thể nhu cầu đội ngũ GV. Ngoài ra, còn do một số địa phương thực hiện quy hoạch lại mạng lưới trường lớp (sáp nhập các trường, lớp) dẫn đến dôi dư GV, cán bộ quản lý, nhân viên... Trong khi đó, việc phát triển nhanh các khu công nghiệp quy mô lớn ở các địa phương và tình trạng di dân cơ học từ nông thôn ra thành thị hoặc các khu công nghiệp; việc nới lỏng sinh con thứ ba ở giai đoạn sau năm 2000 và những năm gần đây dẫn đến gia tăng tỉ lệ học sinh tiểu học và trẻ mầm non.
Nhiều địa phương thiếu giáo viên mầm non trầm trọng Ảnh: TẤN THẠNH
Trước thực tế này, một số địa phương như Thanh Hóa đã bố trí giáo viên dôi dư ở cấp học THCS, THPT xuống dạy mầm non, tiểu học mà chưa được bồi dưỡng nghiệp vụ, chuyên môn đúng với cấp học. Nghệ An và Đà Nẵng cũng phải giải quyết bài toán dôi dư giáo viên ở cấp trung học bằng cách điều chuyển xuống dạy mầm non sau quá trình bồi dưỡng, đào tạo lại và thí điểm. Bà Nguyễn Thị Kim Chi, Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) Nghệ An, cho biết năm 2016 đã thí điểm việc điều chuyển giáo viên ở 3 huyện và năm 2017 sẽ triển khai đại trà trên toàn tỉnh...
Theo đánh giá của các chuyên gia, về lâu dài, việc điều chuyển giáo viên này tiềm ẩn nhiều rủi ro về mặt chất lượng do bậc mầm non đòi hỏi những kỹ năng và phương pháp sư phạm chuyên biệt. Trước lo lắng này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho rằng việc điều chuyển giáo viên dôi dư căn cứ vào tinh thần tự nguyện của các thầy cô. Đây là giải pháp tình thế bộ phải đưa ra để giải quyết hậu quả từ việc đào tạo và tuyển dụng giáo viên ồ ạt, thiếu tính toán ở một số địa phương.
Phải đào tạo lại GV thuyên chuyển
Theo bà Nghĩa, Thanh Hóa là tỉnh thừa nhiều giáo viên nhất, hơn 2.000 người, nhưng cũng thiếu gần 2.200 GV mầm non. Bộ GD-ĐT vừa “tuýt còi” lãnh đạo ngành giáo dục tỉnh Thanh Hóa do tự ý chuyển giáo viên phổ thông xuống dạy mầm non mà chỉ đào tạo lại trong vài tuần.
“Bộ GD-ĐT đánh giá việc tổ chức bồi dưỡng cho các GV phổ thông thuộc diện điều chuyển trong 5, 6 tuần là chưa thể đáp ứng nhu cầu” - bà Nghĩa cho biết. Thứ trưởng Nghĩa cũng cho hay Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã có công văn gửi UBND các tỉnh, đề nghị dừng việc bồi dưỡng, đồng thời yêu cầu Trường ĐH Sư phạm Hà Nội thiết kế chương trình đào tạo lại bằng văn bằng hai cho các GV được điều xuống dạy mầm non.
Hiện nay, các chuyên gia tích cực đóng góp ý kiến, thẩm định để đưa ra chương trình đáp ứng chuẩn đầu ra của GV mầm non. Bên cạnh đó, bộ sẽ có văn bản hướng dẫn các cơ sở đào tạo xây dựng tiêu chí lựa chọn đội ngũ GV, bao gồm năng khiếu nghệ thuật như mỹ thuật, hát nhạc, kể chuyện.
Theo bà Nghĩa, ngành giáo dục phải dựa trên các tiêu chí này để tiến hành sàng lọc, bảo đảm điều kiện đầu vào. Như vậy, ngành mới có thể bảo đảm chuẩn đầu ra cho GV mầm non. Bộ cũng tăng cường kiểm tra, giám sát quá trình đào tạo. “Bằng việc yêu cầu các địa phương rà soát để đào tạo văn bằng hai cho GV cùng công tác kiểm tra, giám sát, chúng tôi đã thực hiện cam kết với xã hội nhằm có đội ngũ GV chất lượng, bảo đảm việc chăm sóc, giáo dục trẻ tại các cơ sở mầm non” - Thứ trưởng Nghĩa nói.