"Giáo dục như nhà 5 tầng ít liên thông"

Thi tốt nghiệp THPT chính là khâu yếu kém nhất trong giáo dục, tạo ra nhiều vấn nạn, bức xúc trong xã hội nên cần phải đổi mới ngay.

Đó là phát biểu của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận tại Hội nghị cán bộ quán triệt Nghị quyết 29-NQ/TW Hội nghị lần thứ 8 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam khóa XI về đổi mới căn bản và toàn diện GD&ĐT tại TP.HCM ngày 6/1.

HS “gánh” năm cấp học

Về nguyên nhân yếu kém trong giáo dục, bộ trưởng lý giải chúng ta nhận thức về giáo dục toàn diện chưa đúng. Tất cả ban ngành từ trung ương đến cơ sở đều hiểu giáo dục là quốc sách hàng đầu, đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho sự phát triển của chung về kinh tế-xã hội nhưng đầu tư như thế nào, cụ thể hóa công việc hằng ngày ra sao thì chưa có, chưa phù hợp với từng địa phương.

“Nền giáo dục của chúng ta hiện nay nặng kiến thức, nhẹ thực hành, thiếu xây dựng kỹ năng và phẩm chất cho người học. Chúng ta có bốn cấp học để lên được ĐH nhưng thực tế người học phải trải qua năm cấp vì thêm cấp ôn luyện. Hệ thống giáo dục này không khác nào một nhà cao tầng, đáng lẽ phải có lối đi liên thông trong tất cả các tầng nhưng hiện tại chúng ta muốn đi từ tầng hai, tầng ba lên tầng bốn, tầng năm thì phải đi xuống bắt đầu từ tầng một. Ngay trong một tầng như ĐH, anh muốn chuyển từ trường này qua trường kia cũng không hề đơn giản, gây tốn kém và khó khăn cho người học. Cứ như thế thì không thể đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao được” - bộ trưởng nói.

"Giáo dục như nhà 5 tầng ít liên thông" - 1

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận cho rằng cần thay đổi ngay kỳ thi tốt nghiệp THPT để giảm áp lực cho học sinh. Học sinh TP.HCM trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2013. Ảnh: HTD

Bộ trưởng thừa nhận ngành giáo dục đã trải qua ba lần đổi mới, cải cách nhưng chỉ mới về nội dung, không thay đổi cách học và cách đánh giá. Ngay như TP.HCM hiện nay, phương pháp giảng dạy phong phú, đưa nhiều phương tiện hiện đại như máy chiếu, bảng thông minh… vào dạy và học nhưng vẫn nặng về truyền thụ kiến thức từ thầy đến trò, chưa tạo sự thay đổi mạnh mẽ. Vì vậy, công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục phải lấy đổi mới thi cử, kiểm tra đánh giá làm xung yếu. Trong đó thi tốt nghiệp THPT phải thay đổi ngay vì đây đang là vấn đề bức xúc trong xã hội, khâu yếu kém nhất của giáo dục.

Nếu chúng ta phải chờ thay đổi hết chương trình mới thay đổi thi cử, hoặc đổi mới lần lượt từ lớp 1 đến lớp 12 thì sẽ mất hàng chục năm để thay đổi thi cử. Như thế nhiều thế hệ học sinh (HS) sẽ phải tiếp tục chịu áp lực như cũ.

Phải giảm dần vai trò của người thầy

Tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Thu Cúc, Hiệu trưởng Trường THPT Gia Định, ủng hộ việc Bộ thực hiện đổi mới thi cử và sẽ thực hiện ngay trong năm học này. Tuy nhiên, bà Cúc cũng bày tỏ băn khoăn việc Bộ giảm môn thi tốt nghiệp còn bốn môn liệu có chấm dứt tình trạng học lệch trong HS; giảm môn nhưng mức độ khó, độ phân hóa HS, nội dung thi có biến động nhiều không vì HS, giáo viên đã đầu tư dạy và học rất nhiều. Trước mắt Bộ nên thay đổi từ từ, trong năm nay không nên thay đổi về nội dung và mức độ khó trong đề thi. Từ đó sẽ đúc kết, rút kinh nghiệm và thực hiện quyết liệt hơn ở những năm sau.

Về vấn đề này, Bộ trưởng cho rằng đề thi sẽ không nặng nề mà phải dựa vào kiến thức các em được học. Nội dung thi cũng sẽ chuyển đổi từ từ phù hợp với chuyển đổi của HS, không thay đổi đột ngột làm tăng áp lực cho các em. Bản thân các trường, đơn vị giáo dục phải làm công tác tư tưởng cho HS trước, đến khi các HS có thể hiểu và bắt nhịp được thì sẽ đổi mới quyết liệt. Các em cũng không phải thi tất cả các môn mới là đánh giá toàn diện mà phải gắn kết quả thi với quá trình học của HS.

“Giáo dục phải đi theo hướng tích hợp ở bậc học dưới, phân hóa mạnh ở bậc học trên, giảm dần vai trò của người thầy từ truyền thụ kiến thức sang hướng dẫn, cố vấn để HS, sinh viên tự học và phát triển theo năng lực, sở thích. Đơn cử, học về môn văn, không phải là dạy cho các em thành nhà văn hay nhà phê bình văn học mà là dạy cho các em cách cảm thụ cái hay trong mỗi tác phẩm, biết lựa chọn tác phẩm hay. Từ đó học cách đánh giá, cảm thụ những cái đẹp từ trong cuộc sống. Hay như học âm nhạc, không phải dạy các em thành ca sĩ mà tạo cho các em khả năng cảm thụ âm nhạc, cái hay trong nghệ thuật. Môn thể dục cũng không phải luyện các em thành vận động viên chuyên nghiệp mà tạo cho các em thói quen của việc rèn luyện sức khỏe” - bộ trưởng phân tích.

Xóa nạn nhiều bằng cấp, yếu trình độ

Chiều cùng ngày, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng có buổi làm việc tương tự tại Trường ĐH Sài Gòn với các giáo viên, cán bộ quản lý của một số trường ĐH tại TP.HCM. Tại đây, nhiều ý kiến cũng cho rằng việc đổi mới trong giáo viên, cán bộ được thực hiện như thế nào; các trường ĐH, CĐ phải thay đổi ra sao để đáp ứng đề án đổi mới giáo dục.

Bộ trưởng nhấn mạnh: Lãnh đạo và đội ngũ cán bộ quản lý phải là những người đi đầu, tiên phong, phải thay đổi trước về nhận thức, tư duy, trau dồi phẩm chất, hoàn thiện chuyên môn. “Tuy nhiên, không phải dựa vào sự thay đổi về bằng cấp. Nhiều địa phương báo cáo tỉ lệ giáo viên đạt chuẩn và vượt chuẩn rất cao nhưng trình độ thật vẫn chưa theo kịp yêu cầu đổi mới và phát triển giáo dục. Khoảng cách giữa bằng cấp và trình độ thật trong đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý còn cách xa nhau. Đây cũng sẽ là vấn đề chúng ta sẽ phải giải quyết trong thời gian tới” - bộ trưởng nhấn mạnh.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phạm Anh (Pháp luật TPHCM)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN