Giáo dục hướng nghiệp chưa thiết thực

Sự kiện: Giáo dục

Giáo dục hướng nghiệp và công tác phân luồng học sinh sau trung học chưa được quan tâm đúng mức nên các hoạt động này trong nhà trường vẫn mang nặng tính hình thức và chưa thiết thực

Câu hỏi chọn nghề gì luôn là vấn đề trăn trở đối với học sinh (HS) khi bước vào ngưỡng cửa cuộc đời, đặc biệt là đối với HS THPT. Vì vậy, giáo dục hướng nghiệp hiện nay có vai trò rất lớn giúp HS nhận thức đúng đắn về nghề nghiệp, chọn được nghề phù hợp với bản thân, đồng thời đáp ứng được nhu cầu của xã hội, góp phần vào việc phân luồng và sử dụng hợp lý nguồn lao động.

Vẫn còn hình thức

Hướng nghiệp hiện được tiến hành qua 4 giai đoạn: giáo dục nghề, tư vấn nghề, tuyển chọn nghề, thích ứng nghề. Hiện nay, giáo dục hướng nghiệp trong trường phổ thông đang được thực hiện thông qua các con đường: các môn khoa học cơ bản; chương trình giáo dục hướng nghiệp chính khóa; môn công nghệ và lao động sản xuất; tham quan, sinh hoạt ngoại khóa, tư vấn hướng nghiệp. Dù bằng con đường nào cũng đều hướng tới mục đích chung là hình thành sự hứng thú, khuynh hướng và năng lực nghề cho HS.

Giáo dục hướng nghiệp chưa thiết thực - 1

Học sinh rất cần được hướng nghiệp Ảnh: Hoàng Triều

Những năm qua, giáo dục hướng nghiệp và công tác phân luồng HS sau trung học đã được quan tâm và đạt được những kết quả ban đầu. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, hoạt động giáo dục hướng nghiệp hiện vẫn mang nặng tính hình thức và chưa thiết thực. Đa số giáo viên chưa ý thức rõ vai trò của mình trong công tác hướng nghiệp, trong khi nhận thức của cha mẹ HS về việc chọn nghề còn rất phiến diện. Gần như tuyệt đại đa số phụ huynh đều tha thiết mong muốn con em mình phải đậu ĐH. Bên cạnh đó, tâm lý chọn nghề chung của HS mang tính may rủi, thiếu thông tin chọn nghề theo sự áp đặt của người lớn, theo thời thượng; chọn nghề theo “mác”, “nhãn”; chọn các nghề nổi tiếng, dễ kiếm tiền… mà không cần biết có phù hợp với năng lực, hứng thú, điều kiện bản thân hay không.

Công tác tuyển chọn giáo viên chuyên trách công tác hướng nghiệp còn rất nhiều khó khăn trong khi yêu cầu đòi hỏi giáo viên phải có hiểu biết thực tế sâu, rộng về nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, có kỹ năng giao tiếp, thuyết trình tốt… nhưng các trường ĐH, CĐ tại Việt Nam vẫn chưa đào tạo chuyên ngành cụ thể về hướng nghiệp. Đa số giáo viên phụ trách hướng nghiệp là giáo viên chủ nhiệm hay bộ môn của trường.

Trước năm học 2009-2010, thời lượng dành cho hoạt động giáo dục hướng nghiệp ở lớp 9 là 36 tiết/năm học (4 tiết/tháng); ở lớp 10, 11, 12 là 27 tiết/năm học/lớp (3 tiết/tháng/lớp). Nhưng từ năm học 2009-2010 trở đi, thời lượng dành cho hoạt động giáo dục hướng nghiệp rút xuống còn 9 tiết/năm học/lớp do có sự tích hợp một số chủ đề hướng nghiệp vào hoạt động ngoài giờ lên lớp và môn công nghệ lớp 10. Với thời lượng này, rất khó thực hiện đầy đủ các nội dung trong chương trình giáo dục hướng nghiệp.

Cần đổi mới công tác hướng nghiệp

Đổi mới công tác hướng nghiệp phải bắt đầu từ đổi mới cách tiếp cận các thành tố của giáo dục hướng nghiệp trong nhà trường phổ thông và công tác phân luồng sau trung học theo tinh thần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Khi xây dựng chương trình sách giáo khoa mới (dự kiến áp dụng từ năm học 2018-2019), cần đặc biệt chú trọng đến công tác phân luồng, giáo dục hướng nghiệp.

Hiện nay, đại đa số phụ huynh đều có mong muốn con phải theo học ĐH mà không thích cho con học nghề. Rất nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này và cần có những giải pháp mang tính vĩ mô để thay đổi. Cần có những giải pháp cụ thể để tác động vào tâm lý, nhận thức chung của phụ huynh HS bởi theo cá nhân tôi, đây là yếu tố quan trọng.

Ngành giáo dục cũng cần có giải pháp để xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên hướng nghiệp. Để thực hiện được việc này, cần đổi mới từ khâu đào tạo, bồi dưỡng và đào tạo lại trong các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên đến các cơ quan quản lý giáo dục, cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục ĐH; đồng thời chú trọng thực hiện quan điểm chuẩn hóa và xã hội hóa trong phát triển đội ngũ làm công tác hướng nghiệp.

Sở Giáo dục và Đào tạo cần tiếp tục quan tâm chỉ đạo các trường phổ thông thực hiện công tác giáo dục hướng nghiệp. Trong đó, chú trọng đến đổi mới nội dung, phương thức giáo dục hướng nghiệp phù hợp với đặc điểm của HS phổ thông và điều kiện thực tế của từng địa phương. Cần chỉ đạo lãnh đạo các đơn vị, cơ sở trực thuộc nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của công tác giáo dục hướng nghiệp, có kế hoạch bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ chuyên trách làm công tác hướng nghiệp giống như tập huấn về các công tác chuyên môn…

Sáng 10-1, diễn ra hội thảo Tiếp sức hướng nghiệp 2016

Để khởi động chương trình “Đưa trường học đến thí sinh” lần thứ 15-2016, Báo Người Lao Động phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM, Trường ĐH Hoa Sen tổ chức hội thảo “Tiếp sức hướng nghiệp 2016” cho hơn 150 giáo viên THPT vào 8 giờ ngày 10-1 tại Trường ĐH Hoa Sen.

Chương trình quy tụ các chuyên gia hàng đầu trong công tác tư vấn - hướng nghiệp tại TP HCM cùng các chuyên gia về dự báo nhu cầu nhân lực, tâm lý hướng nghiệp và đội ngũ những người thực hiện công tác hướng nghiệp tại các trường THPT tại TP HCM.

Hội thảo sẽ trao đổi kinh nghiệm thực tế trong công tác hướng nghiệp, chia sẻ nghiên cứu khoa học về thực trạng hướng nghiệp trong trường THPT, xu hướng chọn ngành nghề của HS tại TP HCM, những tri thức và kỹ năng cơ bản của những người làm tư vấn hướng nghiệp…; đồng thời, hội thảo cũng nhìn lại kỳ thi THPT quốc gia 2015 để đánh giá sự ảnh hưởng của kỳ thi với công tác hướng nghiệp và tư vấn tuyển sinh trong năm 2016.

Ban tổ chức trân trọng kính mời giáo viên làm công tác hướng nghiệp tại các trường THTP tới tham gia hội thảo. Chương trình sẽ được tường thuật trực tuyến trên Báo Người Lao Động online từ 8 giờ ngày 10-1.

Y.Anh

ThS Bùi Gia Hiếu (Hiệu trưởng Trường THPT Nhân Việt, TP HCM)

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Người lao động
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN