Giảm quy mô đại học theo lộ trình
Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các trường có quy mô tuyển sinh trên 15.000 trước ngày 31-3 phải xây dựng lộ trình giảm dần quy mô sinh viên ĐH chính quy
Theo Thông tư 32 mới được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) ban hành, các trường sẽ xác định chỉ tiêu dựa trên 3 tiêu chí là tỉ lệ sinh viên (SV)/giảng viên, diện tích sàn xây dựng/SV và quy mô SV chính quy tối đa trong xác định chỉ tiêu tuyển sinh.
Lo ngại lãng phí về vật chất, giảng viên
Bộ GD-ĐT cũng chia quy mô các trường thành 3 mức: Tối đa 5.000 SV đối với các cơ sở giáo dục ĐH thuộc khối ngành nghệ thuật; tối đa 8.000 SV đối với các cơ sở giáo dục thuộc khối ngành sức khỏe; 15.000 SV đối với các cơ sở giáo dục ĐH thuộc khối ngành khoa học giáo dục, giáo viên; kinh doanh và quản lý, pháp luật; khoa học sự sống, khoa học tự nhiên; kỹ thuật, công nghệ, nông lâm thủy sản…
Quy mô ĐH sẽ giảm dần để nâng cao chất lượng đào tạo Ảnh: TẤN THẠNH
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho hay là nếu chiếu theo quy định mới tại Thông tư 32, sẽ có 18 trường ĐH trong tổng số 219 trường trên cả nước “vượt” chỉ tiêu so với quy định. Cụ thể, quy mô đào tạo tối đa của Học viện Nông nghiệp Việt Nam là 30.360 SV, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội 26.046 SV, Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội với 24.429 SV; Trường ĐH Giao thông Vận tải 21.016 SV; Trường ĐH Kinh tế Quốc dân 21.737 SV, Trường ĐH Mỏ địa chất 15.458 SV, Trường ĐH Thủy lợi là 15.042 SV, Trường ĐH Thương mại 16.045 SV, Trường ĐH Xây dựng 18.419 SV, Trường ĐH Vinh 20.944 SV, Trường ĐH Bách khoa TP HCM 19.258 SV, Trường ĐH Cần Thơ là 32.405 SV và ĐH Kinh doanh - Công nghệ Hà Nội là 30.487 SV.
Quy định cũng như thời hạn mà Bộ GD-ĐT đưa ra đã khiến không ít trường lo lắng. Lãnh đạo các trường cùng có chung quan điểm, việc hạn chế quy mô đào tạo tối đa là 15.000 SV cần được thực hiện theo lộ trình hợp lý. TS Vũ Văn Hóa, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, cho rằng nếu áp dụng quy định này, hàng loạt trường ĐH sẽ rơi vào tình trạng dư thừa cơ sở vật chất và hơn một nửa số cán bộ, giảng viên không biết sẽ đi về đâu, phải giải quyết thế nào. Một giảng viên của Trường ĐH Thương mại Hà Nội cũng bày tỏ lo lắng rằng hiện nay nhiều ĐH đã tích cực đầu tư nguồn lực để bảo đảm chất lượng đào tạo. Nếu bây giờ áp dụng quy định tối đa 15.000 SV, nhiều trường sẽ phải điều chỉnh quy mô giảm trên 50%. Điều này gây khó khăn cho các trường vì một lượng lớn giảng viên cơ hữu sẽ mất việc làm, nhiều công trình xây dựng, phòng học, phòng thí nghiệm/thực hành, máy và thiết bị dạy học hiện đại sẽ không dùng đến gây lãng phí rất lớn. Do đó, việc giảm quy mô cũng cần phải có lộ trình để các trường có thêm thời gian tính toán, điều chỉnh hợp lý, tránh gây “sốc” cho các trường.
“Không giảm quy mô ngay lập tức”
Trước những băn khoăn này, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga khẳng định trong văn bản của Bộ GD-ĐT không có nội dung nào nói các trường đào tạo tốt phải dừng lại hay những trường vượt quy mô phải giảm chỉ tiêu ngay tức khắc. “Trước đây, Thông tư 57 của Bộ GD-ĐT chỉ dừng lại ở yêu cầu xác định chỉ tiêu tuyển sinh dựa trên đội ngũ giảng viên cơ hữu chung của toàn trường, không phân chia theo khối ngành đào tạo khiến nhiều trường chỉ cố dồn tập trung chỉ tiêu đào tạo vào các ngành dễ tuyển sinh, ngành “hot”, làm cho các ngành này có tỉ lệ SV/giảng viên cao, ảnh hưởng tới chất lượng đào tạo. Có những trường tỉ lệ SV/giảng viên khối ngành kinh tế lên đến 50-60 SV/giảng viên, trong khi ngành kỹ thuật chỉ 15-20 SV/giảng viên, họ lấy chỉ tiêu khối ngành kỹ thuật bù sang ngành kinh tế. Bây giờ nếu xét chỉ tiêu theo tiêu chí từng khối ngành, chắc chắn quy mô sẽ giảm xuống chứ không còn 15.000-17.000 như trước. “Chúng tôi sẽ điều chỉnh một cách tự nhiên như vậy” - Thứ trưởng Bùi Văn Ga nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cũng nói thêm là nếu sau khi điều chỉnh mà quy mô của các trường vẫn vượt 15.000 SV, bộ sẽ xem xét để có các giải pháp tháo gỡ chứ không phải ngay lập tức rút quy mô xuống.
Chú trọng nâng chất lượng
Lý giải về việc điều chỉnh quy mô của các trường, Thứ trưởng Ga khẳng định đến lúc phải chú ý đến việc nâng cao chất lượng đào tạo. “Buộc các trường phải dừng lại quy mô ở mức hợp lý để nâng cao chất lượng. Trước đây, chúng ta phát triển quy mô theo yêu cầu nhưng bây giờ phải chú ý về chất lượng. Các trường đã đào tạo tốt thì cần làm tốt hơn trong bối cảnh cạnh tranh hội nhập. Chúng ta phải có những trường lọt vào tốp trường xếp hạng cao của thế giới” - ông Ga nói.