Giải tán các phòng GD-ĐT để giảm biên chế?

Sự kiện: Giáo dục

Số cán bộ quản lý giáo dục đang bị cho là quá nhiều khiến bộ máy biên chế phình to. Mới đây, một nhà giáo đã đề xuất gây sốc: Xóa bỏ các phòng giáo dục - đào tạo để tinh giản biên chế

Theo ý kiến này, để thực hiện mục tiêu giảm 10% biên chế trong sự nghiệp công lập (trong đó có ngành giáo dục), bên cạnh việc giảm các chức danh kế toán, y tế học đường, tài xế, bảo vệ, nhân viên phục vụ thì một nhóm đối tượng khác cũng cần giảm bớt là các cán bộ phòng giáo dục - đào tạo (GD-ĐT).

Lạm quyền hiệu trưởng

Để chứng minh cho lập luận của mình, nhà giáo này dẫn con số cán bộ quản lý chỉ tính riêng từ mầm non đến THPT (bao gồm hiệu trưởng, phó hiệu trưởng và cán bộ phòng/ sở GD-ĐT) trên giáo viên đứng lớp là khá lớn: mầm non là 35.833/132.294 (chiếm 27%), tiểu học 35.010/363.249 (9,64%), THCS 24.627/207.085 (11,9%), THPT 8.351/119.826 (gần 7%).

Tính chung trên cả nước, cán bộ quản lý từ mầm non đến THPT là 103.821/ 822.454 (chiếm 12,6%). Con số này chưa kể đến lực lượng viên chức tăng cường về thực hiện nhiệm vụ tại sở/phòng GD-ĐT nhưng vẫn nhận lương tại các trường. Đây là con số quá lớn, khiến bộ máy biên chế ngày càng cồng kềnh.

Cũng theo tính toán, cả nước có hơn 700 đơn vị hành chính cấp huyện. Là cơ quan chuyên môn của UBND cấp huyện về GD-ĐT, theo Thông tư liên tịch số 11/2015/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 29-5-2015, mỗi phòng GD-ĐT có 1 trưởng phòng, 3 phó trưởng phòng, chưa tính nhân sự về tổ chức, kiểm tra, chuyên môn, kế toán,…

Chức năng của phòng GD-ĐT là quản lý các trường từ mầm non đến THCS. Theo một hiệu trưởng trường THCS ở Hà Nội, quản lý giáo dục hiện qua nhiều tầng nấc trung gian, gián tiếp. Điều này đã "trói chân, trói tay" khiến nhà trường không thể sáng tạo, không thể đổi mới. Nhiều chuyên viên của các phòng GD-ĐT tự cho mình quyền chỉ đạo các trường khiến quyền tự chủ của nhà trường chỉ là hư danh.

Giải tán các phòng GD-ĐT để giảm biên chế? - 1

Nhiều chuyên gia cho rằng nếu bỏ phòng GD-ĐT, các sở GD-ĐT sẽ quản lý không xuể các trường. Trong ảnh: Học sinh Trường THCS Nguyễn Văn Tố (quận 10, TP HCM) Ảnh: Tấn Thạnh

Điều này gây chồng chéo, bất cập như bảng lương giáo viên, phụ cấp hay các quyết định nâng lương, nâng lương trước niên hạn, duyệt tăng giờ, tăng buổi… Chính vì thế, vị hiệu trưởng nêu trên đề nghị cần mạnh dạn giao quyền tự chủ cả về chuyên môn, tài chính, các quyết định khác… cho hiệu trưởng các trường để hiệu trưởng có đầy đủ quyền hạn, chức năng nhiệm vụ. Đến lúc đó, mô hình phòng GD-ĐT đã không còn phù hợp, phải giải thể để thực hiện tinh giản biên chế.

"Không có cơ sở"

TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp - Bộ GD-ĐT, cho rằng cần đánh giá cụ thể các phòng GD-ĐT đã thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình thế nào, hay chỉ là cánh tay nối dài của UBND cấp quận - huyện mà không đủ năng lực thực thi trách nhiệm quản lý nhà nước, tạo ra phiền toái và cản trở đổi mới của nhà trường?

Theo TS Vinh, khi đặt vấn đề nghiên cứu bỏ phòng GD-ĐT thì cần chú ý đến tình hình, bối cảnh hiện tại, quy mô dân số của quận - huyện... để có giải pháp hợp lý, tránh đề xuất tùy tiện. "Nếu bỏ cấp phòng thì trách nhiệm quản lý thuộc sở. Nếu vậy, Sở GD-ĐT phải đủ năng lực và có sự phối hợp hiệu quả với UBND quận - huyện. Nhà trường cũng cần được tự chủ nhiều hơn với những lãnh đạo có đủ năng lực quản lý và chịu trách nhiệm giải trình. Tôi thấy vấn đề này phải được nghiên cứu cụ thể vì sẽ đụng chạm đến con người và quyền lực của các bên liên quan..." - TS Vinh băn khoăn.

Trong khi đó, TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, không đồng tình với ý kiến xóa bỏ các phòng GD-ĐT. TS Lâm thẳng thắn cho rằng đề xuất giải tán phòng GD-ĐT quận, huyện là không có cơ sở khoa học về mặt quản lý hệ thống.

"Không thể lấy cớ giảm biên chế phòng GD-ĐT để tăng lương cho giáo viên. Ai cũng có quyền đề xuất và góp ý cho ngành giáo dục nhưng phải hợp lý và dựa trên cơ sở khoa học. Việc giải tán phòng GD-ĐT quận - huyện để lấy tiền ngân sách tăng lương cho giáo viên cũng không thực tế. Điều cần nhất bây giờ là giải pháp, cải tiến thế nào cho hệ thống quản lý phát huy được hiệu quả" - TS Lâm nhấn mạnh.

Theo GS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, các phòng GD-ĐT có nhiệm vụ giúp sở GD-ĐT quản lý các trường. Nếu họ gây khó dễ cho trường thì phải thay đổi nhân sự chứ không nên thay đổi tổ chức. Việc đánh giá phòng GD-ĐT có cần thiết hay không thì phải thông qua nghiên cứu, xem xét toàn diện.

Bà Đỗ Thị Kim Loan, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Yên Hòa (quận Cầu Giấy, Hà Nội), cho hay có thể ở nơi này nơi khác, phòng GD-ĐT thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình chưa chuẩn hay lạm quyền nhưng ở quận Cầu Giấy thì mọi việc đều tốt. "Phòng GD-ĐT chỉ đạo sát sao việc thực hiện các chủ trương của sở GD-ĐT. Tôi thấy việc xóa bỏ phòng GD-ĐT là không cần thiết" - bà Loan bày tỏ. 

Giám đốc sở sẽ quản lý không xuể

GS Phạm Tất Dong cho rằng nếu vẫn còn đơn vị hành chính cấp huyện thì không thể bỏ phòng GD-ĐT. Một giám đốc sở GD-ĐT không thể quản lý mấy trăm trường vì như vậy, các sở sẽ bị quá sức, không thể đủ nhân sự để quản lý được đến cấp trường. Ví dụ, có một vấn đề gì cần báo cáo thì không thể gọi tất cả hàng trăm trường lên cùng lúc được.

Miễn học phí cho sinh viên sư phạm: Hàng trăm tỷ đầu tư sẽ lãng phí

Đề xuất xóa bỏ chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm của một hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm lớn tại TP.HCM...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Yến Anh (Người lao động)
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN