Dẹp “loạn thu” trên… giấy!

Vào đầu năm học, cả Bộ GDĐT, các sở GDĐT Hà Nội, TPHCM đều có những chỉ đạo thể hiện tinh thần kiên quyết chống hiện tượng lạm thu. Tuy nhiên, thực tế thì quyết tâm này dường như mới chỉ phát huy giá trị... trên giấy.

Trăm phương nghìn kế… giữ bí mật

Với quyết định giảm học phí, trong năm học 2012 - 2013 ngành giáo dục Hà Nội có thể “tự hào” về mức học phí rất thấp, nhất là trong hoàn cảnh bão giá như hiện nay.

Theo quy định mới, 29 quận, huyện, thị xã của Hà Nội chỉ phải đóng học phí theo hai mức 20.000 đồng/tháng/HS vùng nông thôn và 40.000 đồng/tháng/HS vùng thành thị. Tuy nhiên, không ngoài “dự đoán” của đa số phụ huynh khi biết về mức học phí mới, là phần “phụ học phí”.

Để né tránh dư luận, nhiều trường đã xé nhỏ các khoản thu hoặc dưới hình thức tạm thu thông qua việc thông báo cho HS, sau đó mới thông báo cho phụ huynh biết. Anh N.T - có con học lớp 4 Trường Tiểu học Ngọc Hà - cho biết, khoản tiền bảo hiểm thân thể trường đã thu từ trước đó nên giúp giảm số tiền phải đóng trong buổi học đầu năm xuống còn hơn 900.000 đồng.

Dẹp “loạn thu” trên… giấy! - 1

Cứ đầu năm học, bài ca "lạm thu", loạn thu" ở các cơ sở giáo dục lại vang lên. Ảnh: L.Q.V

Phụ huynh có con năm nay vào lớp 1 ở trường này thì ngay khi con đi học vào tháng 8, ngoài các loại tiền bảo hiểm, đã phải đóng tiền lắp máy điều hòa cho lớp là 360.000 đồng.

Mọi năm, các trường thường in danh sách những khoản tiền phải đóng phát cho phụ huynh hoặc cho học sinh mang về đưa bố mẹ xem. Năm nay “rút kinh nghiệm”, sợ bị phụ huynh chụp ảnh lại danh sách đưa lên mạng hoặc gửi cho... báo chí, rất nhiều trường, lớp giáo viên chủ nhiệm chỉ thông báo miệng - đọc danh sách các khoản cần thu cho phụ huynh nghe và báo con số tổng để thu tiền. Với nhiều “chiêu” như vậy, đa số phụ huynh đi họp về cho con đều không thể nhớ nổi mình phải đóng những khoản gì trừ tổng số tiền phải nộp.

Trường THCS VN -Angieria, phụ huynh có con học lớp 7 cho hay, tiền đầu năm phải đóng lên tới 2 triệu, trong đó tiền quỹ lớp 1,1 triệu đồng, các khoản tiền đóng cho phía nhà trường là 880.000 đồng. Phụ huynh này cho hay, đại diện cha mẹ học sinh cho biết dịp 30.4 năm nay đã tặng quà các thầy cô hết 9 triệu đồng, Tết âm lịch tặng quà các thầy cô 12 triệu đồng, vì thế phải thu quỹ nhiều như vậy.

Lo sợ báo chí phản ánh, tất cả các khoản thu này đều được đọc miệng chứ không ghi thành văn bản phát cho phụ huynh, thậm chí viết lên bảng các khoản thu cũng không dám.

Với trường Đặng Trần Côn A (Hà Nội), một phụ huynh có con học lớp 3 cho biết, chị cũng phải đóng quỹ lớp cho con tới 1,1 triệu đồng, tiền nước lên đến 180.000 đồng/ năm.

“Ám ảnh” hội phụ huynh

Tại Trường THCS Hồng Bàng (quận 5 - TPHCM): Một phụ huynh lớp 7 phản ánh: Năm ngoái, ngoài những khoản thu chính danh thì dưới cái mác “tự nguyện” do hội phụ huynh lớp kêu gọi, gia đình tôi đã phải đóng tiền để trang bị 2 máy lạnh cho lớp học của con mình.

Qua năm nay, thấy không khí lớp có phần ngột ngạt, hội phụ huynh lại kêu gọi đóng thêm 200.000 đồng để cân nhắc xem có nên lắp thêm một máy lạnh nữa hoặc lắp các máy thông gió. Rồi sau khi lắp các thiết bị này còn phải chịu thêm cả tiền điện nữa chứ...

Cũng theo phản ánh của vị phụ huynh này, chị còn phải “tự nguyện” đóng tiền cho con học thêm toán tại nhà thầy chủ nhiệm để con mình “giống như các bạn khác”, mặc dù lớp của con chị đang theo học đã là lớp chuyên toán và sức học của con chị năm trước đạt loại giỏi.

Hay như anh Phan Kim Vũ - phụ huynh Trường Tiểu học Minh Đạo (TPHCM) - cho biết: Kinh nghiệm con đã học 4 năm tại trường này cho thấy, các khoản thu dưới danh nghĩa “hội phụ huynh” ở trường này rất lớn. Năm trước, chúng tôi phải đóng một khoản không nhỏ cho cái gọi là “công trình ánh sáng cho học sinh” để trường trang bị lại toàn bộ hệ thống đèn, tạo đủ ánh sáng cho lớp học.

Kết quả có lớp quyên góp được tới 60 - 70 triệu đồng, vị chi trung bình mỗi phụ huynh phải góp 1,5 triệu cho khoản này, nhiều phụ huynh bức xúc, không đóng. Cuối cùng thì trường vẫn trang bị cho tất cả mọi lớp như nhau do có một “mạnh thường quân” đứng ra “bảo trợ”.

Trong khi đó, theo tôi được biết những công trình tương tự thế này thuộc về trang bị cơ sở vật chất, trường phải chịu trách nhiệm chứ sao lại đi kêu gọi như vậy, khiến anh rất khó xử, không đóng cũng thấy kỳ nhưng đóng thì lại “tức” - vị phụ huynh này kết luận.

Cũng tại trường này, năm nay các khoản thu đầu năm chưa được thông báo chính thức. Song, chỉ tính riêng những khoản tiền như phù hiệu, mã số và những loại sổ có khuôn mẫu riêng (sổ báo bài...), nói chung là những thứ mang yếu tố “hình thức”, mỗi HS cũng đã tốn 285.000 đồng(!?) - chị Trần Anh Thư - một phụ huynh khác phản ánh.

Chị M.N ở Trung Tự (Hà Nội), có con học lớp 3 cho biết nhà trường yêu cầu phụ huynh chỉ nộp quỹ lớp tối đa là 300.000 đồng thôi vì “sợ bị lên báo”. Tuy nhiên, khi các phụ huynh ngồi tính toán với nhau thì thấy rằng số tiền sẽ phải chi tính theo đầu học sinh là 350.000 đồng/cháu, chưa kể tiền đóng lại tủ đồ cho các cháu, nên ban phụ huynh đã quyết định nộp quỹ 500.000 đồng/cháu nhưng “giữ bí mật với trường”.

Có thể nói, dưới cái mác khoản thu tự nguyện, là rất nhiều nỗi bức xúc và phải làm trong tinh thần chẳng đặng đừng của không ít phụ huynh. Chị Ngọc Anh, phụ huynh của Trường THPT Ngô Tất Tố đưa ra nhận định: Chuyện lạm thu dưới hình thức quỹ hội phụ huynh HS đã là “căn bệnh trầm kha” năm nào cũng vậy.

Trường tiểu học Ngọc Hà, Hà Nội: Nhiều khoản đóng góp lạ lùng!

Một phụ huynh có con năm nay vào lớp 1, Trường Tiểu học Ngọc Hà (Hà Nội) đã chịu khó ghi lại danh sách các khoản thu phải đóng cho con trong buổi họp ngày 15.9, trong đó có nhiều khoản khá lạ lùng: 1. Tiền hỗ trợ tiểu học 50.000 đồng, 2. Quỹ đội 18.000 đồng, 3. Quỹ khuyến học 50.000 đồng, 4. Tiếng Anh lớp 1 - 75.000 đồng, 5. Tiền quét lớp 90.000 đồng, 6. Tiền nước uống 60.000 đồng, 7. Tiền điều hòa 80.000 đồng, 8. Tiền phụ huynh học sinh 125.000 đồng, 9. Máy chiếu + bình nước nóng 333.000 đồng, 10. Tiền quỹ lớp 500.000 đồng. Tổng cộng chị phải nộp 1.373.000 đồng.

Quy định của Sở GDĐT TPHCM: Năm học 2012 - 2013 bắt đầu không thu tiền cơ sở vật chất. Mức học phí mỗi tháng được phân chia theo khu vực. Ngoài ra, các khoản thu mang tính chất thu - chi hộ như đồng phục, quần áo thể dục thể thao, ...các trường phải thống nhất với phụ huynh trên nguyên tắc tự nguyện. Đường dây nóng của Sở GDĐT TPHCM tiếp nhận thông tin phản ánh loạn thu: (08) 38223358.

Sở GDĐT Hà Nội yêu cầu: Bất kỳ hình thức ép buộc nào hay bình quân hóa mức đóng góp đối với phụ huynh HS là vi phạm pháp luật. Quá trình quản lý và sử dụng phải quán triệt các nguyên tắc tự nguyện, đúng mục đích; dân chủ công khai minh bạch. Sở GDĐT yêu cầu các cơ sở giáo dục công khai các khoản thu để nhân dân, cha mẹ HS biết.

Ngày 10/9, lần đầu tiên Bộ GDĐT đã ra một thông tư trong đó đề cập tới chuyện tài trợ trong trường học và tiếp nhận các khoản thu tự nguyện (chứ không chỉ ra văn bản hướng dẫn như mọi năm).

Đến bây giờ, việc quản lý và sử dụng cũng như quy định về tài trợ sẽ thành thông tư, tính pháp lý sẽ cao hơn. Theo ông Bùi Hồng Quang - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ GDĐT, ngoài việc phổ biến điều lệ cha mẹ học sinh, phụ huynh cũng cần từ chối những khoản thu ngoài quy định.

Đồng thời, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra giám sát các cơ sở giáo dục trên địa bàn. Nơi nào có vấn đề thì trưởng phòng giáo dục, giám đốc Sở GDĐT phải chịu trách nhiệm. Việc xử lý cũng sẽ phải làm nghiêm túc. Đơn vị nào thu sai sẽ yêu cầu người đứng đầu trả lại tiền và xin lỗi phụ huynh học sinh.

H.Ng

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thể Uyên - Ngân Anh (Lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN