Đề xuất học sinh vào đội tuyển quốc gia được tuyển thẳng ĐH
Để có thể lựa chọn được những học sinh giỏi thực sự vào đội tuyển quốc gia, Bộ GD&ĐT cần có cơ chế đặc thù để khuyến khích. Cụ thể, học sinh vào đội tuyển thi quốc gia sẽ được tuyển thẳng Đại học
Học sinh trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, Nam Định.
Hôm nay, 29/9, tại Hà Nội, Bộ GD&ĐT tổ chức sơ kết 5 năm thực hiện đề án phát triển hệ thống trường THPT chuyên giai đoạn 2010-2016. Để khuyến khích cũng như chọn được những học sinh thực sự giỏi, các trường mong muốn có một cơ chế đặc thù dành cho trường chuyên cũng như cho học sinh giỏi.
Diện tích chật hẹp, thiết bị thiếu thốn
Theo Bộ GD&ĐT, toàn quốc hiện có 86 trường chuyên và khối chuyên, trong đó: 70 trường chuyên thuộc sở GDĐT; 05 trường chuyên thuộc cơ sở giáo dục đại học; 02 khối chuyên thuộc trường đại học; 09 khối chuyên thuộc trường THPT.
Năm học 2010 -2011 cả nước có 56.654 HS; đến năm học 2015-2016 cả nước có 69.554, tăng 12.900 HS (chiếm khoảng 2,1% số HS THPT, vượt mục tiêu Đề án đề ra 0,1%). Đây chính là lực lượng nòng cốt để đào tạo các thí sinh đi tham gia thi đấu tại đấu trường Olympic quốc tế các môn khoa học cơ bản.
Cũng theo Bộ GD&ĐT, với nguồn ngân sách còn hạn hẹp, các tỉnh gặp nhiều khó khăn trong đầu tư tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cho trường chuyên. Hiện còn 28/75 (chiếm tỉ lệ 37,3%) trường chuyên chưa đạt chuẩn quốc gia. Nguyên nhân chủ yếu do diện tích mặt bằng hẹp, thiếu phòng học bộ môn, nhà tập đa năng, kí túc xá cho HS.
Một số trường đã được tỉnh phê duyệt đề án chuyển sang địa điểm mới nhưng chưa có kinh phí để xây dựng trường. Thiết bị dạy học mặc dù được các địa phương ưu tiên đầu tư mua sắm bổ sung nhưng còn chưa đáp ứng yêu cầu dạy học, đặc biệt thiếu các thiết bị dạy các nội dung chuyên sâu, nghiên cứu khoa học của giáo viên và học sinh.
“Hiện nay, nhiều học sinh giỏi không muốn vào đội tuyển. Vì nếu thi không đạt từ giải 3 trở lên, các em sẽ phải quay về thi ĐH như những học sinh khác. Trong khi đó, thời gian các em ôn thi môn chuyên, các bạn khác đã học các môn thi ĐH quá xa rồi. Nên nếu không đạt giải, các em sẽ rất thiệt” Bà Đỗ Thị Hòa chia sẻ |
Trường THPT chuyên Trần Phú, Hải Phòng đưa cơ sở mới vào hoạt động chính thức từ ngày 4/9/2016. Bà Đỗ Thị Hòa, Hiệu trưởng nhà trường cho biết cơ sở mới được xây dựng trên diện tích 3ha và đáp ứng điều kiện dạy và học của thầy và trò. THPT chuyên Trần Phú cũng là cái nôi đào tạo mũi nhọn trong giáo dục của Hải Phòng. Hiện trường có khoảng 1700 học sinh cho cả ba khối 10, 11, 12.
“Thế mạnh của trường đó là môn Hóa học. Thế hệ giáo viên vàng của trường hiện đang trong độ tuổi còn rất trẻ nên trường có nhiều cơ hội phát triển. Có giai đoạn 9 năm liền trường đều có học sinh đạt huy chương tại kỳ thi Olympic quốc tế” – bà Hòa tự hào.
Còn hiệu trưởng trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, Nam Định, ông Vũ Đức Thọ cũng cho hay, diện tích của trường còn khiêm tốn, trường đang xin tỉnh cơ sở trường chính trị đối diện để mở rộng diện tích. Cũng theo ông Thọ, điểm mạnh của trường chuyên Lê Hồng Phong đó là môn Vật lý. Hai năm qua được đánh giá là hai năm đỉnh cao của trường khi có 2 huy chương vàng Olympic vật lý quốc tế của em Đinh Thị Hương Thảo.
Cần cơ chế đặc thù
Sau 5 năm triển khai đề án phát triển trường THPT chuyên của Chính phủ từ 2010 - 2020, trong quá trình thực hiện, các trường cũng gặp một số khó khăn, nhất là phát triển đội ngũ. Bà Đỗ Thị Hòa cho biết trong điều kiện hiện tại, những học sinh giỏi nhất không vào sư phạm. Chính vì vậy, dù đội ngũ giáo viên đào tạo ra thừa nhưng các trường chuyên lại không có giáo viên để tuyển. “Chúng tôi cần một giáo viên tốt nghiệp sư phạm Toán chất lượng cao nhưng tuyển đến hai năm nay, vẫn không có một hồ sơ nào ứng cử” – bà Hòa cho hay.
Đồng quan điểm này, thầy Vũ Đức Thọ cũng cho biết hiện nay, biên chế trong ngành giáo dục rất khó khăn. Trường cũng đang có chiến lược để bồi dưỡng, phát triển đội ngũ, nhất là những môn chưa phải là thế mạnh của trường như Toán, Hóa, Sinh. Tuy nhiên, thầy Thọ cho biết, băn khoăn nhất của các giáo viên trường chuyên đó là thí sinh đăng ký dự thi vào các môn khoa học xã hội không lớn.
Thậm chí, kể cả lớp chuyên văn, những học sinh giỏi văn nhất lại lựa chọn thi chuyên Anh. Còn các môn như Lịch sử, Địa lý tuyển sinh còn khó hơn rất nhiều. “Đây không phải do học sinh thích hay không thích mà do cơ hội việc làm sau khi học ĐH. Thậm chí, trường cũng phải thay đổi theo nhu cầu của người học. Học sinh chọn học văn nhưng là để thi khối D (Toán, Văn, Ngoại ngữ) chứ không phải thi khối C (Văn, Sử, Địa)” – thầy Thọ cho hay.
Bên cạnh đó, theo bà Đỗ Thị Hòa, để có thể lựa chọn được những học sinh giỏi thực sự vào đội tuyển quốc gia, Bộ GD&ĐT cần có cơ chế đặc thù để khuyến khích học sinh giỏi. “Hiện nay, nhiều học sinh giỏi không muốn vào đội tuyển. Vì nếu thi không đạt từ giải 3 trở lên, các em sẽ phải quay về thi ĐH như những học sinh khác. Trong khi đó, thời gian các em ôn thi môn chuyên để thi, các bạn khác đã học các môn thi ĐH quá xa rồi. Nên nếu không đạt giải, các em sẽ rất thiệt” – bà Hòa chia sẻ. Chính vì vậy, bà Hòa đề xuất, vì mỗi môn thi học sinh giỏi quốc gia chỉ có 6 đến 10 học sinh nên mong muốn Bộ có cơ chế những học sinh đã vào đội tuyển thi quốc gia là được tuyển thẳng ĐH.