Đề văn “gài bẫy” học sinh: Sẽ điều chỉnh đáp án

Đề thi ngữ văn lớp 9 mang tính chất đánh đố khiến học sinh lo lắng, còn giáo viên bức xúc.

Đề thi kết thúc môn ngữ văn học kỳ II, lớp 9 do Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) quận 10, TP HCM ra cho học sinh vào sáng 22-4 ngay lập tức đã gây sốt bởi sự khó hiểu, lạ lùng. Là kỳ thi nhằm sử dụng kết quả để xét tốt nghiệp THCS nhưng nhiều giáo viên (GV) nhận định đề thi mang tính đánh đố, gây hiểu nhầm và đa số học sinh (HS) sẽ mất điểm.

Đề văn “gài bẫy” học sinh: Sẽ điều chỉnh đáp án - 1

Ở phần I, câu 1 của đề văn có câu hỏi như sau: “Nguyễn Du viết: Cỏ non xanh tận chân trời/Cành lê trắng điểm một vài bông hoa. Nào phải để cho chúng ta biết cảnh mùa xuân ra sao mà thôi, hai câu thơ làm chúng ta rung động với cái đẹp lạ lùng mà tác giả đã nhìn thấy trong cảnh vật, rung động với cảnh thiên nhiên mỗi mùa xuân lại như tái sinh, tươi trẻ mãi, và cảm thấy trong lòng ta có những sự sống tươi trẻ luôn luôn tái sinh ấy”.

Đọc đoạn trích trên và thực hiện các yêu cầu sau: a) Nêu tên tác giả tác phẩm; b) Từ ý nghĩa của các cụm chủ vị “ta biết cảnh mùa xuân”, “chúng ta rung động với cái đẹp lạ lùng”, em hãy tìm các cụm từ thể hiện điều chúng ta có được từ văn học nghệ thuật (qua đôi câu thơ của thi hào Nguyễn Du).

GV một trường THCS tại TP HCM phân tích khi trả lời yêu cầu nêu tên tác giả, tác phẩm, hầu như tất cả GV và HS đều trả lời ngay đó là tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du nhưng đáp án của câu hỏi này lại là tác phẩm Tiếng nói văn nghệ của nhà văn Nguyễn Đình Thi. Đề thi đánh đố ở chỗ nếu không để ý dấu ngoặc kép, HS sẽ trả lời sai.

Cô Hoàng Thị Thu Hiền, GV Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, nhận xét: Nội dung kiến thức không sai nhưng cách trích dẫn văn bản tác phẩm mơ hồ, dễ khiến học trò hiểu nhầm. Về ngôn ngữ, việc sử dụng từ “đôi câu thơ” trong phần phụ chú “đôi câu thơ của thi hào Nguyễn Du” là không chuẩn xác, mà dùng từ “hai câu thơ” thì hay hơn. Nhưng bản thân việc phụ chú trong dấu ngoặc đơn ở yêu cầu “b” là vô nghĩa, không ăn nhập gì với trích dẫn.

“Đoạn trích dẫn là một đoạn trong tác phẩm phê bình văn học mang tính chất lý luận văn học. Bản thân những tác phẩm này đã rất khó nhớ. Hơn nữa, trong văn chương, khi sử dụng các biện pháp như tu từ hay cách sử dụng câu cần phải chính xác, tránh gài bẫy học sinh” - cô Hiền nói.

Một GV khác cho hay nhiều GV sau khi đọc xong đề cũng bị lừa huống gì là HS. “Người ra đề không nhìn thấy vấn đề lớn hơn, đó là văn chương không nên đánh lừa các em. Các em còn quá nhỏ nên sẽ rất hoang mang và hoài nghi. Ngay sau buổi thi, nhiều HS đến nói với tôi là em làm sai hết rồi. Trong khi đây là đề thi sử dụng kết quả để xét tốt nghiệp THCS. Nhiều em sẽ thiệt thòi vì đề thi này ”- GV này phân tích.

Điều chỉnh đáp án

ThS Trần Tiến Thành, chuyên viên môn ngữ văn thuộc Sở GD-ĐT TP HCM, cho biết sở chưa nhận được đề thi do Phòng GD-ĐT gửi về nhưng nếu GV và HS phản ánh nhiều như vậy thì bộ phận ra đề sẽ phải xem xét lại. Trong khi đó, ông Phan Văn Đồng, Trưởng Phòng GD-ĐT quận 10, cho hay đang yêu cầu tổ bộ môn báo cáo chi tiết và giải quyết theo hướng điều chỉnh đáp án sao cho có lợi cho HS.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đặng Trinh/Người lao động ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN