Dạy trẻ phản biện
Nhiều giáo viên từ chối sự tranh luận với học trò, những ý kiến đi ngược lại với ý kiến của mình và sách vở.
Có một câu chuyện được nhiều giáo viên truyền miệng kể lại cho nhau nghe thế này: Trong một lớp học với học sinh lớp 4, cô giáo có kể về câu chuyện Trạng Lường Lương Thế Vinh cân voi. Ông đã khiến sứ nhà Minh (Trung Quốc) phải thán phục với cách cân con voi khổng lồ mà không cần xẻ thịt. Ông cho voi lên một chiếc thuyền rồi đánh dấu mép nước bên thuyền, sau đó dắt voi lên. Tiếp theo, ông ra lệnh cho binh lính khiêng đá hộc xuống thuyền, cho đến lúc thuyền chìm xuống đến đúng dấu cũ. Sau đó, binh lính đưa từng viên đá lên cân và cộng kết quả khối lượng các viên đá lại với nhau thì sẽ ra được cân nặng của voi. Sau khi kể xong, cô giáo hỏi cả lớp: Các con có thấy Lương Thế Vinh thông minh không? Cả lớp đều đồng thanh: Dạ có ạ. Nhưng có một em lắc đầu nguầy nguậy, nói to: Con thấy ông ấy không thông minh ạ. Cô giáo khá bực mình vì lần đầu có học trò dám nói ngược lại với sự thừa nhận của bao thế hệ người Việt Nam. Nhưng cô nén giận hỏi lại: Tại sao con nói ông ấy không thông minh? Cậu bé nhanh nhảu: Dạ, con thấy ông ấy không thông minh vì sao ông ấy không kêu binh lính tay không xuống thuyền rồi lên cân mấy người lính mà bắt họ phải khiêng đá đi lên đi xuống chi cho mệt vậy cô?
Thầy trực tiếp đối thoại với trò bao giờ cũng khiến lớp học không bị chán ngắt. Ảnh: TL
Đương nhiên trí tuệ của Lương Thế Vinh chắc chắn phải hơn cậu bé. Dù vậy, câu trả lời của cậu bé thể hiện rõ tinh thần phản biện của một học sinh lớp 4, can đảm đưa ra ý kiến khác số đông và ý kiến đó cũng có lập luận rõ ràng. Giả sử cô giáo kia vì cho rằng học trò hỗn xược, dám nói trái ý của mình mà nạt ngang: “Ai cho con nói thế? Ngồi xuống, lần sau không được phát biểu linh tinh” thì có lẽ chúng ta đã không có cơ hội nghe một câu trả lời thông minh không kém của cậu bé, và có lẽ lần sau cậu cũng chẳng bao giờ dám trình bày một ý kiến của bản thân trước người khác.
Có thể nhận thấy, trong nhà trường hiện nay, không phải giáo viên nào cũng như cô giáo trong câu chuyện trên. Rất nhiều giáo viên từ chối sự tranh luận với học trò, những ý kiến đi ngược lại với ý kiến của giáo viên và sách vở sẽ bị “dập tắt từ trong trứng nước” thay vì được đón nhận một cách cởi mở. Chắc chắn nhiều giáo viên Việt Nam sẽ nhận thấy một hiện tượng: học sinh Việt Nam càng lớn càng ít phát biểu tới mức gần như im lặng trong lớp học. Ngoài nguyên nhân do sự thay đổi tâm sinh lý theo độ tuổi (e ngại bị đánh giá từ người khác, sự tự đánh giá bản thân), chúng ta phải thừa nhận: giáo viên ít tạo điều kiện cho học sinh được thoải mái trình bày ý kiến của mình. Sự tranh luận, phản biện các vấn đề bài học hiếm khi được tổ chức hoặc được giáo viên khuyến khích trong giờ học nên dần dần học sinh không còn ý định (chứ chưa kịp thành thói quen để nói là mất thói quen này) tranh luận, phản biện. Kỹ năng đặt câu hỏi, phản biện cũng không được giáo viên hướng dẫn cho học sinh khiến đôi khi những tranh luận nếu có lại trở thành tranh cãi không khoa học. Những câu trả lời của học sinh không đúng với đáp án của giáo viên hoặc sách giáo khoa sẽ nhận được phản hồi kiểu như “Sai rồi. Suy nghĩ kỹ rồi hãy trả lời chứ”, gay gắt hơn có thể là “Câu hỏi dễ vậy mà cũng trả lời không được. Học hành thế đấy hả?” Không phản biện, không tranh luận, học sinh Việt dần trở thành những “con vẹt”, tính độc lập trong tư duy và sự sáng tạo dần bị thui chột.
Có lẽ do chương trình dạy học quá nặng nề, áp lực phải tải hết nội dung trong khoảng thời gian giới hạn, kiểu kiểm tra, đánh giá trong các kỳ thi chung còn chủ yếu khuyến khích ghi nhớ mà không phải tư duy giải quyết vấn đề hay sự sáng tạo, nền giáo dục chỉ có một bộ sách giáo khoa được xem là pháp lệnh khiến giáo viên cũng “ép” học sinh phải nói, phải viết, phải thuộc lòng theo mình và theo sách. Vì vậy, muốn đào tạo những thế hệ học sinh Việt Nam thành những người có tư duy độc lập, sáng tạo, giáo dục, cũng khó.