Dạy song ngữ: Mỗi nơi một kiểu
TP HCM hiện có 50 trường mang yếu tố nước ngoài, trong đó nhiều trường tổ chức giảng dạy theo hình thức song ngữ, chủ yếu là tiếng Anh. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có quy định rõ ràng về dạy song ngữ.
Xuất phát từ nhu cầu học sinh cần tăng cường về ngoại ngữ nhưng vẫn duy trì khả năng tiếng Việt, nhiều trường có yếu tố nước ngoài tại TP HCM tuyển sinh và dạy chương trình song ngữ. Tuy nhiên, do chưa có quy chế rõ ràng nên các trường này mạnh ai nấy dạy.
Mập mờ giữa 2 chương trình
Hai cách làm phổ biến mà các trường song ngữ hiện nay đang áp dụng là giảng dạy hoàn toàn theo chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), chỉ tăng cường thêm thời lượng môn tiếng Anh và một số môn của chương trình quốc tế. Cách thứ hai là giảng dạy song song 2 chương trình, vừa theo chương trình của Bộ GD-ĐT bằng tiếng Việt vừa theo chương trình quốc tế. Bà Nguyễn Thị Kiều Oanh, Chủ tịch HĐQT Trường Quốc tế Canada, cho biết: “Trường song ngữ thật ra chỉ là cách gọi để chỉ chương trình đào tạo được dạy bằng 2 thứ tiếng, một phần chương trình bằng tiếng Việt và một phần chương trình của nước khác như Anh, Nhật hoặc Pháp… với mục tiêu tăng cường ngoại ngữ”.
Học sinh Trường Quốc tế Việt Anh (quận Phú Nhuận, TP HCM) trong giờ tan học Ảnh: Tấn Thạnh
Vì chưa có quy định cụ thể về chương trình song ngữ nên mỗi trường giảng dạy mỗi kiểu khác nhau. Chẳng hạn, Trường Quốc tế Canada dạy một phần chương trình bằng tiếng Việt, một phần chương trình của Canada. “Từ lớp 1 đến lớp 8, trường dạy theo chương trình của Bộ GD-ĐT, có thêm 4 môn toán, khoa học, tiếng Anh và máy tính do giáo viên Canada giảng dạy theo chương trình của nước này, chiếm 1/2 thời gian trên lớp. Đến lớp 9, tập trung dạy tiếng Anh theo chuẩn B2 của khung tham chiếu châu Âu” - bà Oanh cho biết.
Trong khi đó, Trường Quốc tế BVIS tổ chức dạy hoàn toàn theo chương trình tú tài của Anh, chỉ Việt hóa một phần và càng lên cao càng tăng cường tiếng Anh. Trường Song ngữ Thái Bình Dương lại tổ chức giảng dạy một chương trình bằng cả 2 thứ tiếng Việt và Anh từ lớp 1 đến lớp 12. Trường Trung Tiểu học Bắc Mỹ (SNA) tổ chức dạy song song và đầy đủ cả 2 chương trình Việt Nam và Mỹ theo hình thức buổi sáng dạy một chương trình, buổi chiều dạy một chương trình để cấp 2 bằng tốt nghiệp của cả 2 nước.
Cần đánh giá chất lượng
Hiệu trưởng một trường THPT tại quận Phú Nhuận phân tích: “Dạy theo chương trình của bộ thì áp dụng theo chuẩn của bộ trong khi theo chương trình quốc tế thì lại theo chuẩn khác. Cùng lúc học nhiều chương trình với những cách đánh giá và xếp loại khác nhau cũng khiến học sinh quá tải”.
Hiệu trưởng một trường quốc tế thừa nhận tâm lý phụ huynh thường muốn cho con học càng nhiều càng tốt nên họ vừa muốn con học chương trình Việt Nam vừa muốn học chương trình quốc tế để nếu chẳng may không thể du học hoặc không học tiếp ở các trường quốc tế thì sẽ quay lại trường công. Chính vì thế, các trường song ngữ ngày càng nở rộ mà chất lượng các chương trình giảng dạy vẫn là dấu hỏi lớn. Do vậy, việc kiểm định, đánh giá lại các chương trình đào tạo song ngữ là cần thiết.
Đối với chương trình giảng dạy tại các trường có yếu tố nước ngoài, ông Nguyễn Hoài Chương, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM, cho biết đến nay, bộ chỉ yêu cầu bắt buộc phải giảng dạy 3 môn ngữ văn, lịch sử, địa lý theo chương trình của bộ nhưng lại không quy định phải đánh giá, xếp loại học sinh ở 3 môn này nên một số trường không dạy đủ số tiết, không dạy đủ nội dung và số môn học.
Theo TS Nguyễn Kim Dung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Giáo dục - Trường ĐH Sư phạm TP HCM, một trong các tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình tại các trường phổ thông có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam là các chương trình giáo dục phải được thiết kế đúng quy định pháp luật, theo hướng hỗ trợ các nhu cầu phát triển toàn diện và đa dạng của học sinh, bao gồm các mặt học thuật, văn hóa, xã hội, thể chất và tình cảm. Các trường cũng cần tham gia vào hình thức đánh giá chương trình và đánh giá phương pháp dạy học phù hợp với điều kiện hiện nay.
Rơi rụng dần vì quá tải Tại các trường phổ thông, chương trình song ngữ tiếng Pháp được giảng dạy hơn 10 năm nay với thời lượng 8 tiết/tuần (bằng thời lượng chương trình tiếng Anh tăng cường) nhưng học sinh rơi rụng dần vì quá tải. “Học ngoại ngữ từ nhỏ cần rất nhiều sự hỗ trợ từ gia đình trong khi tiếng Pháp không phổ biến như tiếng Anh nên phụ huynh khó hỗ trợ và học sinh, vì thế khó theo được chương trình. Khi đã mất căn bản thì càng lên cao càng khó trụ lại” - bà Võ Ngọc Thu, Trưởng Phòng GD-ĐT quận 5, TP HCM, cho biết. |