Đánh vật đạt chuẩn ngoại ngữ: Sinh viên ngửa mặt khóc ròng

Sự kiện: Giáo dục

Không có ngoại ngữ, sinh viên ra trường bị doanh nghiệp kêu than. Nhưng để đạt được chuẩn ngoại ngữ, thì cả sinh viên và nhà trường như đánh vật, nhất là khối trường kỹ thuật. Tại sao?

Đánh vật đạt chuẩn ngoại ngữ: Sinh viên ngửa mặt khóc ròng - 1

Nhiều sinh viên không tốt nghiệp được vì ngoại ngữ. Ảnh mang tính minh họa

Lê Văn Hùng đang là sinh viên năm thứ 2 của trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Hùng cho biết, năm thứ nhất vừa qua, em đã hoàn thành xong chương trình tiếng Anh cơ bản theo yêu cầu của trường (đạt TOEIC 300 điểm), bắt đầu từ năm nay, em sẽ tự học tiếng Anh để hoàn thành theo tiến độ yêu cầu của trường để đến khi nhận đồ án tốt nghiệp phải đạt TOEIC 450 điểm.

Tuy nhiên, em cho hay, không phải bạn nào cũng đạt được mức điểm tiếng Anh như nhà trường yêu cầu từ năm đầu tiên.  Vì khi bắt đầu vào trường, trải qua một bài kiểm tra, nhiều sinh viên trình độ tiếng Anh mới ở mức mới bắt đầu (A1) thế nên rất vất vả để học. Do đó, theo Hùng, nếu sinh viên không cố gắng thì thường phải hết năm thứ 2 mới có thể đạt trình độ TOEIC 300.

Bản thân là người chăm chỉ, cũng yêu thích môn tiếng Anh, nhưng Hùng cũng nhận thấy khi học tiếng Anh tại trường cũng có những khó khăn. Nhất là trong việc nghe và phát âm chuẩn tiếng Anh.

Nguyên nhân được Hùng cho biết là khi nghe giáo viên phát âm thì em hiểu nhưng khi nghe qua băng cassette và một số video thực tế thì em không nghe được. Thứ hai, khi nghe thì em cũng chưa nắm rõ một số từ khóa để hiểu mà nghe câu nào dịch câu đó nên dẫn đến chậm trong việc nghe.

Từ kinh nghiệm bản thân mình, Hùng rút ra 2 bài học. Thứ nhất, do chính bản thân em chưa có phương pháp phù hợp để học ngoại ngữ. Nguyên nhân thứ hai là do giảng viên tập trung dạy nhiều về ngữ pháp  hơn là luyện nghe.

Hùng cũng cho hay, luyện nghe ở trên giảng đường thường được giảng viên cho nghe cassette. Còn về nhà tự học, sinh viên có thể dùng smartphone hoặc máy tính để luyện.

“Đúng là phương tiện hỗ trợ việc học ở trường không thay đổi trong suốt thời gian qua. Tuy nhiên, do công nghệ phát triển nên sinh viên hoàn toàn có thể tự học tiếng Anh rất dễ dàng, không khó khăn như ngày xưa” – Hùng cho hay.

Đến từ vùng núi khu vực phía Bắc, lại là người dân tộc nên khi học tiếng Anh ở ĐH, Nguyễn Văn  Cương ở  trường ĐH Giao thông Vận tải thấy rất nhiều khó khăn.

“Khi còn học phổ thông, em cùng các bạn chỉ tập trung học các môn để xét tuyển ĐH. Em không lựa chọn khối D (Toán, Văn, Ngoại ngữ) để xét tuyển nên không đầu tư học. Thậm chí, đến khi thi THPT quốc gia, bọn em cũng không thi môn ngoại ngữ nên nói chung, khi vào trường ĐH, em bắt đầu học tiếng Anh từ đầu” – Cương chia sẻ.

Không có điều kiện để đến các trung tâm ngoại ngữ để học thêm nên Cương vô cùng chật vật để đạt được yêu cầu ngoại ngữ. Cho đến giờ, chỉ còn hơn một năm nữa là tốt nghiệp nhưng riêng môn ngoại ngữ, Cương không dám chắc mình có thể “qua”.

Không gặp khó khăn về ngoại ngữ, thậm chí còn thấy dễ dàng đạt được yêu cầu của trường, nhưng Hoàng Văn Hải, trường ĐH Thủy lợi cho biết có nhiều bạn học tiếng Anh 1, 2, 3 vẫn trượt.  Hải cũng thừa nhận, nhiều khi thầy cô giáo cũng “nương tay” nên cho điểm quá trình cao, chứ nếu khắt khe, sinh viên còn trượt nhiều nữa.

Nói về chuyện không thể tốt nghiệp vì không đạt chuẩn ngoại ngữ có lẽ là chuyện buồn của rất nhiều sinh viên khối ngành kỹ thuật. Một sinh viên tại một trường lớn của Hà Nội đã xong tất cả các môn để tốt nghiệp 2 năm nay nhưng đến giờ vẫn chưa ra được trường vì ngoại ngữ.

Sinh viên này cho biết, nếu trong vòng một học kỳ nữa, không đạt chuẩn đầu ra ngoại ngữ TOEIC 450 của trường thì sẽ phải chuyển xuống hệ khác có chuẩn ngoại ngữ thấp hơn thì mới được tốt nghiệp. Nên dù đang đi làm với công việc lương cao nhưng sinh viên này xin nghỉ tạm thời để “cày” ngoại ngữ.

“Nói thật, ra trường, đi làm, quay lại học ngoại ngữ rất ngại. Thứ nhất là công việc bận, không có thời gian. Thứ hai là cũng rất ngại đi học. Tuy nhiên, không đủ trình độ ngoại ngữ, đi làm cũng có nhiều bất tiện, thậm chí là bỏ lỡ nhiều cơ hội trong công việc. Thế nên, lần này đang cố gắng chuyên tâm để học cho đạt yêu cầu” – sinh viên này cho hay.

Theo nhận định của lãnh đạo các trường ĐH, sinh viên khối ngành kinh tế, ngoại giao, xã hội thường ít gặp khó khăn về việc học ngoại ngữ hơn khối ngành kỹ thuật. Vì chuẩn đầu vào của khối ngành này thường ưu tiên ngoại ngữ.  Hơn nữa, khối trường kỹ thuật, tỷ lệ sinh viên đến từ các tỉnh ngoại thành nên trình độ ngoại ngữ thấp, nên khi vào trường ĐH, để đạt được chuẩn đầu ra như yêu cầu, sinh viên phải cố gắng rất nhiều.

Những trường ĐH có chuẩn đầu ra ngoại ngữ cao nhất TP HCM

Nhiều trường ĐH đã nâng cao chuẩn đầu ra ngoại ngữ, tạo áp lực cho sinh viên học tập, nghiên cứu, trao đổi học thuật...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nghiêm Huê ([Tên nguồn])
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN