Đại học định hướng ứng dụng: Sẽ hạn chế tối đa đào tạo lại?

Sự kiện: Đinh Hương

Với mục tiêu phát triển các chương trình đào tạo đại học (ĐH) gắn với nhu cầu của thị trường lao động. Cung cấp sinh viên tốt nghiệp có kiến thức, thái độ, kỹ năng phù hợp với từng nhóm nghề nghiệp cụ thể. Mô hình giáo dục ĐH định hướng ứng dụng (POHE) đang được kỳ vọng sẽ thay đổi mô hình đào tạo ĐH truyền thống hiện nay.

Đại học định hướng ứng dụng: Sẽ hạn chế tối đa đào tạo lại? - 1

Sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam trong một lần thực hành.

Cách đây 11 năm, Dự án giáo dục ĐH Việt Nam - Hà Lan chính thức được triển khai tại 8 trường ĐH (ĐH Sư phạm  - ĐH Thái Nguyên, ĐH Vinh, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Nông lâm - ĐH Thái Nguyên, ĐH Nông lâm Huế, ĐH Nông lâm TPHCM và ĐH Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên). 

Với sự hỗ trợ của các trường ĐH khoa học ứng dụng Hà Lan, 8 trường ĐH tham gia dự án đã xây dựng và triển khai thành công 10 chương trình đào tạo ĐH định hướng nghề nghiệp ứng dụng cho các ngành đào tạo trong các lĩnh vực sư phạm, du lịch, nông lâm, kỹ sư  xây dựng, kỹ sư điện tử và công nghệ thông tin.  Những kết quả tích cực của Dự án POHE giai đoạn 1 là cơ sở để Bộ GD&ĐT Việt Nam đề nghị phía Hà Lan tiếp tục tài trợ giai đoạn hai của Dự án POHE2. 

Sau 4 năm triển khai POHE 2, đến nay, Dự án đã xây dựng được 50 chương trình đào tạo theo định hướng ứng dụng, trong đó có tới 39 chương trình xây dựng mới hoàn toàn. Số lượng sinh viên theo học chương trình đào tạo POHE ở 8 trường ĐH tham gia trong giai đoạn từ 2007-2016 là trên 12.000 sinh viên.  Trong đó, đến nay đã có 4.833 sinh viên tốt nghiệp. Kết quả khảo sát thời gian tìm việc làm đầu tiên của cựu sinh viên POHE tốt nghiệp trong hai năm 2014, 2015 cho thấy tỷ lệ cựu sinh viên đang có việc làm là gần 80%.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho rằng, theo các quy định hiện hành thì trong những năm tới dự kiến các cơ sở giáo dục ĐH theo định hướng nghiên cứu chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 15-20%. Đa số còn lại là các trường ĐH theo định hướng ứng dụng và thực hành. 

Đặc biệt, thời gian tìm được việc làm đầu tiên sau khi tốt nghiệp có xu hướng rút ngắn. “Điều đó chứng tỏ khả năng làm việc của sinh viên POHE ngày càng tiến sát hơn yêu cầu tuyển dụng của thị trường lao động và ngày càng nhanh thích ứng với yêu cầu công việc” - PGS.TS Bùi Anh Tuấn, Giám đốc dự án POHE khẳng định tại hội nghị Tổng kết dự án POHE2 do Bộ GD&ĐT tổ chức ngày 23/6. 

Cũng theo ông Tuấn, đa số cựu sinh viên hài lòng vì đã học tập trong chương trình đào tạo POHE, trong đó những yếu tố được đánh giá cao nhất là chương trình đào tạo thiết thực, thực tế, tập trung hình thành các kỹ năng nghề nghiệp và kỹ năng mềm cho sinh viên...

Một trong những điểm mạnh của các chương trình đào tạo trong POHE chính là sự gắn kết chặt chẽ giữa các trường với doanh nghiệp.  Trong thời gian thực hiện dự án, đã có 353 doanh nghiệp có quan hệ hợp tác  ngắn hạn, 203 doanh nghiệp có quan hệ hợp tác chiến lược với 8 trường ĐH. 

Đại diện Công ty Nam Việt cho biết, sau khi tuyển dụng, công ty thường phải mất 5- 6 tháng đào tạo lại những sinh viên mới ra trường. Nhưng với chương trình đào tạo theo POHE, sinh viên có thể bắt nhịp luôn được với công việc.

PGS.TS Bùi Anh Tuấn, Giám đốc Dự án POHE 2 cho biết hiện có hơn 100 trường ĐH mong muốn được tiếp cận chương trình này.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoa Ban (Tiền Phong)
Đinh Hương Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN