Cử nhân thất nghiệp: “Đã đến mức báo động"

62.000 cử nhân thất nghiệp, 82% sinh viên ra trường không đáp ứng được yêu cầu của người tuyển dụng, đó là những con số khiến nhiều người phải giật mình.

Vấn đề  “nhức nhối” này đã được Bộ GD-ĐT đặt ra tại Diễn đàn về các bên liên quan trong giáo dục đại học định hướng nghề nghiệp ứng dụng được tổ chức sáng 18.12 tại Hà Nội.

Cử nhân thất nghiệp: “Đã đến mức báo động" - 1

Đào tạo theo định hướng nghề nghiệp ứng dụng là “lối thoát” duy nhất cho các trường ĐH, CĐ trong tương lai - Ảnh minh họa: Minh Nguyệt

Theo nhận định của bà Phạm Thị Ly – Viện đào tạo Quốc tế, ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh: “Tình hình cử nhân thất nghiệp đã lên đến mức báo động (riêng quý 3 năm 2014 có 174.000 người); lạm phát bằng cấp; năng suất lao động quá thấp so với các nước trong khu vực; số người vào ĐH bắt đầu giảm từ 3 năm qua cùng lúc với số lượng du học tự túc tăng nhanh, là những hiện tượng cho thấy lòng tin của xã hội đối với tấm bằng ĐH đã sút giảm rất nhiều, đòi hỏi các trường phải tự cải thiện”.

Nguyên nhân “mảng tối” giáo dục  này theo bà Ly, chính là do sự nở rộ của các trường ĐH, CĐ. Việc phải duy trì về số lượng đã khiến cho các trường không tập trung đầu tư vào chất lượng; đào tạo nửa vời và không tuân theo quy luật thị trường; đầu ra khá dễ dãi khiến cho sản phẩm đào tạo không đáp ứng được nhu cầu của các nhà tuyển dụng.

Các chuyên gia giáo dục cho rằng, đã đến lúc Giáo dục ĐH phải tuân theo quy luật của thị trường, đào tạo nhân lực gắn với nhu cầu tuyển dụng, đã hết thời  “nhắm mắt” đào tạo liều rồi để mặc sản phẩm của mình “trôi nổi” trên thị trường lao động. Các trường không tuân thủ quy luật này sẽ sớm bị đào thải.

Ông Bùi Tuấn Anh – Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT) cho biết, để đào tạo theo định hướng nghề nghiệp ứng dụng các trường ĐH, CĐ phải có sự liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp sử dụng lao động, “lôi kéo” họ tham gia vào các khâu trong quá trình đào tạo trong đó quan trọng nhất là thẩm định đầu ra.

 “Trước đây, các trường thường xây dựng chương trình đào tạo dựa vào năng lực của mình, nhưng giờ cần phải khác. Việc Giáo dục ĐH theo định hướng nghề nghiệp ứng dụng đòi hỏi các trường phải xây dựng trương trình dạy dựa trên yêu cầu của cơ quan tuyển dụng (các doanh nghiệp), từ đó thay đổi phương pháp dạy, kiểm tra đánh giá và công nhận tốt nghiệp…”- ông Tuấn Anh nói.

Cũng theo ông Tuấn Anh, Bộ GD-ĐT đã thí điểm mô hình Giáo dục ĐH theo định hướng nghề nghiệp ứng dụng tại 8 trường ĐH từ năm 2010. Đến nay đã có 2.000 sinh viên tốt nghiệp các chương trình đào tạo và được thị trường lao động đón nhận, hiện còn 6.000 sinh viên đang theo học. Mô hình đào tạo này cũng lôi cuốn được hơn 500 cơ quan, doanh nghiệp tham gia hợp tác.

Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT cũng thẳng thắn nhìn nhận, vẫn còn nhiều rào cản trong việc đưa các trường ĐH, CĐ tiếp cận với mô hình đào tạo này, trong đó có “sức ỳ” của chính sách và sự “thờ ơ” của nhiều doanh nghiệp.

 “Chừng nào các trường  còn được ngân sách bao cấp với rất ít trách nhiệm giải trình thì chừng đó các trường chưa có động lực thay đổi. Tuy nhiên, chủ trương phân tầng sắp tới sẽ đặt các trường vào một vị thế bắt buộc là phải lựa chọn một hướng đi và hành động nhất quán với sứ mệnh của mình. Trong xu thé đó, giáo dục đại học định hướng nghề nghiệp ứng dụng là một lối thoát” – bà Ly nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tùng Anh ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN