Còn nhiều băn khoăn về môn học "giáo dục địa phương"?

Sự kiện: Giáo dục

Giáo dục địa phương là môn học bắt buộc trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhưng thực tế đang phát sinh rất nhiều bất cập trong quá trình thực hiện.

Khó khăn triển khai môn giáo dục địa phương

"Giáo dục địa phương" là môn học bắt buộc trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhưng thực tế đang phát sinh rất nhiều bất cập trong quá trình thực hiện và lâu dài chưa có phương án khắc phục.

Trong năm học 2021-2022, Nội dung giáo dục địa phương bắt đầu thực hiện ở khối lớp 6, năm học 2022-2023 này thực hiện ở lớp 7 và lớp 10 nhưng nhiều địa phương chưa có sách giáo khoa, hoặc chỉ có file PDF gửi về trường nên giáo viên gặp khó khăn và học sinh chịu thiệt thòi trong học tập.

Mới đây, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương chia sẻ với báo chí, đối với tài liệu giáo dục địa phương của các lớp 1, 2, 6 của Hà Nội đã được xây dựng xong, nhưng in ấn và phát hành tài liệu rất khó khăn. Cụ thể, hiện có 3 hình thức in ấn, phát hành, gồm toàn bộ kinh phí do ngân sách thành phố chi trả; thành phố chi trả kinh phí làm giáo trình, còn in ấn, phát hành thì thực hiện theo hình thức xã hội hóa 100%.

Đây không phải là khó khăn riêng của Hà Nội mà nhiều tỉnh, thành phố cũng đang vướng mắc trong việc biên soạn, phê duyệt, in ấn tài liệu giáo dục địa phương. Ông Châu Tuấn Hồng - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sóc Trăng thông tin, địa phương này đã tổ chức biên soạn tài liệu giáo dục địa phương rất sớm nhưng vướng ở khâu đấu thầu, in ấn. Hiện đã khắc phục bằng cách đưa file tài liệu giáo dục địa phương xuống cho các trường giảng dạy, nhưng về lâu dài không thể làm vậy vì vướng bản quyền cũng như ảnh hưởng lớn đến việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới tại các nhà trường.

Ngoài khó khăn trong khâu thẩm định giá nên không tổ chức đấu thầu được, một số tỉnh, thành cũng cho biết gặp vướng ở vấn đề kinh phí dành cho việc biên soạn và thẩm định tài liệu giáo dục địa phương theo quy định của Bộ Tài chính còn thấp và còn một số nội dung còn thiếu, không có quy định mức chi như: Biên tập, chế bản, mua tranh ảnh, thuê vẽ lược đồ... Vì vậy các tỉnh, thành phố rất khó mời các tác giả có trình độ chuyên môn tốt tham gia viết sách. Thậm chí, một số tác giả đang viết sách cũng xin rút lui, gây khó khăn cho các địa phương.

Đặc biệt vào thời điểm này đã hết học kỳ I, một số địa phương mới ban hành tài liệu giáo dục địa phương. Song do cuốn sách này có số lượng phát hành thấp hơn nhiều so với các sách giáo khoa khác nên giá bán cao hơn nhiều lần, năm học cũng chỉ còn một nửa nên khi nhà trường thông báo cho học sinh mua sách, nhiều gia đình không hưởng ứng. Ngay chính giáo viên nhiều nơi cũng chưa xem trọng môn học giáo dục địa phương nên tài liệu môn học này ở nhiều nơi vẫn chưa phổ biến, ngay cả khi đã được phát hành.

Một khó khăn nữa trong thực tiễn triển khai môn học này đó là hiện nay nội dung giáo dục địa phương không sắp xếp dạy tuần tự từng tiết theo tuần học mà dạy theo chủ đề, thường phải học chính khóa một số tuần, thậm chí nửa học kỳ nhà trường mới bố trí dạy môn học này nhưng sách giáo khoa vẫn không có. Dù có tìm hiểu trước về bài học song vì học chay nên học sinh và ngay cả giáo viên cũng khó sát sao với bài học.

Tới đây, việc ban hành nội dung giáo dục địa phương sẽ tiếp tục còn chậm trễ trong những năm học tiếp theo. Các địa phương biên soạn chậm, Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm định chậm, các nhà xuất bản phát hành muộn, lứa học sinh đầu tiên cơ bản là không có sách giáo khoa hoặc học kỳ II mới có, hoặc phải học trên file PDF là những bất cập cần được sớm khắc phục.

Vẫn còn nhiều bất cập cần được tháo gỡ

Vai trò, vị thế của Nội dung giáo dục địa phương đang rất được đề cao ở chương trình giáo dục phổ thông 2018 và nếu được đầu tư, chú trọng đúng mức thì môn học này sẽ giúp cho học sinh hiểu biết được những điều bổ ích, thú vị ở địa phương mình. Song hành cùng các môn học khác của chương trình giáo dục phổ thông mới, Nội dung giáo dục địa phương các lớp cũng được thực hiện cuốn chiếu đến năm học 2024-2025 là hoàn tất. Thế nhưng, như đã chia sẻ, cả năm học trước và năm học này gần như đa phần các địa phương không có sách giáo khoa môn học này ngay từ đầu năm học.

Mặc dù, Nội dung giáo dục địa phương không sắp xếp dạy tuần tự từng tiết theo tuần học mà dạy theo chủ đề, thường phải học chính khóa một số tuần, thậm chí nửa học kỳ nhà trường mới bố trí dạy môn học này nhưng sách giáo khoa vẫn không có.

Trong quá trình giảng dạy, giáo viên phải chuyển từ file PDF sang file Word vì Sở giáo dục gửi cả tệp nhiều phân môn nên giáo viên các phân môn phải chuyển, cắt, rồi mới gửi cho học sinh in hoặc photo lại. Nhiều khi, giáo viên dạy chay, học sinh học chay hoặc giáo viên soạn giáo án rồi trình chiếu trên máy chiếu, học sinh học theo nhưng không có sách giáo khoa để đọc, chuẩn bị và tìm hiểu kĩ bài học.

Việc ban hành nội dung giáo dục địa phương sẽ tiếp tục còn chậm trễ trong những năm học tới đây. Các địa phương biên soạn chậm, Bộ thẩm định chậm, các nhà xuất bản phát hành muộn, lứa học sinh đầu tiên cơ bản là không có sách giáo khoa hoặc học kỳ II mới có, hoặc phải học trên file PDF thì quả là bất cập lớn.

Một môn học bắt buộc nhưng sách giáo khoa phát hành quá chậm trễ, cả năm học có 35 tiết học nhưng có tới 6 phân môn - cũng đồng nghĩa 6 giáo viên dạy. Vì thế, việc thực hiện giảng dạy Nội dung giáo dục địa phương ở phần lớn các nhà trường đang phát sinh rất nhiều những bất cập không có phương án giảng dạy hiệu quả vì không có chương trình, không có sách giáo khoa.

Bộ GD&ĐT hỗ trợ khó khăn trong triển khai nội dung giáo dục địa phương. Ảnh minh họa.

Bộ GD&ĐT hỗ trợ khó khăn trong triển khai nội dung giáo dục địa phương. Ảnh minh họa.

Cần có giải pháp hữu hiệu tháo gỡ

Thiếu giáo viên, trường lớp, chưa có tài liệu Giáo dục địa phương... là những khó khăn lớn nhất của nhiều địa phương khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Trước đó, tại Hội nghị đánh giá triển khai thực hiện chương trình này trong năm học 2022-2023 do Bộ GD&ĐT chức tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 13/12, đại diện các địa phương kiến nghị, Bộ cùng các cấp, ngành, địa phương cần có giải pháp tháo gỡ để triển khai chương trình đạt hiệu quả tốt.

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD&ĐT Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết số học sinh ở thành phố hàng năm tăng cao nên việc đáp ứng yêu cầu dạy học 2 buổi/ngày là rất khó. Hiện tại, tỉ lệ học sinh học 2 buổi/ngày ở bậc Tiểu học đạt 74% nhưng không đồng đều giữa các địa phương (có những quận, huyện chỉ đạt trên 20%).

Thành phố cũng gặp khó trong việc tuyển dụng giáo viên đáp ứng yêu cầu về tỉ lệ giáo viên đúng lớp. Vì vậy, để thu hút, giữ chân giáo viên, Giám đốc Sở GD&ĐT kiến nghị cần có chế độ phụ cấp ưu đãi cho giáo viên, nhất là giáo viên vùng sâu, vùng xa, giáo viên Mầm non. Trong đó, có thể tăng 100% phụ cấp ưu đãi cho giáo viên Mầm non; giáo viên Tiểu học tăng 50%, giáo viên Trung học cơ sở, Trung học phổ thông tăng 40%.

Trong khi đó, ông Lê Hoàng Dự, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Cà Mau, địa phương còn thiếu nhiều giáo viên Ngoại ngữ, Tin học để đáp ứng việc dạy 3 môn này từ lớp 3 theo chương trình mới. Dù công tác tuyển dụng đã được thực hiện khẩn trương nhưng nguồn tuyển rất khó khăn.

Theo đó, để giải quyết tình trạng này, tỉnh thực hiện tăng giờ dạy, tăng buổi thỉnh giảng của giáo viên hoặc điều giáo viên bậc Trung học phổ thông, Trung học cơ sở xuống dạy bậc Tiểu học. Ngoài ra, Cà Mau còn gặp khó khăn trong việc thẩm định, phê duyệt tài liệu giáo dục địa phương do thủ tục phải thông qua nhiều bước nên việc ban hành bị kéo dài.

Đại diện các địa phương kiến nghị Bộ GD&ĐT tăng cường tập huấn để giáo viên tự tin trong việc đứng lớp. Đồng thời, các trường đào tạo sư phạm hướng đến đào tạo giáo án đáp ứng các yêu cầu của Chương trình mới.

Trao đổi về vấn đề này, Bộ GD&ĐT đã chỉ ra một trong những nguyên nhân dẫn đến việc thiếu nguồn tuyển giáo viên ở nhiều địa phương liên quan đến chính sách vĩ mô; đó là chính sách tiền lương, tuyển dụng, sử dụng và quản lý đội ngũ nhà giáo. Bộ đang tích cực chuẩn bị báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xây dựng Luật Nhà giáo. Khi đó, các vấn đề về chính sách vĩ mô liên quan đến nhà giáo sẽ được quy định trong Luật.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là một trong những nhiệm vụ lớn và khó của ngành Giáo dục hiện nay. Tuy nhiên, việc triển khai Chương trình từ năm 2020 đến nay đã đạt được những kết quả bước đầu như đảm bảo đúng tiến độ, kế hoạch, đồng bộ trên phạm vi cả nước; việc dạy và học, kiểm tra, đánh giá từng bước được đổi mới.

Cũng theo Bộ trưởng, đạt được kết quả trên có sự nỗ lực rất lớn của các địa phương, trường học, đặc biệt là đội ngũ giáo viên. Thời gian qua, Bộ đã chỉ đạo tương đối kịp thời, bao quát. Tuy nhiên, đây là giai đoạn ngành Giáo dục chuyển đổi, cải cách.

Nhằm đạt kết quả cao trong công tác giáo dục, thời gian tới, Bộ sẽ thường xuyên lắng nghe ý kiến từ thực tế để có giải pháp hỗ trợ kịp thời cho các địa phương, trường học, giáo viên triển khai chương trình mới. Từ thực tiễn triển khai, ngành Giáo dục các địa phương cần có sự đánh giá sâu hơn về chuyên môn, nhất là việc tổ chức dạy-học, kiểm tra, đánh giá, quản trị trường học....

Ở cấp tiểu học, nội dung giáo dục địa phương được tích hợp với Hoạt động trải nghiệm và các môn học gồm các nội dung cốt lõi, chủ yếu:

Lịch sử hình thành và phát triển, truyền thống quê hương; lễ hội, văn hóa - nghệ thuật, di tích lịch sử, danh nhân văn hóa; phong tục, tập quán địa phương;

Địa lý, dân cư; cảnh quan thiên nhiên, môi trường tự nhiên; ngành nghề, làng nghề truyền thống của địa phương;

Một số nội dung về kinh tế, xã hội, chính sách an sinh xã hội; giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống, kĩ năng sống; xây dựng nếp sống văn minh, tôn trọng kỉ cương, pháp luật; bảo vệ môi trường tự nhiên tại địa phương.

Nguồn: [Link nguồn]

Để học sinh được vui chơi dịp Tết

Nhiều giáo viên, hiệu trưởng cho rằng, giao nhiều bài tập thì thực tế cũng không hiệu quả trong một kì nghỉ. Nên khuyến khích và hướng dẫn học sinh tự học, tự đọc nếu...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trúc Chi ([Tên nguồn])
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN