Chuyện học ở xứ người

Cánh cửa du học hiện đã được mở rộng hơn bao giờ hết nhưng không phải ai cũng có thể học thành công ở xứ người nếu không đủ nỗ lực để thích nghi

Dù là cựu học sinh Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, quán quân cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia năm 2010 nhưng khi sang học ngành tài chính - kế toán của ĐH Swinburne (Úc), trở ngại lớn nhất của Phan Minh Đức là làm quen với phương pháp học tập mới. Minh Đức phải tìm đọc thêm tài liệu, học từ các bạn sinh viên bản xứ cũng như tích cực tham gia các hoạt động tình nguyện để nâng cao vốn tiếng Anh và hòa nhập được với môi trường học mới.

Yêu cầu khả năng tự học

“Cách học ở nước ngoài hoàn toàn khác so với Việt Nam nên du học sinh thường phải mất một khoảng thời gian làm quen. Thời gian lên lớp không nhiều, do đó phương pháp tự học rất quan trọng” - Nguyễn Thị Thiên Thảo, tốt nghiệp thạc sĩ kế toán tại ĐH Curtin (Úc), cho biết.

Anh Vũ, du học sinh tại Mỹ, cũng cho biết ở nước ngoài khả năng tự học rất quan trọng. Nhờ tự học, tự khám phá mà sinh viên có thể trang bị những hiểu biết riêng cho mình, không rập khuôn. Quá trình tự học giúp tạo thành hệ thống kiến thức xâu chuỗi nhau. Giáo dục ở Anh, Úc cũng như Mỹ… không có khái niệm học thuộc lòng. Anh Vũ đưa ra ví dụ: Khi trình bày định nghĩa về tiếp thị nếu ghi y chang bài học thì sẽ không được điểm cao mà phải trình bày theo cách hiểu của mình, diễn đạt bằng giọng văn của mình. Do đó, nếu không tự học, đào sâu kiến thức thì khó có thể đạt yêu cầu.

Chuyện học ở xứ người - 1

Học sinh tìm hiểu phương pháp học tập ở nước đến để có sự chuẩn bị tâm lý kỹ càng. Trong ảnh: Tìm hiểu du học tại triển lãm du học New Zealand 2013

Thanh Bình, cựu du học sinh ngành kỹ thuật tại Anh, cũng có nhiều kinh nghiệm đáng nhớ khi làm bài kiểm tra. Bài làm càng sáng tạo, càng vượt ra khuôn khổ thông thường càng có điểm cao. Do đó, thời gian đầu, du học sinh thường khá vất vả trong việc làm quen phương pháp học mới.

Tuy có nhiều khó khăn, nhưng theo các du học sinh, việc học tập ở trường thường được hỗ trợ rất nhiều như thư viện, các trang thiết bị... Sinh viên quốc tế cần tận dụng các tiện ích để phục vụ việc học tập của mình. Ngoài ra, khi cần hỗ trợ thêm, vẫn có thể đến gặp thầy cô, giáo sư để trình bày ý kiến.

Sẵn sàng thay đổi

Thời gian đầu học tại Mỹ của Anh Vũ hết sức khó khăn, giảng đường rộng mênh mông không có cơ hội làm quen các bạn trong lớp. Hơn nữa, Vũ chọn lớp mà mình là sinh viên châu Á duy nhất nên cảm thấy lẻ loi và phải mất thời gian dài để thích nghi. Đến Úc du học từ năm lớp 9, tuần đầu tiên, Trần Đặng Đình Áng - hiện đang theo học cử nhân ngành y và giải phẫu của ĐH New South Wales (Úc) - hầu như không giao tiếp được với các bạn trong lớp. Áng phải tham gia nhóm hướng đạo 1 năm, khi đó tiếng Anh cũng như các kỹ năng giao tiếp được cải thiện đáng kể. Áng còn tham gia các hoạt động ngoại khóa, cùng với việc phải tự lập trong cuộc sống và học tập nên đã giúp Áng hòa nhập nhanh và trưởng thành hơn.

Đến nay, ngoài việc học, Phan Minh Đức hiện đã có 3 kỳ làm việc cho Trường ĐH Swinburne (Úc) với vị trí là đứng lớp giúp đỡ các du học sinh năm thứ nhất. Thuê nhà trọ ở gần trường, Đức thường ở nhà tự học. Thời gian rảnh giữa các giờ học, Đức chuẩn bị bài hoặc tìm tài liệu trong thư viện. Ngoài việc học, Đức còn tích cực chơi thể thao, đặc biệt là bóng đá, bóng bàn và tham gia các hoạt động của hội sinh viên…

Trong lời khuyên tâm huyết của Đức cho các bạn trẻ trước khi du học thì việc chuẩn bị vốn tiếng Anh là điều quan trọng nhất. “Đồng thời, các du học sinh nên chuẩn bị tâm lý sẵn sàng thay đổi, sẵn sàng hòa nhập, thích ứng với những điều mới mẻ” - Đức chia sẻ. 

Các bạn nên tìm hiểu thêm con người, cuộc sống và văn hóa nơi mình học bằng cách tham gia các hoạt động ngoại khóa, làm việc bán thời gian để khi tốt nghiệp đi làm sẽ thêm vốn sống.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phan Ngô (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN