Cha mẹ ly hôn, làm sao để con tránh được cú sốc, không tìm đến cái chết?
Vừa qua, tại chung cư 136 Hồ Tùng Mậu, Bắc Từ Liêm, Hà Nội, người dân bàng hoàng phát hiện bé gái tên L. (12 tuổi) rơi từ tầng 39 của tòa nhà xuống đất. Khi cơ quan chức năng đến hiện trường, cháu bé đã tử vong.
L. được cho là đã nhảy lầu vì buồn chuyện gia đình. Cô bé không chịu được cú sốc bố mẹ ly hôn nên đã có quyết định dại dột để không phải đối diện với thực tại đau khổ.
Một thực tế là có những đứa con khi chứng kiến cha mẹ cãi nhau, đánh nhau..., thậm chí là ly thân, ly hôn thì các em rơi vào cảm giác bất lực, chán nản, trầm cảm và nghĩ đến cái chết.
Ảnh minh họa
“Cô ơi, con chết thì có bớt đau khổ không”
Một cô giáo chủ nhiệm lớp 9 tại một trường THPT ở Hà Nội cho hay: “Một ngày cuối tuần, khi đang đưa các con đi khu vui chơi thì tôi nhận được tin nhắn qua facebook của một học sinh nữ học rất giỏi trong lớp do tôi chủ nhiệm.
Tin nhắn rất ngắn nhưng khiến tôi 'nổi da gà'. Em ấy nhắn “Cô ơi con chết thì có bớt đau khổ không”.
Tôi vội vã lấy điện thoại gọi lại thì nghe tiếng khóc nức nở qua điện thoại. “Bố mẹ con sẽ ly hôn cô ạ, mẹ vừa ký đơn sáng nay. Bố và mẹ không còn yêu thương nhau nữa. Con thèm cảm giác có cuộc sống êm đềm như hồi tiểu học.
Hồi ấy, nhà con ở thuê trong căn nhà tập thể cũ kỹ, chật hẹp nhưng bố mẹ con không bao giờ cãi nhau. Hằng ngày, bố dậy sớm chuẩn bị bữa sáng, mẹ chạy đi chợ mua thức ăn cho bữa tối.
Cả nhà con ăn sáng cùng nhau, cuối tuần cả nhà cùng đi công viên hay về thăm ông bà dưới quê. Con thực sự sẽ không bao giờ được sống những ngày tháng hạnh phúc như thế nữa.
Còn bây giờ? Gia đình con ở một ngôi nhà to hơn, đẹp hơn. Nhưng quan trọng là bố yêu người khác và mẹ cũng có người khác. Bố mẹ chẳng bao giờ nói năng nhỏ nhẹ như trước cô ạ, hễ nói là cãi nhau, con cảm thấy bơ vơ lắm.
Những thứ Bảy đi chơi chỉ có con và mẹ hoặc con và bố, chán ngán vô cùng. Con muốn kết thúc mọi thứ ở đây thôi”.
Thực sự là lúc ấy tôi chỉ biết động viên học sinh của mình cố gắng vượt qua cảm xúc, trấn an và phân tích cho em ấy thấy sự phức tạp của hôn nhân và có tan vỡ thì hãy coi như 'bố mẹ đang giải thoát cho nhau’.
Thế nhưng, tôi không chắc chắn được rằng lúc nào em ấy cũng nghe lời tôi như hôm ấy. Nếu một ngày em ấy chọn kết thúc cuộc đời mà không nói gì với tôi thì thực sự là sự đau đớn không gì cứu vãn được", cô giáo tâm sự.
“Hãy coi việc bố mẹ ly hôn là giải thoát cho nhau”
Khi cha mẹ không hạnh phúc, lựa chọn cách chia tay nhau, làm sao để con trẻ thấu hiểu?
Liên quan đến vấn đề này, thạc sĩ Lê Thị Loan - nguyên Phó trưởng khoa Giáo dục (Học viện Quản lý giáo dục) cho hay: “Trẻ con quá nhỏ và cũng chưa có trải nghiệm để đủ sức đối mặt với những tan vỡ, chúng coi việc bố mẹ ly hôn là bất hạnh của cuộc sống.
Khi bố mẹ đã cố gắng nhưng vẫn không thể dung hòa, không thể tiếp tục ở với nhau thì tôi nghĩ đầu tiên là bố mẹ phải thống nhất với nhau làm công tác tư tưởng cho con, tránh việc cãi vã nhau trước mặt con để con cảm thấy mình bất hạnh, mình bị tổn thương.
Hãy để con hiểu được rằng khi bố mẹ đã cố gắng nhưng không thể tiếp tục mối quan hệ thì đôi khi ly hôn là một cách giải thoát cho nhau để tìm được niềm vui và hạnh phúc thực sự.
Nếu cứ cố gắng nhưng mãi một cuộc hôn nhân không hạnh phúc thì cả cha mẹ và con cái đều như sống trong “địa ngục trần gian”.
Ngoài ra, nhà trường cũng nên nhấn mạnh phần giáo dục đời sống gia đình trong môn Giáo dục công dân. Giáo viên nên đưa chủ đề về mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình.
Ví như, nếu bố mẹ không ở với nhau thì các con sẽ làm gì? Điều đó để các con có thể hình dung tổng thể về các mối quan hệ, những bất trắc có thể xảy ra trong cuộc sống để không bị sốc. Hiện nay, trong môn Giáo dục công dân mới chỉ nhắc đến vai trò của các thành viên trong gia đình với nhau chứ chưa đặt vấn đề giải quyết các mâu thuẫn giữa các thành viên ra sao”.
Nguồn: [Link nguồn]
Bất kì bậc phụ huynh nào cũng có thể đặt hy vọng, niềm tin vào con cái. Tuy nhiên, khi kỳ vọng quá cao xa, cha mẹ lại vô...