Cẩn trọng với đề trắc nghiệm trôi nổi trên mạng
Chưa có tài liệu chính thống, nhiều học sinh lớp 12 năm nay chọn phương án lên mạng luyện bộ đề thi trắc nghiệm. Tuy nhiên theo nhiều giáo viên, đề trắc nghiệm trên mạng không đảm bảo cấu trúc đề minh họa kỳ thi THPT quốc gia của Bộ GD&ĐT.
Sau khi Bộ GD&ĐT công bố phương án thi THPT quốc gia năm 2017 chủ yếu là thi trắc nghiệm, lập tức các website cũng như các trung tâm luyện thi tung hàng trăm bộ đề luyện thi để hút học sinh. Có đề thi được tải miễn phí nhưng đa số đề học sinh phải trả tiền theo gói để học online. Chỉ cần vào google gõ cụm từ “Luyện thi trắc nghiệm 2017” lập tức có hàng trăm kết quả với vô số các bộ đề hiện ra.
Nguyễn Xuân Trung, học sinh lớp 12, Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) cho biết, đối với các môn những năm trước đã thi trắc nghiệm như Ngoại ngữ, Hóa học, Vật lý thì học sinh có nhiều bộ đề để học. Riêng các môn như Toán, Lịch sử, Địa lý năm nay là năm đầu tiên thi nên đề thi khá khan hiếm. Sau hai tháng học, giáo viên dạy bộ môn mới chỉ cung cấp một số bộ đề cơ bản do chính giáo viên biên soạn để kiểm tra. Ngoài ra, học sinh muốn rèn kỹ năng luyện đề cũng cũng phải tham khảo các bộ đề trên mạng.
Cũng như Trung, nhiều học sinh lựa chọn phương án tìm bộ đề trắc nghiệm các môn để luyện. Tuy nhiên, trong khi chương trình sách giáo khoa chưa học được nhiều, thiếu tài liệu học sinh đành phải tự “bơi”, chia sẻ bộ đề cho nhau mà không xác định được độ chuẩn của đề đến đâu.
Ông Phạm Văn Hoan, Hiệu trưởng một trường ở Hà Nội cho rằng, trong bối cảnh khan hiếm tài liệu như hiện nay thì luyện thi trên mạng là một kênh hữu hiệu để học sinh ôn tập. Tuy nhiên, các em chỉ nên luyện khi đã có người thẩm định bộ đề. Bởi hiện nay, có quá nhiều bộ đề trôi nổi được chia sẻ lên mạng, kể cả các giáo viên chia sẻ nhưng không ai chắc chắn về cấu trúc, các phương án.
Ông Hoan cho rằng, để thi trắc nghiệm có hiệu quả, đặc biệt là các môn như Toán và trong khối KHTN thì học sinh cần luyện nhiều đề mới hình thành các kỹ năng cũng như có tư duy nhanh nhẹn.
Tuy nhiên, ông Hoan cũng nhấn mạnh, dù kiến thức cơ bản vẫn chỉ nằm trong sách giáo khoa nhưng thi trắc nghiệm có nhiều cách ra đề khác nhau. Vì thế, bộ đề không chuẩn thì học sinh có luyện nhiều cũng không mang lại hiệu quả, thậm chí là bị loạn thông tin.
Thầy Trần Mạnh Tùng, giáo viên dạy Toán trường Lương Thế Vinh, Hà Nội cũng khuyên học sinh nên cẩn trọng với việc ôn luyện thi theo các bộ đề trên mạng internet. Thầy Tùng cho rằng, khi tham khảo nhiều đề thi thầy thấy các đề chưa đáp ứng được cấu trúc đề của Bộ, chưa kể nhiều đề còn đưa ra đáp án sai.
Một đề trắc nghiệm chuẩn phải đảm bảo cấu trúc cũng như bám sát chuẩn kỹ năng, mức độ phân hóa theo các bậc như nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao và phải đảm bảo quy tắc về 4 đáp án.