Cấm thi vào lớp 6: Sở lúng túng, trường bế tắc

Chỉ sau 24h, hai quy định “vả” nhau của ngành giáo dục Hà Nội được đưa ra liên quan đến việc tuyển sinh vào lớp 6 năm học 2015-2016.

Tối 16/4, Sở GD&ĐT Hà Nội công bố với báo chí có 3 trường được phép tuyển sinh theo hình thức khảo sát năng lực người học. Tối 17/4, sở lại có công văn hỏa tốc yêu cầu 3 trường này cũng phải xét tuyển. Sở lúng túng, các trường bàng hoàng, còn phụ huynh hoang mang không hiểu vì sao.

Cấm thi vào lớp 6: Sở lúng túng, trường bế tắc - 1

Lúng túng điều hành

PGS Văn Như Cương bức xúc cho rằng: Một cuộc “khủng hoảng” đã xảy ra do chỉ thị “cấm thi vào 6” của Bộ GD&ĐT. Cuộc khủng hoảng này cho đến nay hầu như không có dấu hiệu chấm dứt, mà ngược lại mức độ khủng hoảng càng tăng, do sự chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền…

Sở đã cho phép 6 ngôi trường “hot” nhất ở Hà Nội tự đề ra phương án tuyển sinh, và các trường đã mất rất nhiều công sức để tìm ra một lối thoát tối ưu. Nhưng thật không ngờ, đột nhiên lại có một chỉ thị hỏa tốc “kiểu thời chiến” của UBND thành phố Hà Nội gửi xuống cho Sở, trong đó nói rằng mọi cơ sở GD của Hà Nội phải thực hiện đúng chỉ thị của Bộ GD&ĐT là chỉ được xét tuyển mà không được thi tuyển dưới mọi hình thức.

Thế là bao nhiêu công sức đành đổ xuống sông xuống biển. Sở buồn, các phòng ban buồn, các ông hiệu trưởng thì quá lo lắng, còn dân thì chẳng biết đâu mà…lần. Trong khi đó, Bộ GD&ĐT chỉ quy định không được thi các môn văn hóa.

Theo PGS Văn Như Cương, thực hiện chủ trương phổ cập giáo dục THCS, theo đúng tuyến, 99% học sinh không phải thi vào lớp 6. Chỉ một số trường ngoài công lập, trường chất lượng cao, có lượng hồ sơ đăng ký vượt quá chỉ tiêu được giao nên mới phải kiểm tra để lựa chọn học sinh theo đúng tiêu chí của trường. Ở Hà Nội chỉ có 6 trên tổng số hơn 620 trường, chưa đến 1%. Nếu tính trên toàn quốc thì không đến 1% học sinh phải thi vào lớp 6.

Bức xúc hơn, PGS Cương cho rằng một chỉ thị “cấm” nhưng ngay cả người cầm bút kí vào nó cũng không biết nên làm thế nào nếu ở địa vị “bị cấm”. Mọi người đều biết rằng hiện nay học bạ bậc Tiểu học có hai mức đánh giá “đạt”, hoặc “không đạt”, mà đại đa số là “đạt”. Bởi vậy nếu một trường nào đó có 2.000 hồ sơ nhà chỉ có thể nhận vào học 500 em thì làm thế nào để “xét tuyển” nếu không được “thi tuyển”? Đó là một câu hỏi sát sườn, một bài toán mà hầu hết các hiệu trưởng bó tay.

Thầy Nguyễn Xuân Khang, hiệu trường Marie Curie cũng cho biết, trường đang rất lúng túng. Không lẽ quay xổ số hay bốc thăm. Trường chưa nghĩ ra phương án nào khả quan hơn. Theo thầy Khang, ở tiểu học không có sự phân biệt năng lực giữa các học sinh nhiều. Tìm ra giải pháp giải quyết cho vấn đề này có lẽ ngay cả sở GD&ĐT và Bộ GD&ĐT cũng khó có thể tìm được, ngoài các giải pháp mà các trường đã đưa ra.

Phụ huynh hoang mang

Chị Hoàng Linh ở quận Thanh Xuân, phụ huynh học sinh đang có mục tiêu cho con vào khối THCS của Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam chia sẻ, con chị học giỏi các môn, ham học nên gia đình kỳ vọng năm nay cháu thi đỗ vào trường chuyên.

Mục tiêu là vậy nên dù gia đình không có điều kiện vẫn đầu tư cho con ôn luyện các môn Toán và tiếng Việt từ lớp 3. Từ khi biết tin trường xét tuyển, “cả gia đình đều hoang mang, thôi thì cứ trông vào sự ăn may vậy”, chị Linh nói.

Thạc sỹ Lê Thị Lan Anh, Phó Viện trưởng Viện Phát triển Giáo dục và Trí tuệ Việt cho rằng, với các phương án tuyển sinh các trường đã trình trước đây như: Test IQ, EQ, kiểm tra trí tuệ đa chiều…đều không phải là giải pháp tối ưu nhất.

“Nếu thi tuyển, con tôi có thua điểm các bạn khác, gia đình và cả cháu sẽ vui vẻ chấp nhận. Bản thân cháu sẽ có động lực phấn đấu để học tốt hơn. Giờ xét tuyển, nếu một bạn trong lớp con tôi học kém hơn lại trúng vào trường tốt hơn, cháu sẽ nghĩ gì?”.

Phụ huynh Đỗ Nhật Hà
(Mỹ Đình, Hà Nội)

“Khi không có giải pháp tối ưu, các trường nên nghĩ đến một giải pháp nào đó hướng đến sự công bằng cho học sinh ví dụ như bốc thăm chẳng hạn”, bà Lan Anh nói.

Tuy nhiên, để bốc thăm, trước đó các trường nên đưa ra các tiêu chí tuyển sinh cụ thể. Tuy nhiên, PGS Văn Như Cương lại cho rằng, việc bốc thăm hay phát hồ sơ đúng như chỉ tiêu xét tuyển sẽ không tuyển được học sinh có chất lượng và việc xô đổ cổng trường rất có thể sẽ lặp lại.

TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội, cho rằng, chỉ thị yêu cầu tất cả các trường, kể cả trường ngoài công lập chỉ được phép xét tuyển gây áp lực cho các trường. Họ khó có phương án tuyển sinh phù hợp mà không vi phạm quy định của Bộ. “Quy định cứ thay đổi liên tục như những ngày qua sẽ ảnh hưởng tới tâm lý của phụ huynh, học sinh”, TS Lâm nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hoa Ban- Nguyễn Hà/Tiền Phong
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN