Bộ trưởng Giáo dục: Xét tuyển đại học sớm có tác động tiêu cực

Sự kiện: Giáo dục
00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc
Nữ miền Bắc

Việc các đại học xét tuyển sớm có tác động tiêu cực đến giáo dục phổ thông ở giai đoạn cuối, thí sinh đỗ sẽ không học nữa, rất tai hại, theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn.

Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo nêu quan điểm trên khi phát biểu kết luận tại Hội nghị Giáo dục đại học, do Bộ tổ chức, sáng 9/8.

Theo ông Sơn, ngành giáo dục đang đứng trước thách thức đổi mới công tác tuyển sinh để hô ứng với toàn bộ đổi mới từ phổ thông đến đại học.

"Việc xét tuyển sớm có tác động tiêu cực với giáo dục phổ thông ở giai đoạn cuối cùng của cấp học này. Các cháu trúng tuyển sớm sẽ không học nữa, điều đó rất tai hại", ông nói. Ngoài ra, việc này khiến số chỉ tiêu còn lại ít, điểm lên rất cao, tạo ra sự mất công bằng trong cơ hội được vào các trường đại học tốt.

Bộ trưởng nhấn mạnh các trường tự chủ cao trong tuyển sinh không có nghĩa thích làm gì thì làm. Việc tự chủ phải trong khuôn khổ các quy định. Vì vậy, thời gian tới, có thể Bộ Giáo dục và Đào tạo phải điều tiết.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn tại Hội nghị Giáo dục đại học, hôm 9/8. Ảnh: Thanh Thanh

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn tại Hội nghị Giáo dục đại học, hôm 9/8. Ảnh: Thanh Thanh

Trước đó, tại hội nghị, PGS.TS Trần Thiên Phúc, Phó hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TP HCM, đề xuất bỏ phương thức xét tuyển sớm.

Theo ông Phúc, hiện nhiều trường xét tuyển trước khi năm học kết thúc cả một học kỳ, thí sinh chưa hoàn thành chương trình THPT. Sau đó, một số cán bộ tư vấn thí sinh đặt nguyện vọng đỗ sớm lên đầu khi đăng ký xét tuyển chung.

"Dù biết như vậy là không đúng nhưng họ vẫn tư vấn cho thí sinh, dẫn đến thiếu công bằng, làm mất cơ hội của thí sinh", ông Phúc nói.

Ông Phúc cũng cho rằng việc đưa ra nhiều phương thức xét tuyển rồi chia phần trăm khác nhau cho từng phương thức là không có cơ sở, gây mất công bằng cho thí sinh xét tuyển ở các phương thức khác nhau.

Đại học Bách khoa TP HCM xét tổng hợp nhiều tiêu chí từ năm 2022, gồm điểm thi tốt nghiệp, điểm thi đánh giá năng lực, thành tích học tập, hoạt động xã hội, văn thể mỹ. Ngay trong năm đó, 8.500 thí sinh đăng ký vào trường. Năm nay, con số này 17.200.

"Chúng tôi cho rằng việc tuyển sinh tổng hợp các tiêu chí là công bằng", ông Phúc nói.

Thí sinh thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP HCM hôm 7/4. Ảnh: Quỳnh Trần

Thí sinh thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP HCM hôm 7/4. Ảnh: Quỳnh Trần

Năm ngoái, 214 trong 322 trường xét tuyển sớm, không dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT. Số thí sinh trúng tuyển theo diện này là hơn 375.500 em, trong đó 147.400 em đặt làm nguyện vọng 1 (gần 40%).

Trong các phương thức xét tuyển sớm, nhiều trường xét bằng học bạ từ tháng 1, sử dụng điểm học bạ của 3 hoặc 5 học kỳ, không bao gồm kỳ II lớp 12. Một số trường công bố điểm chuẩn ngay trong tháng 3.

Hồi tháng 3, trả lời VnExpress, trưởng phòng Đào tạo của một đại học lớn ở Hà Nội từng phản đối việc nhiều trường xét tuyển sớm như vậy. Lý do là khi đó, học sinh chưa hoàn thành chương trình lớp 12 trong khi kiến thức bậc THPT chủ yếu rơi vào năm học này. Kỳ II lớp 12 cũng là thời gian để các em tích lũy thành tích như giải học sinh giỏi, chứng chỉ quốc tế. Vì vậy nếu xét tuyển quá sớm, nguồn dữ liệu có thể không đầy đủ.

Tại hội nghị hôm nay, Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho rằng tuyển sinh sớm có những mặt tích cực nhưng thực tế còn phân tán. Ông nói nhận được phản ánh từ nhiều Sở Giáo dục và Đào tạo về việc học sinh xao nhãng học tập dù chưa hoàn thành chương trình phổ thông, do biết đã đủ điều kiện trúng tuyển.

Ngoài ra, không ít trường dùng nhiều phương thức xét tuyển phức tạp. Một số nơi chưa đảm bảo tính công bằng, phân bổ chỉ tiêu chưa hợp lý, gây khó khăn cho thí sinh và hệ thống. Nhiều trường xét tuyển sớm không dự báo được lượng thí sinh ảo.

Điểm chuẩn học bạ 2024 của hơn 80 trường

Luật Giáo dục đại học cho phép đại học tự chủ tuyển sinh. Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện các trường sử dụng hơn 20 cách xét tuyển.

Bộ nhiều lần khuyến khích các trường dùng điểm tốt nghiệp để xét đầu vào bởi cho rằng có độ tin cậy, bớt tốn kém, đảm bảo công bằng.

Nguồn: [Link nguồn]

Theo thống kê trên hệ thống của Bộ GD&ĐT, khoảng 337.000 thí sinh không đăng ký nguyện vọng, đồng nghĩa bỏ cơ hội vào đại học.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Dương Tâm ([Tên nguồn])
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN