Bỏ hay không bỏ kỳ thi tốt nghiệp?

Dư luận đang phản ứng mạnh mẽ về tỷ lệ đỗ tốt nghiệp cao vút và tăng vọt so với năm trước. Trong đó phần lớn kêu gọi và ủng hộ giải pháp bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2012 đã và đang được công bố cho thấy tỷ lệ đỗ tốt nghiệp nhiều địa phương tiếp tục tăng, nhiều nơi tăng vọt so với năm ngoái và luôn ở tỷ lệ trên 99%. Với thực tế này, dư luận đang phản ứng mạnh mẽ. Trong đó phần lớn kêu gọi và ủng hộ giải pháp bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT. Nhưng quan điểm của nhiều vị lãnh đạo ngành giáo dục thì ngược lại, vẫn bảo vệ duy trì kỳ thi tốt nghiệp. Sự thay đổi có chăng phải đợi sau năm 2015.

Kêu gọi bỏ ngay lập tức kỳ thi tốt nghiệp là điều mà phần lớn người dân mong mỏi. Bởi, tổ chức một kỳ thi quốc gia tốn không biết bao nhiều tiền của, thời gian mà kết quả gần như ai cũng đỗ hết thì thi để làm cái gì? Thi là đánh giá kết quả một quá trình học - dạy, nhưng đỗ đến 99,9% thậm chí là 100% thì đánh giá được gì? Nếu lấy tỷ lệ đỗ này để đánh giá chất lượng giáo dục Việt Nam đã đạt đến “chất lượng vàng ròng” như thế tại sao xã hội lại lên án: giáo dục Việt Nam đụng đâu cũng có vấn đề yếu kém, tồn tại? Nghịch lý này chỉ cần ai đã nếm trải hoặc đang có con cái đang theo học ở các trường đều thấy rõ chứ không cần viện dẫn đâu xa.

Bỏ hay không bỏ kỳ thi tốt nghiệp? - 1

Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT 2012. (Ảnh minh họa).

Để bảo vệ cho quan điểm duy trì kỳ thi tốt nghiệp, lãnh đạo ngành giáo dục cho rằng bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ không đánh giá được kết quả dạy và học; khiến cho tình trạng học lệch, nhiều môn học sẽ không được quan tâm… Những lý giải này không phải không đúng trong thực tế.

Tuy nhiên, bỏ hay không kỳ thi tốt nghiệp THPT thực chất đó không phải là vấn đề của nền giáo dục nước ta hiện tại. Một kỳ thi chưa thể đánh giá toàn diện quá trình dạy - học trong nhà trường mà nó chỉ là “sự vỡ ra” của bao nghịch lý tồn tại. Nếu ngành giáo dục không chạy theo thành tích, không lấy tỷ lệ đỗ - hỏng tốt nghiệp để đánh giá năng lực giáo viên, cơ sở đào tạo, địa phương thì làm gì có chuyện đỗ 100%. Ngay bản thân lãnh đạo Bộ GD-ĐT không muốn lấy thành tích cho ngành mình, chỉ đạo ra đề thi có tính phân hóa cao thì làm gì có tỷ lệ 99,9%. Nếu cả xã hội tin tưởng rằng đã thi thì phải có người đỗ kẻ rớt thì làm gì có chuyện chạy đua trường điểm, lớp chọn. Vì muốn cào bằng chất lượng giáo dục mà chính những người đứng đầu ngành đã không ngần ngại… cho đỗ hết.

Đã đến lúc phải thay đổi triệt để tư duy - mục tiêu - chiến lược giáo dục hiện tại. Vì sao phải đến 2015 mới bắt đầu thay đổi và thay đổi như thế nào? Hay lúc đó một nhiệm kỳ mới của một thế hệ đứng đầu ngành mới lại… loay hoay đổi mới. Những thế hệ trẻ từ nay cho đến 2015 sẽ ra sao? Không lẽ vẫn chịu “thí điểm” nữa, và vẫn ở tình trạng phân vân: bỏ hay không bỏ một kỳ thi quá nhiều vô lý?

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Ngọc Lữ ([Tên nguồn])
Thi tốt nghiệp THPT 2018 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN