Báo động tình trạng học sinh tự hủy hoại bản thân

Sự kiện: Giáo dục

Nghiên cứu của nhóm giảng viên ĐH Sư phạm TP.HCM cho thấy, có đến hơn 84% học sinh THCS tại TP.HCM có dấu hiệu của hành vi tự hủy hoại bản thân.

Báo động tình trạng học sinh tự hủy hoại bản thân - 1

Ảnh minh họa

Tự hủy hoại bản thân là hành vi được lặp đi lặp lại một cách thường xuyên nhằm tự làm tổn thương tinh thần và thân thể của chính mình, bất chấp những hậu quả về sức khỏe, tinh thần.

Xét theo mức độ tổn thương, hành vi tự hủy hoại bản thân có 3 mức độ: Mức độ thấp dừng ở những suy nghĩ tiêu cực, căng thẳng, áp lực… Mức độ vừa là học sinh đã thực hiện những hành vi như bứt tóc, đấm, đánh, cào cấu chính mình nhưng có thể kiểm soát và tiết chế khi có sự động viên của gia đình, bạn bè…

Mức độ cao là những hành vi như tự tử, cắt tay chân, tổn thương thân thể nghiêm trọng. Ở mức độ này, các em có khả năng rối loạn tâm thần, trầm cảm, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.

Nghiên cứu ngẫu nhiên trên 1.028 học sinh THCS ở nội thành TP.HCM, PGS.TS Huỳnh Văn Sơn và các đồng nghiệp khoa Tâm lý học (ĐH Sư phạm TP.HCM) nhận thấy, có đến 838 em có dấu hiệu của hành vi tự hủy hoại bàn thân, đặc biệt, có đến 374 em cảm thấy mệt mỏi, chán nản, thậm chí đôi khi có cảm giác không muốn tiếp tục sống, 344 em có suy nghĩ bi quan về cuộc sống.

Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, có đến 4,1% học sinh có hành vi tự hủy hoại bản thân ở mức độ nặng, trong đó nhiều em đã từng lên kế hoạch tự tử, đã từng tự tử nhưng không thành, tự đầu độc bản thân, tự làm phỏng mình… Phần lớn các em đều thừa nhận đã thực hiện hành vi tự hủy hoại bản thân từ rất sớm, thậm chí nhiều em thực hiện hành vi này từ rất lâu đến mức không nhớ rõ.

Trong nhận thức của học sinh, nổi bật nhất là cảm giác “với tôi, cuộc sống rất khắc nghiệt, khó khăn”, vì vậy khi thực hiện hành vi tự hủy hoại bản thân (chủ yếu là tự đánh, tự đấm mình), những em này muốn thể hiện thái độ “tôi đau khổ trong im lặng” và “đây là cách để tôi quên đi những ký ức đau buồn” và “thấy chán nản vì cứ thất bại trong việc học hoặc trong cuộc sống”.

Một bộ phận không nhỏ tự hủy hoại bản thân để “giảm sự đau khổ của bản thân”, vì “mối quan hệ không tốt với những người thân trong gia đình”, muốn “quên đi những nỗi đau phải chịu đựng”…

Kết quả này cho thấy, nỗi đau tinh thần là yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất đến hành vi tự hủy hoại bản thân của học sinh, bởi khi không kiểm soát được nỗi đau tinh thần, các em có xu hướng chuyển thành nỗi đau thể xác. Việc làm này một mặt để các em quên đi nỗi đau tinh thần và kiểm soát nỗi đau thể xác đơn giản hơn so với kiểm soát nỗi đau tinh thần.

Từ thực trạng này, nhóm nghiên cứu khuyến cáo cần có biện pháp phòng ngừa ngay từ trong nhà trường, trong đó nổi bật vai trò của phòng tư vấn tâm lý học đường. Người phụ trách công tác tư vấn học đường cần lưu ý những biểu hiện tự hủy hoại bản thân của học sinh như những vết bầm, trầy xước, vết rách trên cơ thể, đặc biệt ở cổ tay; trạng thái mệt mỏi, biếng ăn… để từ đó có phương thức tiếp cận, lắng nghe, quan tâm, đồng cảm với học sinh, hỗ trợ, giúp đỡ các em giải quyết vấn đề.

PGS.TS Huỳnh Văn Sơn nhấn mạnh, việc phát hiện và giúp đỡ kịp thời học sinh có hành vi tự hủy hoại bản thân là một điều cấp thiết. Thực trạng hành vi tự hủy hoại bản thân cho thấy, học sinh lứa tuổi THCS có những biểu hiện nhất định về tinh thần, nếu việc này được giải quyết một cách phù hợp sẽ góp phần phòng ngừa và ngăn chặn hiện tượng này của học sinh THCS trong tình hình hiện nay.

Giật mình khi biết con trẻ muốn tự tử!

Đến một lúc, người lớn chúng ta bàng hoàng lắng nghe tâm sự cay đắng của con em mình. Các em bị trầm cảm nặng đến...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Bạch Dương (Infonet)
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN