Bảng tương tác cần nhưng phải có lộ trình
Đầu tư về cơ sở vật chất là đầu tư dễ bị tiêu cực, dễ không hiệu quả nhất nếu không có lộ trình chuẩn bị lâu dài và rõ ràng.
“Tôi đánh giá cao nỗ lực của TP đã chú ý đến việc trang bị những thiết bị hiện đại này cho các trường. Chúng ta đang hội nhập, để có nền giáo dục tiên tiến thì việc cho học sinh (HS) làm quen với bảng tương tác là công việc cần phải làm”. Đó là chia sẻ của TS Nguyễn Kim Dung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Giáo dục (ĐH Sư phạm TP.HCM), khi trao đổi với Pháp Luật TP.HCM vào chiều 14/11 xoay quanh vấn đề đưa bảng tương tác vào trường học mà TP.HCM đang thực hiện.
TS Nguyễn Kim Dung: Cách đây 10 năm, các nước trên thế giới đã thực hiện rồi và TP.HCM là địa phương rất có lợi về mặt bằng dân trí, điều kiện cơ sở vật chất để áp dụng.
Những lợi ích của bảng tương tác thì tương đối rõ ràng, giúp tăng sự hứng thú cho người học, tạo sự tương tác thầy và trò, có thể lưu trữ dữ liệu như máy tính, có công cụ sử dụng như trên bảng phấn, có thể ghi chép… làm cho tiết học trở nên sinh động hơn. Hiệu quả là như thế, vấn đề ở đây là mức độ sử dụng nó và cách thực hiện nó như thế nào mới là quan trọng.
Theo bà, lợi ích và hạn chế của thiết bị hiện đại này là gì?
Thực ra, lâu nay Việt Nam mình chỉ mới nghe nói thôi chứ chưa có những nghiên cứu cụ thể về hiệu quả, lợi hại của thiết bị này ở từng độ tuổi như thế nào. Bảng tương tác cũng thế, người sử dụng họ chưa hiểu được hết những chức năng, chưa được huấn luyện, sử dụng thành thạo thì mức độ hiệu quả cũng giảm xuống. Và điều quan trọng là bảng tương tác không thể thay thế được vai trò của người thầy và các phương pháp giảng dạy khác như dạy học theo chủ đề, theo dự án, cặp đôi, làm nhóm… Tất cả chúng phải được giáo viên sử dụng linh hoạt trong lớp học chứ không phải lúc nào chúng ta cũng lệ thuộc vào máy móc.
Một tiết học làm quen với bảng tương tác của các cháu ở trường mầm non TP.HCM. Ảnh: CTV
Để phát huy được hiệu quả tốt nhất, cách thức và lộ trình chúng ta thực hiện phải như thế nào, thưa bà?
Kinh nghiệm các nước cho thấy muốn đưa cái gì mới vào giảng dạy, họ phải khảo sát nhu cầu thực tế, thấy cần thì mới mua. Trước khi mua, họ cũng mời công ty tới vài lần để giới thiệu, trình chiếu cho thấy lợi ích thế nào, thậm chí cho trường xài thử một vài tháng trước xem có hiệu quả hay không vì đó là những đầu tư lớn và liên quan trực tiếp đến lợi ích của người dùng. Sau khi đã ổn rồi, họ mới quan tâm đến vấn đề giá cả, mời nhiều công ty về chào hàng, đấu thầu rồi mới quyết định chọn bên nào. Thấy tốt, họ mới soạn một đề cương chi tiết, trình bày cho phụ huynh để có kinh phí thực hiện. Vì những dự án lớn thì cần thời gian chuẩn bị như thế, vừa hiệu quả vừa không gây điều tiếng gì.
TP.HCM đưa bảng tương tác vào sử dụng từ bậc mầm non đến phổ thông nhưng theo bà, ở cấp học nào sử dụng là phù hợp và hiệu quả nhất?
Tôi thấy cấp học nào cũng cần cả, không quan trọng là mầm non hay phổ thông. Mỗi cấp học đều có những nội dung nhất định để sử dụng bảng này nhưng cũng cần để ý mức độ sử dụng. Ví dụ, mầm non chỉ cần học 30 phút/tuần, lên cao hơn, các em sẽ được tiếp xúc nhiều hơn, tùy theo nội dung.
Ngoài ra, mức độ sử dụng còn phụ thuộc vào nội dung môn học, cấp học, phương pháp giảng dạy của giáo viên. Máy móc có hiện đại cỡ nào thì quan trọng vẫn là người sử dụng phải khai thác thế nào, phương pháp ra sao, HS tiếp thu như thế nào… Nếu giáo viên thiếu chuẩn bị, lúng túng sẽ làm tiết học kém hiệu quả. Khi đó, chúng ta không thể đổ thừa cho máy móc được.
Xin cảm ơn bà.
Chủ trương bắt buộc, các quận phải thực hiện Ngày 27/5, Sở GD&ĐT TP.HCM đã có Công văn số 1654/GDDT-KHTC về việc hướng dẫn thực hiện mua sắm thiết bị thuộc đề án “Phổ cập và nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho HS phổ thông và chuyên nghiệp” và đề án “Phổ cập mầm non cho trẻ năm tuổi”. Công văn này căn cứ theo thông báo chỉ đạo số 303/TB-VP ngày 4/5/2013 của Phó Chủ tịch UBND TP Hứa Ngọc Thuận tại cuộc họp về xã hội hóa kinh phí mua sắm trang thiết bị thực hiện hai đề án trên. Công văn nêu: “Năm 2012, Sở đã thực hiện thí điểm trang bị 13 bộ thiết bị dạy học tiếng Anh tại 13 trường tiểu học ở một số quận, huyện và được các đơn vị thụ hưởng, đánh giá tốt, hiệu quả trong giảng dạy. Từ cơ sở trên, Sở GD&ĐT hướng dẫn chi tiết về tiêu chuẩn, chức năng, chủng loại thiết bị và thông số kỹ thuật thiết bị. Về định mức: Các trường mầm non: một bộ/trường, trường tiểu học là ba bộ. Trong đó, ngân sách của UBND TP đã bố trí 50% kinh phí thực hiện các đề án nêu trên trong ngân sách 24 quận, huyện với tổng kinh phí 174.649 triệu đồng. Sở đề nghị các UBND quận, huyện chỉ đạo các bộ phận chức năng phối hợp cùng Phòng GD&ĐT lên phương án thu 50% kinh phí còn lại theo nguyên tắc xã hội hóa, đúng đối tượng và tùy tình hình thực tế của từng quận, huyện. Sở cũng thống nhất chọn UBND quận 5 thực hiện thí điểm và tổ chức đấu thầu công khai mua sắm thiết bị và dựa trên kết quả trúng thầu của đơn vị này để làm cơ sở cho các quận, huyện khác mua sắm trực tiếp. Sau khi trúng thầu, phía công ty sẽ ký hợp đồng trực tiếp với các phòng GD&ĐT để cung ứng bảng tương tác. Phòng GD&ĐT mới chính là đơn vị đầu tư tại từng quận, huyện. Phòng sẽ thông báo và làm việc trực tiếp với các trường học để nắm được trường nào cần và cần với số lượng bao nhiêu để tổng hợp. Phía công ty chỉ dựa vào số liệu đó để xuống lắp đặt trực tiếp cho từng trường và tổ chức tập huấn. Dĩ nhiên, đơn vị trúng thầu sẽ là đơn vị cung ứng hợp pháp và đảm bảo đủ các điều kiện liên quan như thông số kỹ thuật, tính tương thích với chương trình giảng dạy… Còn nếu các trường vì lý do nào đó mà mua bảng này từ đơn vị khác cũng được nhưng các trường phải tìm hiểu và tự chịu trách nhiệm. Bà Hoàng Thị Thúy Nga, Chúng tôi đã tiến hành đấu thầu trong tháng 6 vừa qua theo đúng Luật Đấu thầu để chọn được công ty cung cấp bảng tương tác chính thức cho các trường. Ban đầu có năm đơn vị đăng ký nhưng chỉ có ba công ty tham gia đấu thầu. Các công ty này đều đảm bảo các tiêu chí liên quan đến chất lượng, kỹ thuật… Công ty trúng thầu là Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế AIC. Sau khi trúng thầu, công ty phải thực hiện các trách nhiệm liên quan như cung cấp máy móc, lắp đặt, tập huấn… Bà Võ Ngọc Thu, |