Ảo tưởng thần đồng, cha mẹ đang hại con mà không biết

Nghĩ con mình tài năng, đặt kỳ vọng quá lớn để con sau này thành người tài giỏi, thành công hơn người…, không ít các bậc phụ huynh đã ép con học, “gò” con theo ý muốn mà quên đi sức khỏe, sở thích của con.

Ảo tưởng thần đồng, cha mẹ đang hại con mà không biết - 1

Không ít phụ huynh ảo tưởng về khả năng của con để rồi ép con học nhiều. Ảnh minh họa: T.L

Ảo tưởng

Có một thực tế trong các bậc phụ huynh hiện nay, đó là bất cứ biểu hiện nào của các bé tầm 2 - 5 tuổi đều khiến các mẹ bất ngờ và tự tin là con mình rất thông minh, lý giải về tâm lý của các mẹ. Câu nói “con hát mẹ khen hay” dùng để ám chỉ những phụ huynh ảo tưởng về con, luôn coi con mình là số một và mọi hành động dù là nhỏ cũng trở nên đặc biệt trong mắt bố mẹ.

Thông thường, phụ huynh hay nhầm lẫn, cứ nghĩ rằng trẻ là thần đồng, ví dụ trẻ biết đọc báo sớm, biết tính toán mặc dù chưa đi học. Hoặc trẻ biết hát, có bộc lộ khả năng múa, vẽ… nào đó cũng khiến phụ huynh nghĩ rằng con mình có khả năng đặc biệt, không dạy cũng biết hoặc chỉ dạy qua cũng làm được. Tư duy này khiến các bậc phụ huynh đổ xô mua các loại thực phẩm, chất bổ, đồ chơi, trò chơi, sách vở… cốt sao để con được thông minh như lời quảng cáo.

Lý giải về hiện tượng ảo tưởng của phụ huynh, PGS.TS Nguyễn Võ Kỳ Anh - Trung tâm Nghiên cứu giáo dục phát triển tiềm năng con người cho biết, do xã hội ngày càng phát triển, đời sống được nâng lên, phụ huynh đẻ ít con (chủ yếu là 1 - 2 con) nên rất quan tâm tới sự phát triển của con cái, kỳ vọng và mong muốn con thành người tài, mong muốn này hoàn toàn đúng đắn. Nhưng nhiều phụ huynh thấy con người ta học được thì phải bắt con mình học bằng được. Phụ huynh chạy theo phong trào mà gây áp lực lên con cái.

“Có khá nhiều phụ huynh nghĩ và mong con mình trở thành người tài giỏi, thần đồng nên không tiếc tiền chạy theo quảng cáo, phong trào mà mua đồ chơi đắt tiền cho con trẻ mà chưa nắm tới yếu tố khoa học, sở thích của con, gây lãng phí, mà còn làm cho trẻ chán nản. Nếu hiểu được con, biết được khoa học kích thích tiềm năng của trẻ thì hãy cho trẻ làm quen từ từ, quan sát và phát hiện những khả năng của trẻ. Đừng vì muốn con giỏi Toán như GS Ngô Bảo Châu mà bắt con học Toán, hay con phải giỏi Tiếng Anh như thần đồng Đỗ Nhật Nam mà “nhồi” ngoại ngữ cho con” - PGS Nguyễn Võ Kỳ Anh chia sẻ.

Yêu con quá hóa hại con

Theo các chuyên gia tâm lý giáo dục, hiện tượng phụ huynh ảo tưởng về con cái như thần đồng là không tốt một chút nào. Từ lầm tưởng đến việc khoe ban đầu khiến con rất thích, nhưng lâu dần sẽ gây áp lực cho con. Các các phụ huynh là những người biết, hiểu rất rõ về con mình nhưng cố tình quên điều này.

Áp lực của cái mác “thần đồng” nào đó khiến phụ huynh luôn bắt con phải học nhiều hơn, làm nhiều hơn điều mà phụ huynh cho là “phi thường”. Trẻ bị ép chạy sô đi học thêm, học năng khiếu cũng từ đó mà ra.

Để trẻ không bị áp lực, PGS.TS Nguyễn Võ Kỳ Anh đưa ra lời khuyên, phụ huynh có thể kích thích não bộ của trẻ từ giai đoạn 0 - 6 tuổi, để có hướng giáo dục sớm. Phụ huynh phải biết cách dạy trẻ học. Học ở đây không phải là dạy chữ, dạy phát triển ngoại ngữ mà tác động để trẻ phát triển theo hướng thông minh, tài năng.

Điều cần nhất trong xã hội hiện nay là giáo dục nên những con người thông minh, tài năng chứ không phải là thần đồng, thiên tài. Chúng ta cũng cần giáo dục con cái biết yêu thương, chia sẻ và giúp đỡ người khác.

Chỉ ra một thực tế trẻ em hiện nay ngày càng chịu nhiều áp đặt từ phụ huynh, PGS. TS Nguyễn Hồi Loan (ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết: “Cha mẹ ảo tưởng về con khiến trẻ quá tự kiêu, luôn nghĩ mình là số 1, trẻ tự cô lập hoặc bị cô lập bởi bạn bè. Khi trẻ lớn lên, khả năng đó dần bị mai một, thường rất thất vọng và đổ lỗi cho con mình lười, con có tố chất nhưng con không chịu cố gắng. Và cuối cùng, gây áp lực rất nhiều cho con trong chuyện học hành, cái đấy chính là tiền đề của bệnh thành tích”.

Theo số liệu của Khoa Tâm lý - Tâm thần trẻ em (Bệnh viện Tâm thần TP.HCM), trong năm 2015 có 33.250 lượt bệnh nhân trẻ em (từ 17 tuổi trở xuống) đến đây khám và điều trị, tăng hơn năm trước khoảng 1.000 ca. Trong đó, có 1.800 ca bị rối loạn cảm xúc, rối loạn lo âu do những căng thẳng liên quan đến học tập, gia đình...

Đây là một thực tế đáng báo động, điều này cho thấy học sinh hiện nay chịu nhiều áp lực từ học tập, một phần nguyên nhân cũng từ bệnh thành tích trong giáo dục và những kỳ vọng thái quá của một số phụ huynh.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quang Anh (Gia đình & Xã hội)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN