5 hiệu trưởng từ chức: Áp dụng cả lãnh đạo cao hơn

Ngành GD-ĐT Hà Đông đã tham mưu miễn nhiệm 5 hiệu trưởng theo “văn hóa từ chức” xuống làm phó hiệu trưởng và luân chuyển đi đơn vị khác do yếu kém về năng lực quản lý, chưa quy tụ được quần chúng, để xảy ra nội bộ mất đoàn kết kéo dài, chất lượng giáo dục không chuyển biến.

Nhiều ý kiến cho rằng, đây là tín hiệu tốt cho văn hóa từ chức ở Việt Nam và chúng ta cần được nhân rộng trong cả nước để đơn vị nào, ngành nào cũng có văn hóa từ chức. Người giữ chức vụ làm hết trách nhiệm khi ngồi ở vị trí nào đó. Nếu làm sai và không hết trách nhiệm, năng lực không đủ thì nên xin từ chức…

Trao đổi với PV, ông Phan Đăng Long – Phó Ban tuyên giáo thành ủy Hà Nội cho rằng, việc từ chức ở ngành giáo dục quận Hà Đông là việc làm đáng hoan nghênh. Nhưng điều đáng bàn ở đây là cũng có nhiều trường hợp từ chức, chúng ta phải xem lại họ từ chức có văn hóa hay không? Phải xem có động cơ như thế nào, người ta từ chức vì vấn đề gì?

Ở đây miễn nhiệm 5 hiệu trưởng theo “văn hóa từ chức” xuống làm phó hiệu trưởng và luân chuyển đi đơn vị khác do kém năng lực quản lý, chất lượng giáo dục không chuyển biến.

Theo ông Long, có những người từ chức rất có thể bị phê phán vì họ đủ năng lực, trách nhiệm ở vị trí đó nhưng lại từ chức thì đáng lên án. Còn có những trường hợp xin từ chức do không đủ năng lực, kinh nghiệm giữ chức đó thì chúng ta nên biểu dương, hoan nghênh.

Được biết, điều này không chỉ áp dụng với các cơ sở trường học mà lãnh đạo cấp cao hơn cũng phải chịu trách nhiệm tương tự. Nếu trong 2 năm thực hiện đề án của Quận ủy mà chất lượng giáo dục Hà Đông không chuyển biến thì trách nhiệm thuộc về Phó chủ tịch phụ trách khối văn xã, người này sẽ từ chức.

5 hiệu trưởng từ chức: Áp dụng cả lãnh đạo cao hơn - 1

Ông Phan Đăng Long – Phó Ban tuyên giáo thành ủy Hà Nội

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết nêu quan điểm, ở nhiều nước trên thế giới, người ta phải từ chức vì bên cạnh việc muốn thể hiện lòng tự trọng, tinh thần trách nhiệm đối với công việc của mình, đối với đất nước, đối với nhân dân thì còn vì một lý do nữa.

Đó là nếu không từ chức thì đằng nào cũng bị cách chức. Cho nên, pháp luật vẫn là tối thượng. Chế tài pháp luật là điều mà trước tiên phải được xem xét, tôn trọng và nhìn nhận. Tất cả mọi người đều phải nghĩ đến cuộc sống của mình và lo cho mình.

Tinh thần “phê bình và tự phê bình” được thực hiện nghiêm túc đã dẫn đến kết quả như vậy. Tuy nhiên, nhiều người đã không thực hiện nhiệm vụ, thậm chí có những sai phạm lớn mà vẫn không chịu từ chức. Điều này chứng tỏ “phê bình và tự phê bình” chưa được thực hiện tốt.

Ở những nước văn minh và dân chủ, những người được giao trách nhiệm và thấy mình không đủ sức khỏe hoặc năng lực để đảm nhận công việc, hoặc khi phải chịu trách nhiệm về những sai phạm lớn trong công việc mình phụ trách thì họ từ chức.

Việt Nam có những thể chế, luật pháp đặc thù riêng, vì vậy việc đề bạt, thăng chức, cách chức, phê chuẩn từ chức của một cán bộ lãnh đạo nào đó phải trải qua nhiều quy trình. Trong tương lai, Việt Nam nên hình thành văn hóa từ chức mở rộng dưới nhiều hình thức khác nhau.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Hiếu (Infonet.vn)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN