34 ngàn tỷ: Bộ GD&ĐT có chấp nhận cạnh tranh SGK?
Bộ nên chấp nhận có nhiều bộ SGK của nhiều nhóm tác giả để cạnh tranh và những bộ sách này phải được Hội đồng khoa học thẩm định về giáo dục, chứ Bộ không thể tự xây dựng chương trình khung rồi tự biên soạn.
Trao đổi với PV Infonet, Thạc sỹ Lê Xuân Trung – Hiệu trưởng Trường THPT Lê Lợi nêu quan điểm: “ Không chỉ cá nhân tôi mà nhiều người khác để đổi mới chương trình sách giáo khoa (SGK), chỉ cần chi phí 10% số tiền 24 ngàn tỷ là có thể làm được.
Đây không phải là lần đầu tiên Bộ thực hiện đổi mới SGK, mà trước đó, mà đến nay đã có tới 3 lần Bộ đổi mới SGK và biên soạn chương trình SGK, tuy nhiên, tại mỗi thời điểm đổi sách thì có giá thị trường khác nhau.”
Thay đổi sách làm sao sát với điều kiện kinh tế, xã hội, văn hóa phong tục
Theo Thạc sỹ Lê Xuân Trung, Đề án đổi mới SGK, Bộ nên chấp nhận cùng một lúc có nhiều bộ SGK của nhiều nhóm tác giả để cạnh tranh, tuy nhiên, những bộ sách này phải được Bộ thẩm định dưới góc độ về khoa học giáo dục.
Vì vậy, không nhất thiết chỉ có một bộ SGK duy nhất và càng không nên để Bộ xây dựng chương trình ban hành chương trình khung, rồi tổ chức biên soạn SGK, làm như vậy sẽ không có tính minh bạch, tính thuyết phục và càng gây tốn kém lãng phí.
Nội dung của đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, qua nghiên cứu các nội dung đổi mới tôi thấy phù hợp là đúng đắn. Tuy nhiên, đổi mới thế nào, ra sao để có hiệu quả là vấn đề cần bàn, việc trước tiên hết sức quan trọng là nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo.
Theo thầy Trung, Bộ nên chấp nhận có nhiều bộ SGK tồn tại, nhưng phải được thẩm định.
Vì vậy, đổi mới đầu tiên là phải thay đổi tư duy nhận thức của nhà quản lý và đội ngũ thầy cô giáo, so với yêu cầu giáo dục, yêu cầu đổi mới thì họ cần phải được đào tạo lại bài bản, để thay đổi nhận thức thì lúc đó mới có thể thay đổi sách giáo khoa.
Ông Trung kiến nghị: “Việc đổi mới SGK Bộ làm sao tiến dần tiệm cận của các nước trên thế giới, tương đồng với nước chúng ta. Đồng thời làm sao Bộ tính đến việc đổi mới sách gần gũi với văn hóa, với các điều kiện kinh tế, xã hội để chọn lọc và xây dựng được chương trình khung và những bộ SGK phù hợp với nền giáo dục VN và tương đồng, phù hợp với sự phát triển các nước trên thế giới.”
“Các quốc gia trên thế giới cứ 10 sẽ đổi mới SGK một lần, đó là sự chỉnh sửa, bổ sung không những chương trình và sách mà còn chỉnh sửa chương trình, thay đổi nhận thức. Khác với Việt Nam, các nước giáo dục tiên tiến cùng một lúc có rất nhiều bộ sách, lẽ dĩ nhiên là Hội đồng khoa học nước đó thẩm định sách có đủ điều kiện, đủ tiêu chuẩn để đưa vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục và theo khung chuẩn do nhà nước đó ban hành.” – Thầy Trung nói.
"Khác với chúng ta, các nước tiên tiến trên thế giới họ xây dựng chương trình và SGK gắn liền với thực tiễn, thực hành…
Vì vậy học sinh họ đào tạo ra, hội tụ đủ các yếu tố trở thành nguồn lao động đáp ứng yêu cầu của quốc gia họ, và còn xuất khẩu lao động để thu ngoại tệ về cho nước họ. Những nước đó, không xa với chúng ta đó là Singapore, Malaysia, Thái Lan… để chúng ta học tập và tham khảo", ông Trung nói.