3 con gái lớn lên đều thành công và giàu có nhờ bí quyết nuôi dạy con xuất sắc của mẹ

Sự kiện: Giáo dục

Không phải ngẫu nhiên mà 3 cô con gái đều trở thành những người tài năng, nổi tiếng, mà do bà đã chủ động áp dụng những phương pháp nuôi dạy con một cách khoa học của chính mình.

Esther Wojcicki (73 tuổi) là một nhà báo, nhà giáo dục nổi tiếng người Mỹ. Bà là phó Chủ tịch cố vấn của Creative Commons, tổ chức phi lợi nhuận của Mỹ dành cho việc tiếp cận giáo dục.

Wojcicki tốt nghiệp Đại học danh giá California (Berkeley, Mỹ) với bằng tiếng Anh và khoa học chính trị. Bà là người sáng lập chương trình Nghệ thuật truyền thông của trường Trung học Palo Alto ở Mỹ và là người đồng sáng lập Tract Learning Inc, công ty nổi tiếng với một ứng dụng học tập dành cho trẻ em từ 8 tuổi trở lên.

Chồng của Esther Wojcicki là giáo sư vật lý Stanley Wojcicki của Đại học Stanford, Mỹ. Cặp đôi sinh được 3 cô con gái và đều có sự nghiệp rất thành công là: Susan (CEO của YouTube); Janet (giáo sư Nhi khoa - nhà nhân chủng học từng đoạt giải Fulbright) và Anne (người đồng sáng lập 23andMe, công ty công nghệ sinh học và gen cá nhân) có trụ sở tại Nam San Francisco, California, Mỹ.

Esther Wojcicki và 3 cô con gái xuất sắc của mình

Esther Wojcicki và 3 cô con gái xuất sắc của mình

Không phải ngẫu nhiên mà 3 cô con gái của bà đều trở thành những người tài năng, nổi tiếng, mà là do bà đã chủ động áp dụng những phương pháp nuôi dạy con một cách khoa học của chính mình.

Tôn trọng con người thật của các con

Bà Esther Wojcicki cho rằng điều đầu tiên cha mẹ cần lưu ý khi dạy con là tôn trọng con người, tính cách và để trẻ phát triển tự nhiên.

Ví dụ, 3 con gái của bà Wojcicki có cá tính, cách suy nghĩ riêng. Con gái lớn Susan là người nhạy cảm và sẵn sàng giúp đỡ mọi người. Con gái thứ hai Janet là người tò mò và giàu năng lượng. Con gái út Anne rất thông minh và cuốn hút. Những cô gái nhà Wojcicki luôn tự do và được cha mẹ tôn trọng sở thích, ý kiến.

Dạy con biết tự quyết

Có một thực tế đã trở thành luật bất thành văn: mỗi người sẽ dạy con họ theo cách họ được cha mẹ mình dạy dỗ. Nhưng ở trường hợp của bà Esther Wojcicki, điều này có khác.

Sinh ra trong một gia đình Do Thái giáo chính thống vào những năm 1950, bà Esther Wojcicki trải nghiệm sâu sắc cái gọi là quan niệm trọng nam khinh nữ trong chính nhà mình. Từ tuổi lên 5, cha bà đã nói con trai quan trọng hơn con gái và suốt thời niên thiếu, bà luôn bị cha đối xử bất công so với chính em trai của mình.

Nhưng bù lại, bà có một người mẹ rất mực hiền hậu và yêu thương các con. Ở tuổi 18, bà phản đối việc kết hôn theo ý cha để học tiếp lên đại học, phá bỏ quan niệm phụ nữ chỉ nên là người của gia đình và quẩn quanh trong xó bếp.

Tất cả những trải nghiệm riêng khiến khi đã làm mẹ của 3 cô con gái, bà Esther Wojcicki đã nỗ lực trở thành một bản sao của người mẹ tuyệt vời, tạo quan hệ bình đẳng với các con, tránh hết mức những quan niệm kỳ thị giới giống như những gì từng chứng kiến ở người cha.

Một trong những chuyện đáng kể nhất để tránh khỏi vết xe đổ của cha là bà thường dạy các con luôn biết tự kiểm soát cuộc sống của mình bằng việc biết đưa ra những lựa chọn, nói cách khác là biết tự ra quyết định trong các vấn đề của mình.

Bà gây dựng năng lực này bằng cách đặt ra cho chúng những câu hỏi kiểu như: "Con thích quả chuối hay quả cam hơn?", hay "Con muốn ngồi vẽ tranh hay chạy ra sân chơi?"... Những câu hỏi thoạt như không quan trọng, song với bà Esther Wojcicki, là sự cắt đứt quan trọng với những ám ảnh về kỳ thị giới bà từng trải qua thời thơ ấu.

Esther Wojcicki nổi tiếng về cách nuôi dạy con tuyệt vời

Esther Wojcicki nổi tiếng về cách nuôi dạy con tuyệt vời

Không làm hộ con

"Có nhiều quy tắc nuôi dạy con cái mà tôi tuân theo từ khi còn là một bà mẹ trẻ. Điều số một của tôi là: Đừng làm bất cứ điều gì cho con bạn khi mà chúng có thể tự làm được", nhà báo Esther Wojcicki nói.

Theo nhà báo Esther Wojcicki, cha mẹ cần ngừng nuông chiều con cái bởi "bạn càng tin tưởng con mình có thể tự làm mọi việc, chúng sẽ càng được trao quyền nhiều hơn. Điều quan trọng là bắt đầu dạy con thực hành có sự hướng dẫn của cha mẹ theo phương pháp: "Bố mẹ làm, con làm, chúng ta cùng làm".

Các bậc cha mẹ có thể thử áp dụng phương pháp này với tất cả các loại hoạt động đơn giản hàng ngày:

Yêu cầu con tự đặt báo thức và thức dậy hàng sáng.

Tự chọn trang phục để mặc ra đường.

Bữa sáng/trưa/tối: Giao cho trẻ những công việc đơn giản như khuấy bột làm bánh, rửa bát đĩa và dọn bàn ăn.

Chuẩn bị sẵn ba lô đi học: Yêu cầu con xem qua danh sách những thứ con cần mang theo vào ngày hôm đó.

Lập kế hoạch: Hãy để con nghĩ ra các hoạt động cuối tuần hoặc sau giờ học.

Kiểm tra bài tập về nhà: Không đúng 100% câu trả lời cũng không sao. Hãy để con học hỏi từ những sai lầm.

Giao việc vặt cho con là đặc biệt quan trọng. Nếu con còn nhỏ, bạn có thể bắc ghế để con đứng trên ghế rửa bát.

Khi đi siêu thị, yêu cầu con tự chọn hoa quả. Con phải chọn ra những quả tốt theo hướng dẫn của bố mẹ.

Nếu buổi đi mua sắm đã vượt quá "ngân sách", đề nghị con giúp bố mẹ quyết định nên bỏ lại những món đồ gì.

Nuôi dạy con cần nhiều nỗ lực từ cha mẹ

Nuôi dạy con cần nhiều nỗ lực từ cha mẹ

Đừng lo lắng về sự hoàn hảo

Bà Esther mong các con tự xếp chăn gối mỗi sáng. Dù chiếc giường do con trẻ dọn có thể trông như thể chúng vẫn đang ngủ trong đó, nhưng bà không bao giờ đòi hỏi các con phải xếp vuông vức, đẹp đẽ. "Chỉ cần chúng làm được hàng ngày là tôi vui rồi", bà bày tỏ.

"Thông thạo có nghĩa là làm điều gì đó nhiều lần đến mức cần thiết để làm cho đúng. Một giáo viên dạy viết đã dạy tôi điều này", Esther phân tích.

Bà kể lại thời còn đứng lớp. Theo quan niệm vào những năm 80 và 90, một giáo viên giỏi là người cho đề bài khó đến mức đánh trượt nhiều học sinh. Nhưng những đứa trẻ bị điểm kém trong bài kiểm tra đầu tiên của Esther cảm thấy không thể cố gắng và mất động lực để cải thiện vì chúng đã tụt lại rất xa so với xuất phát điểm của bạn bè.

Esther đã cho những học sinh này cơ hội để sửa lại bài luận bao nhiêu lần tùy thích. Điểm số dựa trên sản phẩm cuối cùng. Đến ngày kiểm tra thật, học sinh của bà đã đạt điểm 90/100 trong các kỳ thi cấp tiểu bang. "Chính sự học hỏi và làm việc chăm chỉ là điều tôi muốn thấy từ học sinh, chứ không phải việc đạt điểm cao ngay từ đầu", Esther cho hay.

Tin tưởng con

Bà Esther Wojcicki tin rằng sự tin tưởng là điều cần thiết trong quá trình nuôi dạy con. Khi được cha mẹ đặt niềm tin, trẻ sẽ có thêm động lực, sức mạnh để hoàn thành nhiệm vụ và học cách trưởng thành. Nếu cha mẹ không tin tưởng con, quá trình trưởng thành của trẻ sẽ gặp khó khăn, chúng khó trở thành một người độc lập.

Esther Wojcicki là tác giả cuốn sách bán chạy nhất “How to Raise Successful People” (Tạm dịch: Cách nuôi dạy những người thành công).

Esther Wojcicki là tác giả cuốn sách bán chạy nhất “How to Raise Successful People” (Tạm dịch: Cách nuôi dạy những người thành công).

Khơi dậy sự tử tế

Con trẻ thường quen với tình yêu thương của cha mẹ và dần có xu hướng cho đó là điều hiển nhiên, không biết cách tôn trọng. Cha mẹ nên cho trẻ hiểu cuộc sống hạnh phúc là khi cho đi và nhận lại sự tử tế. Ví dụ, cha mẹ có thể để trẻ giúp đỡ mình, sau đó dành cho chúng những cái ôm và lời cảm ơn. Qua đó, trẻ sẽ hiểu được điều tuyệt vời nhất chính là giúp đỡ và quan tâm người khác.

Trẻ con thông minh hơn bạn nghĩ

Esther nhấn mạnh, bà không nói rằng, phụ huynh nên bắt con làm những việc chúng không thể hiểu hoặc không có khả năng, hay để con chơi trên đường phố nếu không an toàn, hoặc yêu cầu con tự đi bộ đến cửa hàng nếu đó là nơi an ninh kém.

Ý tưởng bà Esther hướng tới là dạy con cái cách đương đầu với những gì cuộc đời bất ngờ ném vào chúng. Một trong những bài học quan trọng nhất mà bà đã dạy các con là: "Điều duy nhất con có thể kiểm soát là cách phản ứng với mọi việc".

"Khi bạn tin tưởng để con trẻ đưa ra quyết định và tôn trọng điều đó, chúng sẽ bắt đầu cảm thấy gắn kết với cha mẹ hơn, tự tin và được trao quyền tự quyết. Một khi điều đó xảy ra, con bạn có thể tiến rất xa", Esther bày tỏ.

Nguồn: [Link nguồn]

Tương lai một đứa trẻ ra sao phụ thuộc rất lớn vào cách giáo dục của gia đình. Trong cuộc sống hàng ngày, có những việc làm của cha mẹ có thể tác động rất lớn đến của con cái.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tường Vy ([Tên nguồn])
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN