2013: Nhiều trường thay đổi cách tuyển sinh

Tách chuyên ngành thành ngành riêng, mở thêm ngành mới, tuyển bằng cả thi và xét tuyển, bỏ tuyển sinh CĐ... là một số điểm đáng lưu ý trong dự kiến tuyển sinh năm 2013 của các trường ĐH.

Theo thông tin từ các trường ĐH, chỉ tiêu tuyển sinh dự kiến năm 2013 giữ nguyên như năm 2012, thậm chí có trường cắt giảm chỉ tiêu. Một số trường đề xuất tăng chỉ tiêu tuyển sinh nhưng số lượng tăng không đáng kể. Tại ĐH Quốc gia TP.HCM, các trường ĐH Bách khoa, Khoa học xã hội và nhân văn đề xuất tăng thêm 50 chỉ tiêu, riêng Trường ĐH Kinh tế - luật đề xuất mức tăng nhiều hơn.

Các trường ĐH lớn tại TP.HCM như: Kinh tế, Sư phạm, Khoa học tự nhiên, Luật, Sư phạm kỹ thuật, Giao thông vận tải... đều giữ chỉ tiêu như năm trước. Một số trường dự kiến tăng chỉ tiêu như ĐH Công nghiệp TP.HCM dự kiến tăng 500 chỉ tiêu bậc ĐH, Hoa Sen tăng 200 chỉ tiêu, Nông lâm TP.HCM tăng 550 chỉ tiêu.

2013: Nhiều trường thay đổi cách tuyển sinh - 1

Thí sinh nộp hồ sơ đăng ký dự thi vào Trường đại học Tài chính - marketing năm 2012. Năm 2013, trường sẽ không tuyển sinh bậc CĐ - Ảnh: Như Hùng

Thay đổi cách tuyển

"Các trường chạy theo số lượng trong khi cơ sở vật chất thuê mướn, đội ngũ không phát triển kịp đồng nghĩa với dịch vụ cung cấp không tốt. Khi đó, người học sẽ tự sàng lọc và đào thải những đơn vị như vậy"

TS Nguyễn Tiến Dũng (Trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM)

Tại Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, mặc dù tổng chỉ tiêu tăng, nhưng một số ngành có nhu cầu xã hội ít bị cắt giảm chỉ tiêu so với năm 2012 như ngành dược thú y, công nghệ rau quả, bản đồ học, quản lý đất đai...

Trong khi đó, PGS.TS Hoàng Trần Hậu - hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính marketing - cho biết chỉ tiêu dự kiến năm 2013 của trường là 4.000, bằng năm 2012. Tuy nhiên, năm 2013 trường sẽ không tuyển sinh bậc CĐ, chỉ còn tuyển sinh bậc ĐH.

Một lãnh đạo Trường ĐH Tây Đô (Cần Thơ) cho biết dự kiến năm 2013 trường sẽ tuyển sinh theo hai hình thức thi tuyển và xét tuyển thay vì chỉ xét tuyển như trước đây.

Việc thi tuyển sẽ giúp trường chủ động hơn trong nguồn tuyển cũng như thí sinh sẽ thuận lợi hơn trong việc chọn trường học ngay từ đầu, không phụ thuộc vào việc thi nhờ ở trường khác như các năm qua.

Không thay đổi về phương thức tuyển sinh nhưng một số trường đã chia tách nhóm ngành, mở thêm ngành mới giúp thí sinh có thể lựa chọn chính xác hơn ngành học mình mong muốn.

Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM) chia tách lại một số chuyên ngành nằm trong các nhóm ngành theo hướng tập trung hơn. Chẳng hạn, nhóm ngành công nghệ hóa - thực phẩm - sinh học sẽ được phân chuyên ngành cụ thể hơn với các chuyên ngành thực phẩm, công nghệ sinh học và kỹ thuật hóa học, không còn chung chung như năm trước.

Trong khi đó, PGS.TS Hồ Thanh Phong - hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế (ĐHQG TP.HCM) - cho biết năm 2013, trường đề xuất tăng 100 chỉ tiêu so với năm 2012. Trong đó, trường tuyển sinh ngành mới là kỹ thuật tài chính và quản lý rủi ro - trường đầu tiên đào tạo bậc ĐH ngành này tại VN - đồng thời đang xin phép mở thêm ngành dược để có thể tuyển sinh trong kỳ tuyển sinh tới.

Nhiều trường ĐH khác cũng được phép tuyển sinh ngành mới hoặc trong quá trình hoàn thành hồ sơ mở ngành. Mặc dù giữ nguyên chỉ tiêu như năm 2012 nhưng Trường ĐH Kinh tế TP.HCM sẽ tuyển mới ba ngành đào tạo. ThS Nguyễn Văn Đương - phó phòng đào tạo Trường ĐH Kinh tế TP.HCM - cho biết các ngành mới gồm kinh doanh quốc tế, marketing (trước đây là chuyên ngành của ngành quản trị kinh doanh) và kiểm toán (tách ra từ ngành kế toán - kiểm toán).

Trường ĐH Luật TP.HCM đang lấy ý kiến về chương trình đào tạo ngành ngôn ngữ Anh - chuyên ngành tiếng Anh pháp lý dự kiến tuyển sinh trong năm 2013. Trường ĐH Hoa Sen sẽ tuyển mới ngành kỹ thuật phần mềm, đồng thời đang xin mở mới hai ngành thiết kế nội thất và quản trị công nghệ môi trường. Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM cũng xin phép mở mới ngành thương mại điện tử trong kỳ tuyển sinh năm 2013.

Hết thời chạy theo số lượng


Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết khi xác định chỉ tiêu năm 2012, hơn 100 trường ĐH, CĐ đã bị yêu cầu điều chỉnh số chỉ tiêu vượt năng lực. Đây có lẽ là giải pháp thiết thực để hạn chế các trường, nhất là các trường ngoài công lập, chạy theo số lượng để tăng nguồn thu cho mình.

Thông tin từ các trường cho thấy chỉ tiêu tuyển sinh năm 2013 do các trường đề xuất đa số đều không tăng so với năm 2012, kể cả nhiều trường ngoài công lập, thậm chí có trường cắt giảm chỉ tiêu.

Theo lý giải của các trường, việc không tăng chỉ tiêu nhằm ổn định và nâng cao chất lượng đào tạo. PGS.TS Phạm Bá Phong - hiệu trưởng Trường ĐH Yersin - cho biết trường dự kiến chỉ tiêu năm 2013 sẽ giảm 200 so với các năm trước.

“Năm nay trường chỉ đề xuất 700 chỉ tiêu cho cả bậc ĐH và CĐ, thay vì 900 như mấy năm trước. Thực tế mấy năm gần đây trường không tuyển đủ chỉ tiêu nên chủ động cắt giảm chỉ tiêu để tập trung vào việc nâng cao chất lượng đào tạo” - ông Phong chia sẻ.

Cùng quan điểm này, PGS.TS Hoàng Trần Hậu nhấn mạnh: xu hướng trường ĐH không đào tạo bậc thấp hơn là tất yếu nhằm tập trung nguồn lực cho bậc đào tạo chính. Chính vì điều này mà trường đã chủ động ngưng tuyển sinh bậc CĐ để tập trung cho các bậc đào tạo cao hơn.

ThS Nguyễn Văn Đương cho biết từ chỉ tiêu 5.500 trước đây, trường đã chủ động giảm xuống 4.500, hai năm gần đây giữ ở mức 4.000. Trường cân nhắc các điều kiện giảng viên, cơ sở vật chất để nâng cao chất lượng thay vì số lượng.

Theo TS Nguyễn Tiến Dũng - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, từ năm 2006 đến nay trường luôn giữ ổn định chỉ tiêu tuyển sinh, không tăng thêm để tăng cường nâng cao chất lượng đào tạo.

Hiện nay người học chọn trường nào để học không chỉ để nhận kiến thức mà còn có chất lượng và các dịch vụ kèm theo. Khi các trường chạy theo số lượng trong khi cơ sở vật chất thuê mướn, đội ngũ không phát triển kịp đồng nghĩa với dịch vụ cung cấp không tốt. Khi đó, người học sẽ tự sàng lọc và đào thải những đơn vị như vậy.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Minh Giảng (Tuổi Trẻ)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN