'Vua ca Đài phát thanh' Điền Tử Lang: Qua cơn bạo bệnh, U80 hát không catse, trông tiền boa của khách
Nghệ sĩ Điền Tử Lang từng được mệnh danh "Vua ca Đài phát thanh", tuổi xế chiều nhiều bệnh nền, từng tai biến. Hiện, hai vợ chồng sống eo hẹp bằng thu nhập từ việc đi hát ở quán nhậu.
Điền Tử Lang: chất giọng "đồng pha thổ" đến "Vua ca Đài phát thanh"
Nghệ sĩ Điền Tử Lang tên thật là Trần Văn Sáu (sinh năm 1943), tại quê hương Mỏ Cày, Bến Tre. Ông lên Sài Gòn theo nghiệp đờn ca tài tử. Ngày ông rời quê mới tròn 15 tuổi, với vốn liếng là 20 bài bản Tổ do nghệ nhân Hai Que truyền dạy. Khi đó, hàng ngày ông phải đi làm thêm nhiều để có điều kiện học hành, theo đuổi đam mê ca hát. Năm 20 tuổi anh được nghệ sĩ Thành Công giới thiệu vào ca Đài phát thanh từ đó trở thành danh ca của đài suốt mấy mươi năm sau.
Nghệ sĩ Điền Tử Lang có chất giọng rất độc đáo, mà giới chuyên môn nhận xét đó là chất giọng "đồng pha thổ". Chất giọng của ông có âm vực rộng, thấp, nhưng rất dày, là một chất giọng hiếm, khác với giọng đồng trong cao như: NSND Út Trà Ôn, NSND Minh Vương. Đây không phải là giọng ca có giá trị thương mại để kinh doanh băng đĩa, giọng hát này dành cho những người sành điệu biết thưởng thức sự nhẹ nhàng, êm dịu, sâu lắng thích hợp cho những cuộc chơi đờn ca, tao nhã, thanh lịch. Nhờ vậy ông ca vọng cổ rất mùi mẫn, vuốt câu rất nhẹ nhàng không cần cố sức, phát âm rõ chữ và da diết trong từng câu ca.
Nghệ sĩ Điền Tử Lang
Trong suốt chặng đường trên 50 năm gắn bó với nghề, ông thường xuyên thu âm và tiếng ca của ông được phát sóng thường xuyên trên Đài phát thanh. Ông từng được báo chí Sài Gòn trước năm 1975 bầu chọn là "Vua ca Đài phát thanh", với hơn 2.000 bài ca cổ, hàng ngàn bài bản cải lương.
Ông được đoàn Thủ Đô mời về diễn vai kép chánh với nghệ sĩ Kiều Lệ Mai, sau đó ông cộng tác với đoàn Ánh Chiêu Dương của NSND Nguyễn Thành Châu. Ông từng được khán giả yêu mến qua vai Thi trong vở "Khi người điên biết yêu". Kỷ niệm sâu sắc nhất trong đời nghệ sĩ của ông là khi về đoàn Tân Hoa Lan, được hát chánh với "Sầu nữ" Út Bạch Lan trong vở cải lương "Vụ án kẻ ngoại tình" của tác giả Lê Khanh.
Sau ngày đất nước thống nhất ông công tác tại các sân khấu: Sống Chung, Sài Gòn 2, Sài Gòn 3, Văn Công thành phố, Nhà hát Trần Hữu Trang... Dù chỉ diễn các vai phụ, thường xuyên được giao vai lão mùi, những vai diễn của ông đều để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng khán giả mộ điệu.
Ông tiếp tục gắn bó với chương trình ca cổ, cải lương của Đài Tiếng nói Nhân dân TP HCM. Tác giả Trần Nam Dân lúc đó luôn dành cho ông sự yêu mến đặc biệt, nên những sáng tác của tác giả này đều có sự đóng góp của ông. Cả hai đã hợp tác rất thành công trong vở cải lương hài "Ong cắn". Từ đó, nghệ sĩ Điền Tử Lang "chết tên" khi khán giả nghe đài gọi ông bằng cái tên nhân vật "Tám Lúc Lắc".
NSND Ngọc Giàu từng nhận xét, có thể nói, nghệ sĩ Điền Tử Lang là giọng ca có tuổi thọ rất dài, cho tới những năm sau này ông vẫn sống được bằng cát sê đi hát của mình. "Tận tụy, yêu nghề và hết lòng với đồng nghiệp là một điều đáng quý khi nhắc về Điền Tử Lang" - NSND Ngọc Giàu nói.
Nghệ sĩ Điền Tử Lang là tấm gương cho sự cần cù, bền bỉ, lặng lẽ, mà lực diễn rất mãnh liệt. Ông có nhiều sáng tạo trong cách ca, diễn để thế hệ nghệ sĩ trẻ noi theo.
Nghệ sĩ Điền Tử Lang ở tuổi 80
Điền Tử Lang: Qua cơn bạo bệnh, xế chiều đi hát không catse, trông vào tiền boa của khách
Đến nay, ở tuổi U80, nghệ sĩ Điền Tử Lang sống cùng bà xã Phương Hồng Yến tại căn nhà nhỏ ở quận Bình Thạnh. Bà xã nam nghệ sĩ cũng từng là ca sĩ được yêu mến một thời, cùng "lò" với nhiều nghệ sĩ như: Phương Hồng Ngọc, Phương Hồng Quế… Do mắc bệnh tim, từng nằm viện 5 năm điều trị nên hiện giờ bà không thể hát như trước. Cả hai có 5 người con, nhưng ở tuổi xế chiều, hai nghệ sĩ quấn quýt, nương tựa nhau, các con đôi khi hỗ trợ một chút vì đều đã có gia đình riêng.
Hồi tháng 5/2022, chia sẻ với nhóm "Ngũ long du ký" (Phi Phụng, Phương Dung, HH Diễm Hương,...), tuổi 80, nghệ sĩ Điền Tử Lang tiết lộ ông vẫn đi hát, chỉ cần không ốm thì ông vẫn đi hát mỗi đêm ở quán nhậu quận 5 để trang trải cuộc sống. Dù vậy, ông cho biết cuộc sống nhiều phen chật vật do kinh tế khó khăn, nhất là giai đoạn dịch COVID-19.
"Đến giờ, tôi vẫn đi làm, vẫn đi hát mỗi đêm. Mùa dịch vừa rồi thì không hát được, nghỉ là đói. Con cái thỉnh thoảng cũng bù đắp nhưng cũng khó khăn vì tụi nó phải lo vợ con…", ông nói.
Vợ chồng NS Điền Tử Lang, dù tuổi già đôi lúc thiếu thốn nhưng cả hai vẫn quấn quýt, nương tựa bên nhau
Chia sẻ về catse đi hát, nghệ sĩ Điền Tử Lang cho biết, không gọi là catse mà chính xác thì gọi là thu nhập vì số tiền đi hát không ổn định mà hoàn toàn do lòng hảo tâm của khán giả. "Lúc trước thì đỡ, còn bây giờ vô chừng lắm. Không thể gọi là catse vì không có ai trả lương, chỉ khách gửi tiền boa thôi. Có hôm quán đông khách hoặc gặp người người hâm mộ, gặp người quen thì đỡ. Tuy nhiên, có hôm đi hát xong vẫn không nhận được đồng nào. Trung bình thu nhập khoảng 200.000 đồng/đêm. Trừ 50.000 đồng tiền xăng chạy thì chỉ còn 150.000 đồng", nam nghệ sĩ tiết lộ.
Dù vậy, nam nghệ sĩ bày tỏ lạc quan khi tên tuổi của mình vẫn được nhiều người yêu mến. Thỉnh thoảng, ông được một số chương trình, sự kiện mời hát. Chia sẻ về tình hình sức khỏe hiện tại, nghệ sĩ Điền Tử Lang cho biết ông mang trong người nhiều bệnh nền, từng trải qua cơn "thập tử nhất sinh", phải nằm viện khá lâu vì bị tai biến hồi Tết năm 2022. "Tôi vừa ca xong, đi xuống thì thấy chóng mặt quá. Tôi ngồi xuống ghế thì thấy tối tăm mặt mày. Thế là tôi kêu "đệ tử" chở vô bệnh viện. Bác sĩ nói may mà đưa tôi vào kịp lúc "thời gian vàng" không thì…", ông chia sẻ.
Sau cơn bạo bệnh đến nay, nhớ lại thời càng trân trọng sức khoẻ và cảm xúc khi còn được đi hát. "Tôi nhớ sân khấu lắm, tuổi già, sức yếu rồi, bệnh nặng, nhưng vẫn mong có cơ hội được bước lên sân khấu. Đó sẽ là món quà này là động lực rất lớn đối với tôi", Nghệ sĩ Điền Tử Lang bộc bạch.
Nghệ sĩ Điền Tử Lang đi hát ở quán bia chỉ có 200K/đêm
Nguồn: [Link nguồn]
Aly Dũng là nam diễn viên có cảnh đời cơ cực nhất trong dàn nghệ sĩ của phim "Biệt động Sài Gòn". Tuổi xế chiều, ông sống một mình trong căn nhà 9m2.