NSƯT lớn tuổi nhất Việt Nam: 'Tôi đã thỏa ước vọng'
"Những cống hiến của tôi phải được trao danh hiệu từ lâu rồi mới phải", NSƯT 89 tuổi Văn Hanh chia sẻ.
Gặp nghệ sĩ Văn Hanh trong căn hộ nhỏ thuộc khu Tập thể Đài Tiếng nói Việt Nam phố Đại La, nơi cư trú của nhiều nghệ sĩ tên tuổi, đôi mắt ông ánh lên niềm vui khi mới đây được nhà nước trao danh hiệu NSƯT. “Tôi rất phấn khởi, cuối cùng cũng thỏa ước vọng đời mình, một đời là ca sĩ hát trên làn sóng điện Đài TNVN”, ông nói.
Bị lãng quên sau 27 năm về hưu
Nghệ sĩ Nguyễn Văn Hanh sinh năm 1927 tại Thượng Mỗ, Hoài Đức, Hà Nội. Năm 1945 ông gia nhập Quân đội, chiến đấu chống Pháp ở các đơn vị tiền thân của đại đoàn 308 sau này và hoạt động văn nghệ nghiệp dư. Năm 1948 ông được chuyển ngành về Chi Sở Kho thóc Thái Nguyên. Đầu năm 1955 ông về Đài Tiếng nói Việt Nam làm Đội trưởng Đội ca trong Ban ca nhạc của Đài.
Nghệ sĩ Văn Hanh là NSƯT lớn tuổi nhất Việt Nam.
Năm 1959, ông được học trực tiếp với chuyên gia Liên Xô về thanh nhạc. Khi ông mới về Đài, một số nghệ sĩ đã đi Trung Quốc thu đĩa hát nên Đội ca còn rất ít người, nam giới chỉ có ông và nghệ sĩ Trần Thụ, nữ chỉ có 4 người: Kim Oanh, Anh Tuấn, Bùi Thị Thái (Nghệ sĩ Nhân dân PTV Tuyết Mai), Lê Thu, sau đó mới tuyển thêm cho đủ dàn đồng ca rồi lên hợp xướng. Ông đã thu thanh nhiều ca khúc bằng nhiều hình thức: đơn ca, song ca, lĩnh xướng cho tốp ca…
“Tôi đi lên từ phong trào ca nhạc quần chúng, chẳng được học trường âm nhạc nào cả, tất cả là tự học, học anh em nghệ sĩ hát, học bạn bè. Khi về Đài Tiếng nói Việt Nam tôi vẫn còn i-tờ về âm nhạc, nhưng trong quá trình vừa học vừa làm, tôi rất chăm chỉ, lĩnh hội tốt, nên tôi nổi bật, sau đó lại được nhà nước mời một số chuyên gia thanh nhạc nước ngoài về hướng dẫn”, ông kể.
Bức ảnh chụp hôm nhận danh hiệu được ông trân trọng lồng khung kính.
Sau 34 năm công tác ở Đài TNVN, ông nghỉ hưu năm 1989. Và đến 27 năm sau, ông mới được nhà nước công nhận danh hiệu NSƯT.
Hỏi ông, tại sao đến giờ khi đã ở tuổi 89, ông mới được công nhận danh hiệu NSƯT, nghệ sĩ Nguyễn Văn Hanh tâm sự: “Trước đây có nhiều đợt xét tặng danh hiệu NSƯT và NSND nhưng vì cách bình bầu quá chặt chẽ, và có lẽ, mạng nặng tính “xin – cho", nên không nhiều người được trao. Khi tôi về hưu, lãnh đạo Đài toàn người trẻ, bằng tuổi con cháu mình nên thành thử tôi bị lãng quên.
Trong giới nghệ sĩ, nhiều người phàn nàn rằng những cống hiến của tôi phải được trao danh hiệu từ lâu rồi mới phải, nhưng thật sự tôi không biết nên thế nào. Đành tự an ủi: được hay không được, thôi cũng tùy duyên”.
Người đầu tiên hát “Câu hò trên bến Hiền Lương”
Có nhiều giọng ca nữ hát bài Câu hò trên bến Hiền Lương, mà người hát hay nhất phải kể đến là NSƯT Tân Nhân, sau đó là Thu Hiền, Bảo Yến, Hương Mơ… nhưng người đầu tiên phát hiện và hát ca khúc danh tiếng này chính là NSƯT Văn Hanh. Ông chính là người đầu tiên hát ca khúc lúc bài hát vừa “ra lò”, ngay trong hoàn cảnh đất nước hồi đó còn bị chia cắt.
Ông kể, ông đến với bài hát này vừa là sự tình cờ nhưng cũng như một cái duyên.
Hồi đó, nhạc sĩ Hoàng Hiệp khi tập kết ra Bắc, có gửi đến Đài Tiếng nói Việt Nam bài hát Câu hò trên bến Hiền Lương. Lúc đó, đã cuối giờ làm việc, mọi người trong ban biên tập về hết, ông Văn Hanh lúc ấy ở tập thể, buồn quá lên phòng giở tập nhạc ra xem. Thấy ngoài thư đề Câu hò trên bến Hiền Lương, ông tẩn mẩn lấy ra, tự xướng âm, tự đàn, ngồi hát, thấy bài hợp giọng mình, ông mải mê tập, bị cuốn đi, đến nỗi gà gáy báo sáng mới sực nhớ đêm qua mình quên ngủ.
“Ngay sáng hôm đó, tôi đề nghị với đồng chí phụ trách đoàn ca nhạc của Đài cho tôi được thu âm bài hát, và được đồng ý. Tôi mừng đến rơi nước mắt. Tôi bắt đầu hát, anh Hoàng Mãnh, một nhạc công piano có tiếng, đệm đàn cho tôi. Chỉ hát vài lần là thu âm xong. Đó cũng là một kỷ lục về thu âm và phát sóng, trong sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa nhạc sĩ sáng tác, ca sĩ hát và nhạc sĩ đệm đàn, để cho ra đời một ca khúc rất mới trên làn sóng điện của Đài TNVN.
Ít ngày sau, bài hát do tôi trình bày được phát lên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam. Phát sóng ít lâu, Ban biên tập của Đài nhận về quá nhiều thư yêu cầu phát lại. Nhiều lá thư cảm ơn tác giả và ca sĩ đã đem đến cho khán giả một bài hát hay và làm họ rưng rưng cảm động” – ông bồi hồi nhớ lại.
Ông Hanh còn nhớ lần đầu tiên biểu diễn ca khúc này ở vườn hoa Chí Linh (Hà Nội). Lúc ông đang hát lời 2 thì thấy phía dưới sân khấu, rất nhiều chị em khóc, nước mắt lăn dài trên má. Ông càng hát, họ lại càng khóc nhiều hơn. Nhìn chị em khóc, ông không thể cầm lòng và định không hát nữa, nhưng nhìn những người khác đang say sưa nghe, ông không thể dừng hát. Và không hiểu sao, nước mắt ông cũng như họ, lăn dài trên má cho đến khi bài hát kết thúc.
NSƯT Văn Hanh cùng con gái - PGS. TS Nguyễn Thị Minh Thái.
Lạ thay, khi nhìn thấy nước mắt nghệ sĩ, nhiều chị em ngừng thút thít, hướng ánh nhìn ngưỡng mộ về phía ông. Một cộng cảm chưa từng thấy trong nghệ thuật hát của đời ông. Từ đó về sau, lần nào đi biểu diễn phục vụ địa phương hoặc đơn vị bộ đội, khán giả đều cũng chỉ yêu cầu ông hát Câu hò trên bến Hiền Lương. Tên tuổi Văn Hanh nổi lên từ đó như một hiện tượng.
Nghệ sĩ Văn Hanh cũng chia sẻ, sở dĩ phần thu âm của ông không được phát trên Đài trong một thời gian dài sau đó vì phần nhạc đệm đơn giản quá. Sau này có vài người hát lại, phối khí mới lạ, hiệu quả cũng tăng lên nhiều. Có một điều mà cho đến giờ ông Văn Hanh vẫn còn vướng bận, ấy là bài hát này lẽ ra chỉ nên để giọng nam chuyên hát mà thôi.
“Bài hát là tâm sự của người chồng trẻ khi tập kết ra Bắc nhớ vợ, nhớ con, nhớ miền Nam yêu dấu, nên phải hát đúng tinh thần nhớ nhung ấy của người chồng. Khi đưa cho nữ hát, phần lời đang là đại từ anh phải đổi thành em. Tất nhiên mỗi bài hát cần có sự phong phú trong xử lý, đổi nhưng cần phải tôn trọng tinh thần mà tác giả đã gửi gắm trong bài hát. Theo tôi, chỉ nên để giọng nam hát mới là hợp lý và hợp tình”, ông nói.
Ngoài ca khúc Câu hò trên bến Hiền Lương, NSƯT Văn Hanh còn nổi tiếng với bài Tình trong lá thiếp song ca với NSND Thương Huyền, bài Múc nước giếng thơi, song ca với nghệ sĩ Mộng Dung, và bài đơn ca Tiếng hát trên rừng cọ đồi chè… rất được thính giả và khán giả yêu mến.
Nhớ lại thời tuổi trẻ tung hoành ấy, nghệ sĩ Văn Hanh bảo, thời hoàng kim ấy ông từng được yêu thích đến độ, nhiều cô gái viết thư về Đài tiếng nói Việt Nam xin ông gửi tặng ảnh, chép tặng bài hát. “Tôi nhớ nhất một cô gái từ Huế ra Hà Nội thăm người thân rồi đến tận Đài xin gặp tôi, nói chuyện. Sau đó, tôi đã dẫn cô ấy đi chơi khắp Hà Nội”, nghệ sĩ cảm động nhớ kỉ niệm ngày xưa.
NSƯT Văn Hanh là bố đẻ của PGS. TS Nguyễn Thị Minh Thái. Ngày 10.1, cô Minh Thái đã tháp tùng ông đến Nhà hát Lớn Hà Nội nhận danh hiệu. PGS. Nguyễn Thị Minh Thái kể: "Nhà nước định công bố từ ngày 2.9, đang ở chơi với gia đình cháu gái ở Sài Gòn và con gái ở Đồng Tháp, ông vội vàng bay từ Sài Gòn ra, tôi bảo khi nào chính thức công bố, trao danh hiệu, con điện, bố hãy ra, bố cứ chơi trong đó đi. Ông bảo không, bố sốt ruột lắm, nên ra luôn. Thế là ông chờ từ tháng 9 đến giờ. Ngày nào cũng hỏi, con ơi đã công bố chưa. Trước hôm đi nhận giải ông tự là comple cho mình, cả đêm ông không ngủ, sáng sớm gọi điện cho tôi bảo: "Con ơi dậy chưa, để đưa bố đi?". Khi đi nhận giải vui quá, ông còn quên máy trợ thính ở nhà. Ông được ngồi tầng 3, cạnh cô Kim Oanh, cùng được phong NSƯT, cùng làm việc với cô nhiều năm ở Đoàn Ca nhạc ĐTNVN, ông rất hoan hỉ, chụp ảnh rất nghiêm trang, thì thầm với tôi: "Kể ra cũng hơi muộn con ạ. Tôi bảo, tại bố đấy chứ, chả nghĩ ngợi đến chuyện “phong tước” cả. Trước đó, mọi người hỏi, ông bảo: Tôi già rồi. Mãi sau này, tôi bảo bố rằng muộn còn hơn không. Bố cứ làm hồ sơ đề nghị xét phong, con tin những cống hiến của bố cho Đài TNVN phải được đánh giá đúng. Ông làm hồ sơ và đã được trao danh hiệu. Khi nhận được quyết định, ông bảo, tại bố quên không hỏi ý kiến con". Cũng theo PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái, chuyện xin-cho danh hiệu ở Việt Nam vẫn còn rất nặng nề và cần thay đổi. Thứ nhất, phải đánh giá chính xác từng nghệ sĩ. Thứ hai, phải làm cho nghệ sĩ thoải mái nhất vì nghệ sĩ có công, nhà nước phải ghi công cho họ, đừng để người nghệ sĩ già phải lẩy bẩy đi lại, nhiêu khê nhiều thủ tục. Thứ ba, nhất định không được “nống lên” quá mức phong tặng, để xảy ra những kiện cáo, tranh cãi kéo dài. "Chính vì sợ phiền hà mà nghệ sĩ có thể không muốn hoặc rất ngần ngại làm hồ sơ, thủ tục, như trường hợp NSƯT ca trù Phó Thị Kim Đức chẳng hạn. Tôi nghĩ, với những cống hiến của bà cho nghệ thuật ca trù uyên bác này của Việt Nam, từ lâu, bà đã xứng đáng với danh hiệu NSND…", PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái nói thêm. |