Nhà phê bình khóc gần 30 phút vì bộ phim số 1 Châu Á
Bộ phim chạm tới trái tim của người xem vì câu chuyện về tình cảm gia đình.
Vào 11h sáng thứ 3 hàng tuần, sẽ có một bộ phim nằm trong danh sách 200 bộ phim hay nhất mọi thời đại được giới thiệu đến khán giả. Đây đều được xem là những siêu phẩm điện ảnh kinh điển của thế giới từ trước đến nay. |
Tokyo Story được xếp vào bộ phim hay nhất châu Á bởi câu chuyện nhân văn về xã hội Nhật Bản. Phim sản xuất năm 1953 nhưng vẫn tạo được tiếng vang sau 63 năm. Tác phẩm của đạo diễn kỳ cựu Ozu Yasujiro là một tượng đài về cách làm phim lấy đi nước mắt của người xem.
Poster phim là hình ảnh giọt lệ lăn dài trên má của người con dâu
Khó có một câu chuyện nào đơn giản hơn thế. Tokyo Story đưa người ta đến gặp một cặp vợ chồng già lên thành phố Tokyo để thăm các con. Trong cuộc sống hoa lệ ấy, hai ông bà phát hiện ra họ bị lạc lõng, không ai đoái hoài. Ở cái tuổi gần đất xa trời, ý định ban đầu của ông bà muốn thăm gia đình cậu con trai cả.
Đó cũng là người con ông bà luôn tự hào với công việc bác sĩ vẻ vang. Kế đó ông bà cũng muốn thăm cô con gái là chủ tiệm làm đầu, có cuộc sống ổn định.
Sự xuất hiện của ông bà làm đảo lộn sinh hoạt hằng ngày của những đứa con. Lấy lý do bận bịu công việc, hai người con đẩy bố mẹ tới khu suối nước nóng Atami. Ở đây ông bà không chịu nổi sự ồn ào của nhà nghỉ nên quyết định nhanh chóng quay về.
Người duy nhất đối xử tốt với ông bà hóa ra lại là vợ góa của người con trai thứ đã qua đời ở Chiến tranh thế giới thứ hai. Chuyến đi thăm con trở nên tồi tệ khiến cặp vợ chồng già trở về quê.
Hình ảnh hai vợ chồng già yêu thương nhau nhưng không được con cái quan tâm đọng lại nhiều suy nghĩ cho người xem
Vài ngày sau, người mẹ trở bệnh và qua đời. Những đứa con vội vàng trở về Tokyo sau khi tham dự lễ tang. Có một câu nói đơn giản thể hiện sự thất bại của họ: “Hãy đối xử tốt với cha mẹ bạn khi họ còn sống. Lòng hiếu thảo không thể vượt qua các ngôi mộ”.
Cảnh phim cuối cùng là hình ảnh ông lão một mình trong ngôi nhà bên bờ biển, lặng lẽ cầm chiếc quạt trên tay. Ông nhìn ra ngoài cửa sổ nơi có những mái nhà nằm áp sát nhau và xa xa, một chiếc thuyền đang đi trên mặt nước. Cuộc sống cứ thế tiếp diễn.
Tokyo Story (hay còn gọi Tokyo Monogatari) đã 2 lần nằm trong danh sách 10 phim hay nhất mọi thời đại trong cuộc bầu chọn của tạp chí Sight and Sound. Tạp chí Time cũng đưa phim vào danh sách 100 phim hay nhất.
Nhiều nhà phê bình điện ảnh cũng xếp phim vào nhóm phim hay nhất mọi thời đại. Trong danh sách 100 phim châu Á xuất sắc nhất do ban giám khảo LHP Quốc tế Busan bình chọn, Tokyo Story xếp vị trí số một.
Những người con trong đám tang của mẹ lặng lẽ nhưng rồi lại tiếp tục lao vào cuộc sống kiếm tiền để lại người cha già cô đơn ở quê
Dù đã ra đời hơn nửa thế kỷ nhưng tính nhân văn trong phim vẫn luôn chân thực. Mối quan hệ gia đình hiện đại được bóc từng lớp lang một cách từ tốn, theo cách làm phim vốn có của đạo diễn Ozu Yasujiro. Ông làm bộ ba phim cùng về đề tài gia đình, trong đó có Xuân muộn, Tokyo Story và Hè sớm. Mỗi bộ phim khai thác một đề tài trong gia đình, giữa bố mẹ và con cái, giữa anh chị em và giữa vợ với chồng.
Đạo diễn Ozu được gọi là nhà thơ của cuộc sống gia đình. Ông có khả năng tạo nên một bộ phim tuyệt vời từ việc nắm bắt những điều tưởng như tầm thường. Không có gì quá nhỏ bé để lãng quên. Các đồng nghiệp coi ông như một tượng đài vì nghệ thuật làm phim nhân văn. Số lượng các nhà làm phim thực hiện cuộc hành hương đến mộ ông đã lên tới hàng chục người.
Ông bắt đầu làm phim vào năm 1927 và là một trong những người cuối cùng từ bỏ phim câm. Cách làm phim của đạo diễn tài ba này đã tạo nên những tác phẩm vĩ đại. Ở đó người xem không thấy bị gò bó bởi những khuôn hình.
Trong Tokyo Story không có yếu tố giật gân như một số tác phẩm thông thường khác, thích khai thác điều này để gây chú ý. Điểm mạnh của phim chính là sự nhẹ nhàng, trầm tĩnh như cuộc sống vốn có với những khiếm khuyết bản thân nhân vật. Phim dễ dàng mang lại sự đồng cảm cho người xem.
Tình cảm của đôi vợ chồng già làm ấm lòng người xem
Nhà phê bình điện ảnh huyền thoại Roger Ebert từng nhận xét bộ phim đã làm được điều tuyệt vời đến nỗi ông gần như rơi nước mắt trong 30 phút cuối phim. Trong cảm nhận của Roger Ebert, phim đưa người xem tiến thêm một bước chống lại những điều còn thiếu sót trong cuộc sống mỗi người.
Chính vì không lên gân nên phim không có ý lên án, chỉ mang tới cái nhìn chân thực và một nỗi buồn miên man nhất định. “Không phải cuộc sống này đáng thất vọng”, một nhân vật trong phim đã nói. Những quan sát đơn giản về một Tokyo thu nhỏ xoay quanh mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái thuộc hai thế hệ khác biệt được đưa lên màn ảnh rất nhẹ nhàng. Nhà phê bình phim Derek Malcolm nhận xét không có bộ phim nào có thể thể hiện chủ đề này tốt hơn Tokyo Story.
Đạo diễn Ozu hầu như chỉ sử dụng các góc quay tĩnh và có độ cao trung bình, thấp hơn so với tầm mắt của một nhân vật lúc ngồi. Chủ đích của ông không để diễn viên thống trị một cảnh. Sự cân bằng của mỗi cảnh được thiết lập hoàn hảo. Như cách Chishu Ryu, diễn viên đóng vai người cha, có cảnh quay bên tách trà khá lâu nhằm khai thác yếu tố nội tâm nhân vật.
Phim lắng đọng trong lòng người xem nhiều cảm xúc về những điều còn thiếu sót trong mối quan hệ gia đình, nhất là với cha mẹ. Cuộc sống ồn ào đẩy người ta lao vào chuyện kiếm tiền mà quên đi giá trị tình yêu thương.
Trailer phim Tokyo Story