Điện ảnh Việt kỳ vọng thu 125 triệu USD vào năm 2030

Điện ảnh Việt dần bứt phá, chỉ trong vài tháng đầu năm đã thu về hơn 1.000 tỷ đồng, được kỳ vọng thu 125 triệu USD vào năm 2030. Tuy nhiên, câu chuyện phát triển công nghiệp điện ảnh đang gặp điểm nghẽn về cơ chế đầu tư, phân bổ ngân sách. Phim Nhà nước đặt hàng số lượng đã ít lại gặp khó trong khâu phát hành.

Phim đặt hàng ăn đong

Trong vài năm trở lại đây, tốc độ phát triển điện ảnh nội địa ngày càng mạnh mẽ. Theo thống kê của Box Office Vietnam, nửa đầu năm 2024, doanh thu phim Việt đã vượt mốc 1.000 tỷ đồng. Trong đó, nổi bật nhất là Mai của đạo diễn Trấn Thành và Lật mặt 7: Một điều ước của Lý Hải. Mai thu về hơn 500 tỷ đồng, trong khi đó, Lật mặt 7: Một điều ước có doanh thu đạt khoảng 482 tỷ đồng. Năm 2023, doanh thu phòng vé Việt đạt 150 triệu USD (gần 3.700 tỷ đồng), tương đương khoảng 90% trước thời điểm dịch COVID-19.

Thị trường cũng xuất hiện nhiều tác phẩm điện ảnh nổi bật. Một số tác phẩm điện ảnh Việt Nam được đánh giá cao tại các liên hoan phim quốc tế như Những đứa trẻ trong sương của nữ đạo diễn trẻ Hà Lệ Diễm, Tro tàn rực rỡ của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, Cu Li không bao giờ khóc của đạo diễn Phạm Ngọc Lân.

Tuy nhiên, một số chuyên gia nhận định, cơ chế đầu tư, phân bổ ngân sách cho điện ảnh đang trở thành rào cản. Tại hội thảo tham vấn Đề án chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045, ông Đỗ Duy Anh, nguyên Phó cục trưởng Cục Điện ảnh (Bộ VHTTDL) cho biết, việc sử dụng ngân sách nhà nước luôn theo hướng “ăn đong”, không có mức đầu tư và không có hạng mục đầu tư cụ thể. “Các nhà sản xuất muốn sử dụng ngân sách nhà nước để làm phim phải gửi kịch bản rồi đợi các bộ, ngành liên quan đến kinh tế, tài chính phê duyệt, sau đó mới quyết định đầu tư hay không”, ông Đỗ Duy Anh nêu.

Mai và Lật mặt 7: Một điều ước góp công lớn cho doanh thu của ngành điện ảnh Việt trong năm 2024.

Mai và Lật mặt 7: Một điều ước góp công lớn cho doanh thu của ngành điện ảnh Việt trong năm 2024.

Hiện nay, chỉ có Hãng phim Tài liệu và Khoa học T.Ư là đơn vị sự nghiệp của Bộ VHTTDL, các đơn vị sản xuất phim khác hầu hết đã cổ phần hóa. Ông Đỗ Duy Anh cho rằng, khối tư nhân, cổ phần hóa cần nhận được sự bình đẳng trong việc sử dụng ngân sách nhà nước. Thực tế, mỗi năm có nhiều nhất 5 phim đặt hàng được sản xuất, phát hành và rất hiếm phim đạt doanh thu 22 tỷ đồng. Phim Đào, phở và piano là trường hợp đặc biệt của dòng phim sử dụng ngân sách nhà nước.

Ông Đỗ Lệnh Hùng Tú, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam nhiều lần nêu lý do phim nhà nước thất thế hoàn toàn trên thị trường, bởi chỉ đầu tư sản xuất mà không đầu tư quảng bá, phổ biến phim. “Ngoài chi phí họp báo cho mỗi phim, không có bất cứ khoản chi nào cho khâu quảng bá như thiết kế, in poster, làm trailer... Đây là trở ngại lớn với phim Nhà nước đầu tư”, ông Đỗ Lệnh Hùng Tú nói.

Nhà nước “đỡ đầu”

Cơ chế phối hợp giữa đầu tư công và các hình thức xã hội hóa khi huy động vốn sản xuất phim chưa có, chưa rõ ràng, khiến việc hợp tác sản xuất gặp khó. Chẳng hạn, phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (năm 2015) do Nhà nước đặt hàng kết hợp vốn xã hội hóa, thu về 78 tỷ đồng khiến cơ quan quản lý loay hoay, không biết chia lợi nhuận như thế nào. Sau phim này, không còn việc kết hợp vốn nhà nước và vốn xã hội hóa. Cũng vì cơ chế, dự án phim Địa đạo của Bùi Thạc Chuyên kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước phải khước từ nguồn vốn nhà nước để huy động 100% vốn từ bên ngoài.

Đề án chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 đặt ra mục tiêu cho ngành công nghiệp điện ảnh là doanh thu toàn ngành đạt 250 triệu USD (khoảng 6.350 tỷ đồng), trong đó phim Việt Nam đóng góp khoảng 125 triệu USD (khoảng 3.170 tỷ đồng) vào năm 2030. Các chuyên gia cho rằng, Nhà nước cần quan tâm, đồng hành, hỗ trợ và trở thành “người đỡ đầu” của ngành điện ảnh.

Ông Đỗ Duy Anh cho rằng, các cơ quan quản lý cần tìm cách sử dụng ngân sách bài bản hơn. Nhà nước cần đề ra mức đầu tư cho ngành công nghiệp điện ảnh. Mức đầu tư cho các năm sau sẽ dựa trên kết quả thực hiện của các năm trước đó để cân nhắc. Số tiền đầu tư không chỉ dành cho sản xuất mà còn dành cho phát hành, đào tạo. “Kinh nghiệm của các nước cho thấy, Nhà nước luôn phải đi đầu trong việc đầu tư xây dựng trường quay, bởi rất khó để một doanh nghiệp bỏ ra hàng nghìn tỷ đồng cho khoản đầu tư này”, ông Đỗ Duy Anh nói.

Các chuyên gia đề xuất tháo gỡ những vướng mắc để đưa Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh vào sử dụng. Đặc biệt là xây dựng cơ chế để tạo nguồn vốn cho quỹ. Việc trông chờ Nhà nước “rót tiền” khiến công nghiệp điện ảnh và ngành điện ảnh khó bứt phá.

Nguồn: [Link nguồn]

Bất chấp bị giới chuyên gia chê bai, "Despicable Me 4" đã vượt mặt bom tấn hoạt hình “Inside Out 2” để dẫn đầu doanh thu phòng vé, duy trì chuỗi doanh thu khởi sắc cho Hollywood.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo GIA LINH ([Tên nguồn])
Hậu trường phim Việt Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN