4 bộ phim nổi tiếng được thực hiện chỉ với một cú máy
Những bộ phim dài quay bằng một cú máy xuyên suốt từ đầu đến cuối, không cắt dựng không ngắt quãng.
Thuật ngữ “one shot” trong điện ảnh thường dùng để chỉ những tác phẩm được thực hiện chỉ bằng một cú máy xuyên suốt từ đầu đến cuối, không cắt dựng không ngắt quãng. Việc sử dụng kỹ thuật này thường được áp dụng cho phim ngắn hơn phim dài vì nó đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng rất cao và quá trình quay cũng không được để xảy ra sơ sót nào.
Tuy nhiên, lịch sử điện ảnh hế giới cũng ghi nhận từng có rất nhiều rất tác phẩm “one shot” có thời lượng lên đến 100 phút, 120 phút hoặc thậm chí hơn, điển hình như Victoria, một bộ phim Đức, có thời lượng lên đến 140 phút. Dù vậy, Victoria vẫn chưa phải bộ phim “one shot” dài nhất, mà kỷ lục lại thuộc về Immortality, bộ phim Iran ra mắt năm 2016 của đạo diễn Mahdi Fard Ghaderi.
Hãy cùng điểm qua những tác phẩm tiêu biểu được thực hiện bằng kỹ thuật quay độc đáo này:
Russian Ark (2002)
Ra mắt lần đầu tại liên hoan phim Cannes 2002, bộ phim Russian Ark của đạo diễn Alexander Sokurov là một tác phẩm thuộc thể loại lịch sử. Tác phẩm được thực hiện chỉ với một cú máy xuyên suốt dài 96 phút với bối cảnh diễn ra gần như hoàn toàn trong Cung điện mùa đông, một di tích lịch sử ở Saint Petersburg của Nga.
Russian Ark được kể với góc nhìn của một... con ma, một linh hồn không tên đi lang thang trong cung điện mùa đông và có được nhiều khám phá về lịch sử của nơi đây cũng như những con người từng sống trong nó.
Trailer phim "Russian Ark"
Russian Ark giống như một bộ phim tài liệu mang một chút màu sắc hư cấu, bí ẩn được truyền tải rất độc đáo thông qua những góc quay đầy tính điện ảnh. Được hỗ trợ bởi steadicam (phương tiện chống rung máy quay) nên tay máy xuyên suốt của tác phẩm từ đầu đến cuối rất vững, không mang lại cho khán giả cảm giác rung lắc hay chếnh choáng, khó chịu.
Với tác phẩm này, đạo diễn Alexander Sokurov cũng chính là người dẫn chuyện, đã ghi lại được hình ảnh của 33 căn phòng trong cung điện mùa đông cùng hơn 2000 diễn viên và 3 dàn nhạc giao hưởng chỉ với 96 phút phim quay bằng máy Sony HDW-F900.
PVC-1 (2007)
Cũng chọn Liên hoan phim Cannes làm nơi ra mắt, bộ phim tâm lý PVC-1 của đạo diễn người Coombia Spiros Stathoulopoulos có độ dài 84 phút, quay bằng máy Glidecam 2000 Pro với một hệ thống chống rung ổn định và khá chuyên nghiệp.
Dù không giành giải thưởng nào tại Cannes năm đó nhưng PVC-1 cũng được giới phê bình đánh giá cao và nhận được nhiều thành tích tại các liên hoan phim khác, điển hình như Liên hoan phim Quốc tế Thessaloniki.
Trailer phim "PVC-1"
PVC-1 xoay quanh câu chuyện của một băng nhóm xã hội đen tìm cách cướp bóc và tống tiền một gia đình. Lối quay one-shot từ đầu đến cuối giúp bộ phim mang một màu sắc hoàn toàn khác lạ so với các bộ phim cùng thể loại những vẫn giữ được nhịp điệu và sự kịch tính vốn cần thiết của một tác phẩm hình sự, tâm lý.
Đạo diễn Spiros đã thực hiện tác phẩm này dựa trên một câu chuyện có thật về một người phụ nữ có tên Elvia Cortez, 53 tuổi. Năm 2000, cô bị những kẻ khủng bố tìm đến nhà, tròng vào cổ một quả bom tự chế và buộc cô phải đưa tiền chuộc trước thời điểm 3h chiều. Elvia Cortez đã tìm đến cảnh sát nhờ giúp đỡ nhưng quả bom lại phát nổ khi họ tìm cách tháo gỡ nó khiến cô bị chết ngay lập tức. Sự kiện đau buồn này đã làm rúng động cả Colombia suốt một thời gian dài.
Fish & Cat (2013)
Iran vốn là một đất nước sản sinh ra nhiều tác phẩm điện ảnh mang đậm màu sắc thể nghiệm, đồng thời chuyển tải được những câu chuyện rất sống động. Năm 2013, đạo diễn Shahram Mokri đã cho ra mắt bộ phim có tên Fish & Cat thuộc thể loại kinh dị, xoay quanh câu chuyện về một nhóm các sinh viên đến cắm trại bên hồ để chuẩn bị thi thả diều.
Bộ phim này cũng được quay bằng kỹ thuật one shot, chỉ với một cú máy từ đầu đến cuối kéo dài đến 134 phút, con số kỷ lục vào thời điểm năm 2013. Fish & Cat khi ra mắt tại Liên hoan phim Venice đã đoạt được giải thưởng đặc biệt, đồng thời cũng đươc4 vinh danh ở một Liên hoan phim Quốc tế danh giá khác là Fribourg.
Trailer phim "Fish & Cat"
Fish & Cat cũng được lấy cảm hứng từ một câu chuyện "kinh dị" có thật diên ra tại miền Bắc Ireland vào khoảng thập niên 1990. Khi đó, có một nhà hàng đã đưa vào thực đơn phục vụ món... thịt người, điều này khiến rất nhiều người rúng động.
Mahmoud Kalari, nhà quay phim thực hiện tác phẩm này, cũng chính là người quay phim của A Seperation, bộ phim Iran giành giải Phim nước ngoài xuất sắc nhất tại Oscar năm 2011.
Victoria (2015)
Dù giữ kỷ lục phim one shot dài nhất (140 phút) chỉ trong vòng 1 năm trong khi bị Immortality của Iran soán ngôi nhưng Victoria cũng là một tác phẩm rất đáng chú ý của điện ảnh Đức. Xoay quanh câu chuyện của một cô gái vừa chuyển đến thành phố mới sinh sống, Victoria soi chiếu hình ảnh một đô thị vừa hiện đại vừa cổ kính vừa nhiều góc khuất thông qua nhãn quan của một cô gái trẻ.
Tác phẩm được thực hiện bằng máy quay C300, một dòng máy mới được phát triển riêng dành cho các nhà làm phim nghiệp dư của Canon, mà không cần tới hệ thống chống rung Stedicam.
Cũng như nhiều tác phẩm one shot khác, Victoria chỉ được hoàn thành khi ê-kíp bấm máy đến lần thứ tư, một con số khá nhỏ so với những cú máy thông thường nhưng lại là một thách thức lớn đối với những cú máy dài đến 140 phút.
Tuy nhiên, dù được kể bằng lối quay phim độc đáo như vậy, Victoria cũng không hẳn chỉ là một tác phẩm kể chuyện bằng hình ảnh thông thường, mà nó mang trong mình chiều sâu của một câu chuyện đầy tính gợi mở, làm toát lên được cá tính, nội tâm lẫn những mong mỏi của nhân vật, khiến khán giả cảm thấy rất đồng cảm.
Chính vì vậy mà bộ phim này giành được đến 3 giải thưởng tại Liên hoan phim Berlin 2015, trong đó có giải Gấu bạc danh giá mà rất nhiều nhà làm phim mơ ước.